Người đàn ông bán nửa gia tài đi tìm vợ mất tích

Thứ Hai, 27/04/2015, 08:53
Chỉ cách trung tâm huyện Phong Thổ (Lai Châu) hơn chục cây số nhưng đường vào bản Ngải Chồ, xã Huổi Luông gian nan như lên trời. Con đường như lưỡi mèo vắt hết lưng núi này sang lưng núi khác, gập ghềnh và gian khó, hệt như chặng dài người đàn ông Mông tìm kiếm và đưa bằng được người vợ đầu gối tay ấp bị bắt cóc trở về sau chuỗi ngày tủi nhục bên xứ người…

Anh là Sùng A Làng (45 tuổi), có vợ anh là chị Lừu Thị Mủa (47 tuổi). Họ chung sống với nhau qua mười năm mùa nương rẫy và đã có với nhau 7 người con. Kết hôn sớm nên mới ngoài tứ tuần vợ chồng anh đã lên chức ông bà nội, ngoại. “Tuy cuộc hôn nhân do cha mẹ hai bên sắp đặt nhưng đã ăn đời ở kiếp với nhau nên tình nghĩa vợ chồng mình bền chặt và sâu đậm lắm” - anh Làng đỏ hoe mắt khi kể về ngày vợ anh đột nhiên mất tích…

Hôm đó là ngày 10/5/2014, đúng phiên chợ biên giới Cửa Cải (Trung Quốc) - đối diện với Trạm kiểm soát biên phòng Pô Tô trên địa bàn xã Huổi Luông, vợ chồng anh cùng 6 người cùng bản xuống chợ bán thớt và quả me chua. Khoảng 8h bán hết hàng, anh không thấy vợ đâu, đi tìm khắp chợ cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Anh quay về nhà thì cậu con trai út cũng bảo mẹ chưa về... 

Sau mấy đêm suy nghĩ và gặp cán bộ Công an, anh đoán vợ mình đã bị kẻ xấu bắt cóc sang bên kia biên giới. Bản Ngải Chồ chỉ cách đường biên mấy tiếng đi bộ, xã Huổi Luông cũng từng xuất hiện một số vụ lừa phỉnh phụ nữ bán qua biên giới. Không thể để vợ rơi vào tay kẻ xấu, Sùng A Làng quyết định lên đường tìm vợ.

 Sùng A Làng (bìa phải) trao đổi với đồng chí Phàng A Tủa, Công an huyện Phong Thổ về cuộc sống gia đình sau khi chị Mủa trở về.

Nhà nuôi 4 con trâu, anh gọi người bán gấp 2 con được 52 triệu, đổ cả vào việc đi tìm chị Mủa. Gần 1 tháng anh và mấy người quen bỏ dở nương rẫy, tìm kiếm khắp cửa khẩu Ma Lù Thàng (Việt Nam), xã Cửa Cải, huyện Kim Bình (Trung Quốc), ảnh chị anh mang theo người, gặp ai cũng hỏi, số điện thoại của anh, gặp ai anh cũng đưa. Trong những ngày lang thang tìm vợ, anh bị kẻ xấu lừa. Chúng bảo nhìn thấy vợ anh, đòi phí 500 nhân dân tệ, nhưng tiền đưa rồi mà chẳng thấy chúng đưa vợ về như đã hứa mới biết bị lừa.

Tìm kiếm vô vọng, anh trở về Ngải Chồ sau khi đã gần hết hi vọng thì bất ngờ một hôm vợ anh gọi về cho anh bằng một số điện thoại bàn xa lạ. Hóa ra, trong phiên chợ hôm đó, chị bị người ta lừa dẫn đến một chỗ vắng ở chợ để họ mua hết hàng, tưởng gặp khách sộp chị theo đám người đó nhưng rồi bị chúng ép lên một chiếc ôtô chờ sẵn, bịt mắt, bịt mồm phóng đi mất. 

Chị bị bán làm vợ một người đàn ông đã 60 tuổi ở Trung Quốc. Chị bảo bây giờ cũng không biết ở đâu, chỉ biết rằng cuộc sống bên đó rất khổ sở, muốn về nhà, nhớ chồng nhớ con.

Sau khi nghe tin trình báo, Đại tá Nguyễn Xuân Kiên, Trưởng Công an huyện Phong Thổ đã trực tiếp gặp anh Sùng A Làng. Đại tá Kiên “bày” cho anh Làng cách để vợ anh thoát thân và báo các cơ quan chức năng của Trung Quốc. Qua các cuộc điện thoại chị gọi lén về nhà, anh Làng bảo vợ nếu được đi chợ hay ra ngoài đường, cứ thấy người nào mặc cảnh phục, đeo súng thì dùng tiếng Quan Hỏa (ngôn ngữ chung để giao tiếp giữa các đồng bào dân tộc thiểu số ở Phong Thổ với người dân Trung Quốc - PV) trình báo rồi nhờ họ giúp đưa về. 

Chị Mủa tìm cách đi chợ để làm theo hướng dẫn của chồng nhưng bị người chồng mới phát hiện, ông ta đánh cho chị một trận thập tử nhất sinh và tuyên bố sẽ bán chị cho một “con buôn người” với giá 6.000 nhân dân tệ.

Tấm ảnh chị Mủa được anh Làng mang theo khi đi tìm vợ.

Không nản, Đại tá Kiên lại bày cho anh Làng phương án khác. Anh Làng gọi điện cho chồng mới của vợ, giả danh là con trai chị Mủa, nói dối rằng bên Việt Nam sống khổ cực quá, bố đi lấy vợ hai rồi, muốn theo mẹ sang đó sống, còn mang cả em gái 16 tuổi rất xinh đẹp, muốn lấy chồng Trung Quốc theo. 

Thấy có vẻ như sắp vớ được món hời, và lại có thể yên tâm giữ chân “cô vợ” mới nên người đàn ông này tiết lộ danh tính, địa chỉ. Tìm được địa chỉ nhà của “tình địch”, anh gọi sang bảo vợ lén lấy số CMND của ông ta, gửi về Việt Nam để anh sẽ trình báo với Công an, tìm cách đưa chị về.

Ngay sau khi có được tên tuổi, địa chỉ và số CMND của người đàn ông kia, Công an huyện Phong Thổ đã cử cán bộ làm việc với Công an Trung Quốc tìm phương án giải cứu chị Mủa. Và gần hai tháng sau, gia đình anh chị được đoàn viên khi đã hoàn tất các thủ tục trao trả giữa hai nước. 

Anh Làng cười vui: “Lúc nhìn thấy vợ ở cửa khẩu Ma Lù Thàng, mình sướng lắm, con khóc, vợ cũng khóc, mình thương nó quá, ở nhà béo mà về gầy, khổ thế này. Nhưng mà mười năm, hai mươi năm, bán hết trâu mình cũng phải tìm nó về. Dòng họ Sùng nhà mình chưa để ai chết ở đất lạ bao giờ”. 

Mừng vợ về, anh vật con lợn 50 cân ra thịt đãi cả bản và mời cán bộ Công an huyện Phong Thổ đến chia vui, có lẽ, cái tết vừa rồi sẽ cái tết đáng nhớ nhất trong cuộc đời cặp vợ chồng người Mông ấy. Cuộc sống gia đình họ từ nay sẽ lại đầm ấm, yên vui. Hàng ngày, anh chị cùng các con lại đi rừng, làm nương, còn trồng thêm cả một ngàn gốc chuối theo dự án nông sản của huyện.

Đại tá Nguyễn Xuân Kiên, Trưởng Công an huyện Phong Thổ, (người trực tiếp chỉ đạo việc giải cứu chị Mủa) cho biết: “Phong Thổ nói chung, xã Huổi Luông nói chung là một trong những điểm nóng về tội phạm buôn bán người. Thủ đoạn các đối tượng rất tinh vi, lợi dụng phong tục bắt vợ, các phiên chợ biên giới để lừa phỉnh, dụ dỗ lừa bán nhiều phụ nữ, trẻ em gái. Công an huyện Phong Thổ đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cho quần chúng nhân dân, đồng thời sẽ xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội. Các gia đình có người thân mất tích cần khẩn trương trình báo cho cơ quan Công an để điều tra, xác minh”.
Nam Phong
.
.
.