Người dân lao đao vì “khát” nước trầm trọng ở Bình Phước

Thứ Bảy, 06/04/2019, 12:01
Những ngày qua, Bình Phước đã xuất hiện vài cơn mưa rải rác. Tuy nhiên, thực trạng nắng nóng cục bộ diễn biến phức tạp. Nhiều địa phương đã rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng và gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, tiêu điểm là các huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng và Bù Đốp.



Cán bộ dịch vụ thủy lợi Bình Phước cùng lãnh đạo địa phương khảo sát các hồ đập thiếu nước
Xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập), một xã nghèo biên giới đặc biệt khó khăn là địa bàn hứng chịu tình trạng thiếu nước. Hiện nay, nước sinh hoạt và phục vụ để cứu các vườn hồ tiêu đang rất “khát”. Toàn xã có 70% hộ nông dân là bà con dân tộc thiểu số. Người dân trong xã này sống nhờ nguồn nước hai hồ chứa ở thôn Bù Rên và Bù Lư.

Chị Điểu Thị Vưm (ngụ thôn Bù Rên, xã Bù Gia Mập) “đau đầu” vì thiếu nước sinh hoạt cũng như nước để phục vụ nông nghiệp tưới tiêu. Gia đình Vưm có hơn 300 trụ hồ tiêu đang chịu cảnh hạn hán. 

Chị Vưm, ngậm ngùi: “Mấy bữa nay gia đình tôi rất khó khăn để có nước xài và tưới tiêu. Giếng nước cũng sắp cạn. Trước tình hình khô hạn kéo dài, gia đình cùng các hộ cạnh nhà đầu tư 20 triệu đồng để múc ao. Tuy đã có ao nhưng nước tưới cũng không đủ vào mùa khô này. Nếu nắng nóng kéo dài thì bà con phải mua nước sinh hoạt”.

Cũng tại thôn Bù Rên, hộ gia đình ông Điểu Đớt có giếng đào nhưng đã cạn nước. Ông Đớt phải mua nước của công trình cấp nước tập trung. Việc hạn hán kéo dài khiến gia đình ông lo ngại điểm cấp nước cũng sẽ bị ảnh hưởng do nguồn nước lấy từ hồ chứa đang cạn kiệt. Ông Đớt, chia sẻ: “Nước giếng nhà cạn hết nên xài nước nhà máy. Bà con chỉ kiếm được ít tiền để trả tiền nước máy, nếu tưới phục vụ cho nông nghiệp thì chịu nổi chi phí”.

Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập Phạm Sỹ Hoàn, cho biết: “Xã hiện có 2 hồ cấp nước tập trung ở điểm thôn Bù Lư và thôn Bù Rên. Qua kiểm tra, hồ Bù Lư cơ bản còn nước và tạm thời đủ cung cấp cho người dân. Còn điểm Bù Rên, điểm cấp nước cho 6 thôn đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay mực nước đã xuống quá thấp và sẽ thiếu nước trong thời gian ngắn. Trước thực trạng này, chúng tôi sẽ phối hợp với Đoàn Kinh tế Quốc phòng 778, Bộ đội Biên phòng cùng với huyện Bù Gia Mập tổ chức hỗ trợ chở nước để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân khi thiếu nước”.

Tại huyện Bù Đốp Nước, các công trình thủy điện chính trên sông Bé đều ở dưới mực nước dâng bình thường. Cao điểm hồ thủy điện Thác Mơ đạt cao trình 211,9m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 6,1m; hồ thủy điện Cần Đơn đạt cao trình 104,76m, thấp hơn mức bình thường 5,24m; hồ thủy điện Srok Phu Miêng thấp hơn mức bình thường 0,5m… Tại các huyện như Lộc Ninh, Đồng Phú và Bù Đăng gặp hoàn cảnh tương tự.

Trước nguy cơ thiếu nước, chính quyền các địa phương đã cùng Công ty TNHH một thành viên dịch vụ thủy lợi Bình Phước liên tục kiểm tra các điểm cấp nước tập trung để có các phương án điều tiết nguồn nước hỗ trợ nước người dân, nếu tình hình hạn hán kéo dài. Ông Đặng Đình Thuần - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thủy nông Bình Phước, cho biết: “Tình trạng thiếu nước trên địa bàn vào mùa khô hầu hết năm nào cũng phải đương đầu. Công ty đã kiến nghị đến các cơ quan chuyên môn đầu tư nâng cấp, sửa chữa, nạo vét hồ để tăng diện tích trữ nước”

Để chủ động phòng chống khô hạn vào mùa khô đối với những hồ chứa thiếu hụt nguồn nước, UBND tỉnh Bình Phước đã lên phương án đầu tư bổ sung hệ thống kênh nội đồng toàn tỉnh với chiều dài 207km. Trong đó, tập trung đầu tư hệ thống kênh tưới Cụm Công trình thủy lợi huyện Lộc Ninh để đảm bảo cung cấp nước tưới phục vụ cho 400ha diện tích đất canh tác các khu tưới của hồ suối Nuy, Bù Kal... và duy trì đảm bảo tưới cho 362ha thuộc hệ thống thủy lợi Lộc Quang. UBND tỉnh cũng đã triển khai mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn như hồ tiêu, cà phê xen điều, cây ăn trái và ca cao với 4.734,6ha.

Đức Trung
.
.
.