Người nuôi cá đặc sản ở phá Tam Giang điêu đứng vì thiếu đầu ra

Thứ Bảy, 29/10/2016, 08:30
Do ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng sau sự cố môi trường biển nên dù đã qua thời điểm thu hoạch nhiều tháng nhưng đến nay, vẫn còn hàng  ngàn tấn cá đặc sản nuôi ở vùng đầm phá Tam Giang (Thừa Thiên - Huế) tồn đọng, đẩy người nuôi vào cảnh điêu đứng…


Xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, được biết đến như là địa danh gắn liền với việc nuôi các loại cá đặc sản nổi tiếng như cá vẩu, cá giò, hồng mỹ, hồng đỏ, cá mú, dìa, chẽm... 

Cả xã có trên 200 hộ dân nuôi trồng thủy sản, với diện tích hàng trăm ha ở vùng phá Tam Giang; trong đó, chỉ tính riêng thôn 14 của xã đã có gần 70 hộ dân nuôi khoảng 250ha cá đặc sản.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc, Trưởng thôn 14, thì sự cố môi trường biển vừa qua như một cơn bão quét qua địa bàn. Bởi sau sự cố này, các loài cá đặc sản của người dân không thể tiêu thụ được…

Cá đặc sản tồn đọng trong ao hồ khiến người nuôi cá ở xã Quảng Công lâm vào cảnh điêu đứng.

Ông Ngọc dẫn chúng tôi ra bên mép phá Tam Giang, nơi có nhiều chủ hồ đang cho cá ăn vào buổi trưa đứng bóng. Đứng bên 4 hồ cá nối liên tiếp nhau rộng chừng 1,6ha, bà Lê Thị Khoa (62 tuổi, trú ở thôn 14) buồn bã nói rằng, vụ cá năm nay gia đình bà thả 1,6 vạn cá giống các loại cá đặc sản nói trên. Sau 7 tháng nuôi, dự kiến đến tháng 8-2016 sẽ thu hoạch hết để tránh mưa bão nhưng đến nay, đã gần 3 tháng trôi qua, gia đình bà vẫn còn tồn đọng gần 4 tấn cá nuôi.

“Cá nuôi giờ đều vượt kích cỡ, trọng lượng quá rồi nhưng không bán được. Lúc trước, các loại cá đặc sản này đều có giá dao động mỗi ký từ 100-200 nghìn đồng, nay giảm còn 50-60% nhưng vẫn không có người mua.

Do cá tồn đọng trong ao hồ nên mỗi ngày phải tốn khoảng 3,5-4 tạ thức ăn cho cá, mất chi phí 4 triệu đồng”, bà Khoa nói. Tương tự, ông Phạm Viết Dũng nuôi gần 2ha các đặc sản thì chỉ mới xuất bán được 4 tấn, còn tồn 6 tấn cá nuôi; bà Nguyễn Thị Mỹ tồn 5 tấn cá nuôi...

Ông Lê Duận, Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho rằng, chưa bao giờ người nuôi cá đặc sản trên địa bàn xã lại điêu đứng như hiện nay. Cá không bán được nên mỗi chủ ao hồ đều phải vay mượn tiền ngân hàng từ vài chục đến cả trăm triệu đồng để mua thức ăn cho cá. Hiện toàn xã còn tồn đọng gần 300 tấn cá đặc sản.

Tình trạng này kéo dài thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy nên địa phương đã kiến nghị các cấp cần khẩn trương có giải pháp giúp người nuôi bán được cá.

“Nếu dư luận nghi ngờ chất lượng cá thì chúng tôi xin cơ quan chức năng kiểm tra, xét nghiệm mẫu cá để tạo niềm tin cho người tiêu dùng”, ông Duận khẳng định.   Tại các xã ven vùng đầm phá Tam Giang thuộc huyện Phú Vang, Phú Lộc cũng xảy ra tình trạng tương tự khi cá đặc sản nuôi trong lồng bè gặp khó khăn trong việc tiêu thụ.

Ông Hà Thanh Hoài, cán bộ thủy sản thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) cho biết: “Thị trấn có khoảng 1.000 hộ tham gia thả nuôi 7.500 lồng cá các loại ở đầm phá nhưng do mất giá, thị trường khó tiêu thụ đã gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sinh kế người dân”.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngoài diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản ven đầm phá Tam Giang, hiện địa bàn tỉnh có gần 3.900 lồng lưới nuôi cá tại các vùng cửa biển, trong đó cửa Thuận An, xã Hải Dương có 600 lồng; thị trấn Thuận An có 1.100 lồng; cửa Tư Hiền, xã Vinh Hiền có 1.200 lồng; xã Lộc Bình có 300 lồng; cửa Lăng Cô, thị trấn Lăng Cô có 700 lồng với các loại cá vẩu, cá giò, cá hồng mỹ, cá hồng đỏ, mú, dìa, chẽm...

Tuy nhiên, do ảnh hưởng sự cố môi trường biển và thị trường thiếu đầu ra đã đẩy người nuôi cá rơi vào tình cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất.

Để có thể tiêu thụ các loại cá đặc sản đang tồn đọng nhằm tránh thiệt hại, nhất là đang trong mùa mưa bão như hiện nay, cần có sự kết nối với những cơ sở thu mua, chế biến thủy sản ở các tỉnh, thành lân cận để giúp người nuôi cá đặc sản mở rộng thị trường đầu ra tiêu thụ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.

Anh Khoa
.
.
.