Người tiên phong giúp dân bản xóa nghèo

Thứ Tư, 03/01/2018, 10:27
Đến bản Doa Củ, xã Hướng Phùng, huyện miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị, hỏi ông Hồ Mời, người đã nhiều năm qua tận tâm giúp đỡ bà con dân bản xóa đói, giảm nghèo, ai cũng biết…


Em Hồ Văn Đợi, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Hướng Phùng nhanh nhảu bảo chúng tôi: “Các chú đi theo cháu, nhà của ông Mời ở cuối bản, cách nhà cháu chỉ 3 nhà”. Khi chúng tôi đến, ông Mời không có nhà. Bà Hồ Thị Chưn, vợ của ông cho biết, ông ra huyện mua vật liệu cho đứa cháu xây nhà. Trong lúc đợi ông, chúng tôi đến nhà già làng Hồ Kiếng (92 tuổi) tìm hiểu. 

Già Kiếng chậm rãi kể: “Cách đây 40 năm, Mời là người đầu tiên trồng, phát triển cây cà phê ở bản Doa Củ. Còn cách đây 15 năm, Mời là người đầu tiên ở đây đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình theo mô hình vườn-ao- chuồng, chăn nuôi, trồng trọt đa con, đa cây phù hợp với điều kiện tự nhiên và nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Cái bụng của Mời rất sáng. Nhờ lòng tốt đó mà đến nay cả bản Doa Củ với hơn 200 hộ dân, nhà nào cũng có cái ăn, cái mặc đầy đủ, nhà cửa được xây dựng chắc chắn, con cháu có điều kiện tốt để học cái chữ”. 

Ông Hồ Mời, người tiên phong phát triển các loại cây cà phê ở Doa Củ, giúp bản làng xóa đói, giảm nghèo.

Chúng tôi hỏi, ông Mời tốt bụng như thế nào? Già Kiếng giải thích: “Sau khi nó trồng, phát triển cây cà phê thành công thì giúp đỡ giống cây, phân bón và hướng dẫn tất cả bà con ở đây cùng trồng mà không lấy đồng tiền nào. Rồi khi nó thành công với mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình kể trên, nó cũng giúp đỡ bà con như vậy”.

Ông Mời về, nghe vợ nói có khách đến thăm, ông liền sang nhà già Kiếng. Trời đã tối. Bên bếp lửa nhà sàn bập bùng cháy, ông Mời kể cho chúng tôi nghe quá trình vất vả vươn lên trong cuộc sống, rồi có điều kiện, của cải để dành để giúp đỡ bà con bản làng cùng mình xóa đói, giảm nghèo. 

“Sau giải phóng, tôi tìm hiểu và quyết định đào 100 gốc cà phê con, thuộc dòng họ cà phê mít dọc bìa rừng trên địa bàn Khe Sanh, Hướng Hóa đem về vườn nhà mình trồng. Năm 1978, khi cây cà phê bén rễ lên xanh, thì tôi nhận nhiệm vụ tham gia vào bộ đội, đi chiến trường Campuchia. Ba năm sau trở về, tôi thấy cây cà phê mình trồng đã cho quả. Tuy nhiên, đến năm 1995, khi người dân ở các bản khác đến định cư sinh sống đông đúc tại Doa Củ, thì kế hoạch cùng bà con phát triển cây cà phê của tôi mới có dịp được thực hiện và nhân rộng”. 

“Năm 2002, tôi thấy cây cà phê mít năng suất thấp, thị trường ít ưa chuộng nên tôi bàn với bà con chuyển sang trồng cây cà phê chè catimor cho năng suất cao hơn nhiều lần và rất được người tiêu dùng yêu thích. Cùng với đó, tôi tiên phong thực hiện mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình vườn-ao-chuồng, chăn nuôi, trồng trọt đa con, đa cây. Nhờ những việc làm này mà bà con chúng tôi nhiều năm qua đã thoát được nghèo bền vững, từng bước vươn lên làm ăn khá, không ít hộ gia đình trở nên rất giàu có”, ông Mời chia sẻ.

Ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng phấn khởi cho biết: “Nhiều năm qua, ông Mời không chỉ là tấm gương phát triển kinh tế giỏi trên địa bàn xã, mà ông còn có tấm lòng nhân hậu, yêu thương, giúp đỡ mọi người, nhất là những trẻ em mồ côi cha mẹ, gia đình đơn thân hay ốm đau và gia đình có hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn. Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức tuyên dương tấm gương sáng ông Mời”.

Thanh Bình
.
.
.