Người phụ nữ đưa đón học sinh miễn phí

Chủ Nhật, 30/10/2016, 08:26
Ở cái tuổi gần 60, dù trời nắng hay mưa, bà Bảy Nhị vẫn ngày ngày lái chiếc vỏ lãi chạy dọc theo con kinh thủy lợi ở “xứ mía” Phụng Hiệp (Hậu Giang) để đưa đón miễn phí gần 20 học sinh của Trường Tiểu học Long Thạnh 3.

Len lỏi theo con đường đất sình lầy, cũng là con đường chính của ấp Long Trường 2, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, nơi được mệnh danh là ấp “3 không” (không đường, không điện, không nước sạch) chúng tôi tìm đến nhà của bà Bảy Nhị.

Nhiều người dân ở đây chẳng lạ gì bà bởi 5 năm qua, hình ảnh người phụ nữ đội chiếc nón lá, ngày hai buổi chạy vỏ lãi đưa đón học sinh đã quá thân thuộc. Bà Bảy Nhị có tên thật là Đoàn Thị Bảy (56 tuổi) hiện đang sống cùng chồng và một đứa cháu nội đang học lớp 4.

Chỉ tay về chiếc vỏ lãi, bà Bảy Nhị, nhớ lại: “5 năm trước, khi đứa cháu nội vào học mẫu giáo, các con đi làm ăn xa, nên tôi và chồng phải thay phiên đưa đón. Trên đường đi, hễ thấy đứa nào đi bộ là tôi kêu xuống vỏ lãi chở về. Dần thành thói quen, nghe tiếng máy của tôi, là chúng nó đã đứng trên bờ đợi sẵn”. Bởi nơi đây, đoạn đường các em đến trường đầy bùn đất, có em thường xuyên phải đi học muộn vì phải đợi hết sương mù đọng trên lá mía thì mới len vào bờ mía đến trường.

Trước đây, để có được phương tiện đưa rước các em học sinh, bà Bảy Nhị bàn với chồng vay 10 triệu đồng để sắm vỏ lãi. Sau đó, một Mạnh Thường Quân ở TP Hồ Chí Minh cảm động trước việc làm đầy ý nghĩa của bà Bảy Nhị, đã tặng cho bà một chiếc vỏ lãi lớn hơn. Đến giờ số lượng học sinh được bà Bảy Nhị đưa rước hàng ngày là 18 em. Để tránh trường hợp các em mắc mưa, ướt tập sách… bà Bảy Nhị còn mua 5m2 cao su, xếp ngay ngắn để sẵn trong vỏ, nhằm cho các em che mưa.

5 năm qua, bà Bảy Nhị ngày 2 buổi đưa đón miễn phí các em học sinh đến trường.

Ở tuổi gần 60, nhưng cứ mỗi sáng đúng 5h30 là bà Bảy Nhị lại tất tả chạy chiếc vỏ lãi dọc theo con kinh Bà Chủ đón học sinh đến trường, 10h30 thì đón về. Hôm nào, các em học 2 buổi thì 13h00 bà Bảy lại nổ máy chạy đón học sinh, chiều lại đưa về.

“Phải đúng giờ vì chúng nó ngóng mình dữ lắm. Trễ giờ là sẽ tập cho các cháu học sinh thói quen không tốt” – bà Bảy, cho biết. Công việc đồng áng với 2 công mía, năm trúng, năm thất cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày, nhưng suốt 5 năm qua, bà Bảy Nhị vẫn chưa nghỉ đưa đò ngày nào. Hôm có việc bận, hay đám tiệc thì  bà cũng tranh thủ đưa các cháu đi học, rồi mới đi đám hoặc chồng phải đưa đón thay.

Bà Bảy kể, có hôm phụ huynh chạy xuống, đưa cho bà trái bầu, trái dưa, bó rau rồi dặn: “Cô Bảy lấy về nấu canh. Cám ơn cô Bảy nhiều”. Đó là món “tiền công” mà bà Bảy Nhị thỉnh thoảng nhận được từ cha mẹ của các em học sinh.

Anh Lê Văn Hùng (phụ huynh em Lê Thị Tố Trinh, học sinh lớp 5A1), cho biết: “Nhờ có cô Bảy mà con gái tôi không còn phải đi bộ mấy cây số để đến trường nữa. Gia đình tôi cũng an tâm đi làm đồng, mà không phải lo như trước”. “Bà Bảy thương tụi con lắm, ngoài đưa đón chúng con đi học, bà còn dạy chúng con phải lễ phép với người lớn, đoàn kết, yêu thương bạn bè. Con thường đem điểm 10, giấy khen khoe với bà Bảy, bà vui lắm” – em Trinh cho biết.

Cô Phạm Ngọc Ửng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Thạnh 3, nhận xét: “Chị Bảy Nhị là người thân thiện, yêu thương học sinh như là cháu ruột của mình. Ngoài việc đưa rước các em đến lớp, chị Bảy còn làm công tác vận động các em đến lớp. Em nào mà nghỉ học 1, 2 buổi là chị Bảy ghé lại hỏi thăm, sau đó cùng thầy cô trong trường tìm cách giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn cho các em tiếp tục đến lớp. Toàn trường có 415 học sinh, nhưng có đến 125 là con em gia đình nghèo và cận nghèo. Phần đông các em phải đi bộ qua đoạn đường đất để đến trường, có hôm trời mưa là học sinh té, tập sách ướt hết. Từ khi có chị Bảy đưa rước các em đến lớp, chúng tôi yên tâm hơn”.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng ấp Long Trường 2, cho biết: “Người dân ở đây còn khó khăn, chủ yếu sống bằng nghề trồng mía, làm thuê, làm mướn. Toàn ấp có 395 hộ, trong đó có 139 hộ nghèo và cận nghèo. Tại tuyến kênh thủy lợi Bà Chủ còn là đường đất, sử dụng điện câu đuôi, không có nước máy. Việc làm của bà Bảy Nhị góp phần thực hiện tốt các tiêu chí của địa phương đặt ra, không còn trường hợp con em phải bỏ học vì khó khăn trên đường đến trường. Ghi nhận việc làm đầy ý nghĩa, UBND huyện Phụng Hiệp đã tặng Giấy khen cho bà Bảy 2 năm liền”.
Trần Lĩnh
.
.
.