Nguy cơ “già hóa” hệ thống PCCC tại các khu công nghiệp

Thứ Bảy, 01/04/2017, 09:14
Mấy ngày qua, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm đến vụ cháy xảy ra tại Công ty TNHH Kwong Lung Meko, Khu công nghiệp (KCN) Trà Nóc, TP Cần Thơ gây thiệt hại rất lớn về tài sản.

Theo đánh giá của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), Bộ Công an, cháy nổ tại các KCN đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, khi xảy ra thường gây thiệt hại lớn, thậm chí là rất nghiêm trọng về tài sản. Tuy nhiên, ý thức chấp hành các quy định về an toàn PCCC tại không ít cơ sở sản xuất ở các KCN còn thấp, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Sơ suất nhỏ, thiệt hại quá lớn

Trên cả nước hiện có trên 300 KCN, khu chế xuất (KCX). Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, trong năm 2016, cả nước xảy ra 55 vụ cháy tại các KCN, KCX, tăng 13 vụ so với cùng kỳ (55/42 vụ), tăng 30,1%. Trong 29 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng thì có 9 vụ xảy ra tại các KCN, gây thiệt hại 383,377 tỷ đồng, chiếm 30,9% tổng thiệt hại.

Các vụ cháy xảy ra tại KCN thường gây ra thiệt hại lớn về tài sản, thậm chí là nghiêm trọng. Dễ thấy nhất là con số ước tính thiệt hại trong vụ cháy tại vừa qua tại Công ty TNHH Kwong Lung Meko, KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ là khoảng 6 triệu USD.

Một trong những vụ cháy có thiệt hại rất lớn về tài sản tại KCN gần đây là vụ cháy nhà xưởng Công ty TNHH Dorco Vina, KCN Phố Nối A, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, với thiệt hại ước tính là trên 227 tỷ đồng. Hay vụ cháy xảy ra tại kho nguyên liệu và thành phẩm của Công ty TNHH Sản xuất in bao bì giấy Ðài Chương, tại đường số 6, KCN Trảng Bàng, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, gây thiệt hại 20 tỉ đồng. Hay vụ cháy xảy ra tại kho hàng hóa của Công ty Y&J International, tại KCN Minh Hưng - Hàn Quốc, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, thiệt hại hơn 40 tỉ đồng.

Vụ cháy tại Công ty TNHH Kwong Lung Meko gây thiệt hại hàng triệu USD.

Nhìn chung, hiện nay công tác PCCC tại các KCN đã được các cơ quan, ban, ngành, chủ đầu tư quan tâm, đầu tư kinh phí, tuy nhiên trong quá trình hoạt động vẫn tồn tại một số thiếu sót. Nhiều cơ sở thay đổi công năng trong quá trình sử dụng nhưng không thực hiện thẩm duyệt thiết kế bổ sung về PCCC; không đảm bảo yêu cầu khoảng cách an toàn PCCC giữa các nhà xưởng, nhà kho; nhiều trường hợp tự ý cơi nới, làm thêm các mái che nhưng không có giải pháp ngăn cháy.

Lực lượng, phương tiện PCCC tại chỗ hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến không khống chế được đám cháy ngay từ khi mới phát sinh, báo cháy chậm nên khi lực lượng Cảnh sát PCCC đến nơi thì đám cháy đã phát triển trên quy mô lớn.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do người đứng đầu cơ sở chưa quan tâm đúng mức tới công tác PCCC; không tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC định kỳ; không trang bị hoặc có trang bị nhưng không đầy đủ, không kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên các hệ thống, phương tiện PCCC. Nhận thức, ý thức của đa số người lao động còn chưa cao trong việc thực hiện nội quy, quy định về an toàn PCCC.

Tại nhiều cơ sở, dây chuyền sản xuất đã cũ kỹ, lạc hậu, hệ thống điện không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, dễ phát sinh sự cố cháy, nổ trong quá trình sử dụng.

Phát huy hiệu quả lực lượng chữa cháy tại chỗ

Để hạn chế dẫn đến đẩy lùi nguy cơ cháy nổ tại các KCN rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành. Theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, cần tăng cường ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong tự kiểm tra an toàn PCCC, phát hiện kịp thời những sơ hở, thiếu sót có thể dẫn đến sự cố cháy nổ; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành các quy định về PCCC cho cán bộ, công nhân viên; thành lập và phân công trách nhiệm rõ ràng, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các hệ thống, thiết bị PCCC để đảm bảo luôn luôn ở chế độ thường trực; xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy theo định kỳ quy định. Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về thẩm duyệt thiết kế về PCCC, chú trọng vào các giải pháp chống cháy lan, hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động; bảo đảm giao thông, nguồn nước chữa cháy tại cơ sở.

Những vụ cháy nổ xảy ra tại các KCN trên cả nước thời gian vừa qua dẫn đến thiệt hại lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng chính là hồi chuông báo động cho các cơ sở sản xuất cần chấp hành tốt quy định về PCCC cũng như thực hiện đồng bộ các giải pháp để ngăn ngừa nguy cơ cháy nổ.

Công nhân hàn cắt gây cháy bị tuyên phạt 6 năm tù

Ngày 22-3, bị cáo Nguyễn Đức Khởi, SN 1985, trú tại xã Phương Mao, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, đã bị Tòa án nhân dân huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh xét xử lưu động tại KCN Quế Võ.

Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Đức Khởi là công nhân thuộc Tổ cơ khí, thiết bị của Công ty Nam Á. Ngày 11-3-2016, Khởi được Trần Văn Hoài, 37 tuổi, là Tổ trưởng Tổ cơ khí, thiết bị, giao cho đi cắt các thanh sắt chữ U ở trong hầm sấy gỗ về làm khuôn Pallet. Khởi đã cùng hai công nhân khác mang theo máy hàn vào trong hầm tiến hành cắt sắt. 

Trong quá trình làm, do không có các biện pháp an toàn nên vảy hàn đã bắn vào các vật liệu dễ cháy và cháy lan ra xung quanh gây cháy lớn. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã định giá tài sản thiệt hại gần 11 tỷ đồng. 

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Đức Khởi đã bị xét xử theo Khoản 3 Điều 240 Bộ Luật hình sự với khung hình phạt từ 7 đến 12 năm tù. Tuy nhiên, bị cáo có những tình tiết giảm nhẹ như có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, gia đình có công, nguyên đơn xin giảm án nên được xử dưới mức hình phạt còn 6 năm tù giam.

Vụ án được đưa ra xét xử lưu động thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và công nhân KCN Quế Võ đã góp phần tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật cho chủ doanh nghiệp, công nhân và người dân, đồng thời nghiêm khắc răn đe những vi phạm quy định PCCC.


Nguyễn Hương
.
.
.