Nguy cơ hỏa hoạn rình rập ở các khu nhà trọ tại Hà Nội

Chủ Nhật, 30/10/2016, 08:03
Các khu nhà trọ là nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Bởi đây là những khu vực mà an toàn phòng chống cháy nổ đang bị bỏ ngỏ. Phòng trọ thường chỉ có diện tích hơn 10m2 nhưng đây là nơi thường xuyên xuất hiện các loại đồ dùng, vật liệu bén lửa, thêm vào đó là tình trạng sử dụng nguồn điện bất hợp lý. Đáng bàn, ở những nơi này hầu như không hề có phương tiện phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Qua khảo sát của chúng tôi, hệ thống điện ở một số khu nhà trọ cấp bốn trên địa bàn một số quận như: Cầu Giấy, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm… được lắp đặt rất tạm bợ.

Bảng điện lỏng lẻo khiến nguy cơ chập điện luôn tiềm ẩn. Trong các gian phòng trọ với sự xuất hiện của nhiều loại thiết bị điện được sử dụng như: Bếp từ, nồi cơm điện, quạt, máy vi tính… trong khi việc sử dụng nguồn dẫn điện bất hợp lý khiến nguy cơ chập điện luôn rình rập. Để tiết kiệm chi phí điện sinh hoạt, hầu hết các bạn sinh viên, người thuê trọ đều nấu ăn ngay trong phòng.

Ông Nguyễn Đình Tứ, Tổ trưởng Tổ dân phố số 20, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) lo ngại: “Chủ nhiều khu trọ gần như “phớt lờ” các quy định về PCCC, không trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy cần thiết như: Bình cứu hỏa, rìu cứu nạn...

“Bà hỏa” rình rập tại nhiều khu nhà trọ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Có một số chủ nhà trọ vì lợi nhuận, đã tận thu, cho thuê những gian phòng có mạng lưới điện không đảm bảo an toàn. Hầu hết các khu trọ đều nằm sâu trong các con ngõ, nên khi hỏa hoạn xảy ra, công tác chữa cháy, cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn vì đường hẹp, xe chữa cháy không thể lưu thông. Lúc này, thiệt hại về người, tài sản theo đó sẽ khó lường”.

Được biết, Thông tư  33/2010/TT-BCA của Bộ Công an ban hành vào ngày 5-10-2010 quy định cụ thể điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, quy định rõ, các chủ trọ cần phải đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy, chấp hành các yêu cầu về anh ninh trật tự, phòng chống cháy nổ.

Tuy nhiên, quy định trên dường như chỉ nằm trên giấy, bởi hiện nhiều chủ nhà trọ vẫn thản nhiên vi phạm. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Anh Phong, công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC số 1 (Hà Nội) cho biết, việc xử lý đám cháy lúc mới phát sinh là rất quan trọng.

Các phương tiện chữa cháy tại chỗ đóng vai trò khá quan trọng. Nó góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản. Thế nhưng, nhiều chủ nhà trọ vẫn lơi là công tác PCCC tại cơ sở, không trang bị đầy đủ các phương tiện, kỹ thuật PCCC. Đây là một thực trạng rất đáng lo ngại. 

Trước thực tế hiện nay, thiết nghĩ, ngoài công tác tuyên truyền giáo dục về đảm bảo PCCC, các cơ quan chức năng cần tăng cường rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp chủ nhà trọ cố tình vi phạm về các quy định an toàn PCCC, có như vậy mới không để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Kim Thoa
.
.
.