Người Hà Nội 'khát' sân chơi

Thứ Sáu, 01/05/2015, 10:04
Trong khi các khoảng không gian công cộng trong từng khu tập thể, từng con phố vốn đã chật hẹp lại bị lấn chiếm gần hết, các công viên lớn cũng tồn tại hàng loạt vấn đề gây bức xúc dư luận. 
>> Bài 1: Sân chung ở các khu tập thể bị “xẻ thịt”, chính quyền làm ngơ?

Bài cuối: Công viên hiện đại “đìu hiu” ế khách, công viên truyền thống xuống cấp 

Như bài trước chúng tôi đã đề cập, gần 5.000 tỷ đồng đã được UBND TP Hà Nội chi cho kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước đến năm 2015. Đến thời điểm này, Hà Nội cũng đã khánh thành và đưa vào hoạt động nhiều công viên, vườn hoa mới. Tuy nhiên, nhiều công viên được cho là hiện đại lại vắng khách, còn các công viên cũ, vé vẫn thu nhưng dịch vụ lại quá nghèo nàn, nhiều hạng mục gỉ sét, đắp chiếu.

Với nguồn vốn gần 5.000 tỷ đồng, Hà Nội đang thực hiện xây dựng các dự án Công viên Yên Sở, quy mô 322ha, Công viên và hồ điều hòa Bắc - Nam Nghĩa trang Mai Dịch hơn 20ha, Công viên Nhân Chính 16ha, Công viên Hữu Nghị 20ha, Công viên CV1 (đường Phạm Hùng) 26ha, Công viên sinh thái Tây Mỗ 2,5ha; đầu tư xây mới 9 vườn hoa trên địa bàn 9 huyện ngoại thành.

Ngoài ra, với kinh phí ngân sách, TP đầu tư nâng cấp các vườn hoa hiện có, cải tạo, thay thế cây không đúng chủng loại, cải tạo 31 hồ nước. Đến thời điểm này, nhiều công viên đã đi vào hoạt động nhưng phần lớn lại không như kỳ vọng của cơ quan quản lý và mong đợi của người dân.

Công viên được mệnh danh là hiện đại nhất Việt Nam như với diện tích 322ha phủ cây xanh, mặt hồ và các tiện ích khác là Công viên Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội) của Tập đoàn Gamuda Berhad Malaysia làm chủ đầu tư. Tuy được mở cửa từ khoảng 3 năm nay nhưng lượng khách đến đây rất vắng.

Sân chơi miễn phí do nhóm Think Playground thiết kế và thực hiện. Ảnh: Nguyễn Tiêu Quốc Đạt.

Tương tự, Công viên Hòa Bình (quận Bắc Từ Liêm, rộng hơn 20ha, có mức đầu tư hơn 280 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội) cũng vắng vẻ, đìu hiu… Công viên có bãi để xe nổi và bãi để xe ngầm rộng 3.000m2, có biểu tượng của thành phố hòa bình, tượng Hòa Bình cao 7,2m, đế cao 22,8m. Các khu vực vui chơi giải trí kết hợp với các công trình phụ trợ, dịch vụ, lưu niệm, chòi nghỉ, bãi đỗ xe hài hòa thống nhất trong cảnh quan cây xanh, hồ nước, tạo sự gần gũi với thiên nhiên. Quang cảnh trong khuôn viên chưa thực sự hấp dẫn người dân.

Theo anh Nguyễn Hòa Hợp, sống tại đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), từ nơi anh ở đến Công viên Hòa Bình không quá xa nhưng từ khi công viên này mở cửa, anh mới chỉ đến một lần. “Trong công viên rất nắng, nóng vì cây còn nhỏ chưa phủ được tán rộng, các lối đi bộ cũng quá xa, trong khi dịch vụ cũng chưa có nhiều, trẻ con không có các trò chơi hấp dẫn, người lớn muốn tìm dịch vụ ăn uống cũng ít nên chúng tôi cũng chỉ đến một lần cho biết”, anh Hợp lắc đầu ngán ngẩm.

Cũng là công viên mới nhưng Công viên Nghĩa Đô dù mới đi vào hoạt động chưa lâu lại luôn đông khách. Nhất là vào các dịp cuối tuần, nghỉ lễ, lượng người đổ về đây khá nhiều. Nhưng đông khách nên thường xuyên có cảnh nhiều em bé phải chờ đợi nửa tiếng đồng hồ, xếp hàng đợi nhau để có thể được ngồi lên chiếc xích đu nhún vài cái.

Trong khi đó, những công viên lớn như Công viên Thống Nhất, Công viên Thủ Lệ vốn là niềm tự hào của nhiều thế hệ người Hà Nội lại đang xuống cấp và dịch vụ chặt chém người đến tham quan.

Sáng ngày 29/4, hàng nghìn người phải xếp hàng tại các điểm bán vé của Công viên Thủ Lệ (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình). Khách đổ về quá đông dẫn đến tình trạng bãi trông xe của UBND phường Ngọc Khánh không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Ngay lập tức, hàng loạt điểm trông xe tự phát “mọc” lên và “chặt chém” du khách. Giá trông giữ xe máy được đẩy vọt lên 20.000 đồng/xe, trông ôtô có giá 50.000 – 70.000 đồng/xe/lượt.

Còn tại Công viên Thống Nhất, giá vé vẫn được thu đều, nhưng vào công viên mới thấy, điều duy nhất du khách được hưởng là một không gian rộng có bóng cây, có chỗ để trẻ con chạy nhảy. Dịch vụ vui chơi tại công viên này chục năm nay không thay đổi, không được đầu tư. Thậm chí, rất nhiều trò chơi bị hư hỏng phơi mưa nắng, gỉ sét. Vài chiếc đu quay điện, với vé trung bình 20.000 đồng/lượt. Sau khi bỏ tiền mua vé, mỗi phụ huynh thường phải móc ví thêm từ 150.000 – 200.000 đồng mới có thể cho con chơi các trò chơi.

Bức bối vì thiếu sân chơi miễn phí cho trẻ em, nhiều ý tưởng của chính các cư dân đang sống tại nhiều khu tập thể đã được hình thành và được nhóm Think Playgound – một nhóm thiện nguyện với thành viên chủ yếu là kiến trúc sư, cùng chung một mong muốn được tạo ra các sân chơi miễn phí cho trẻ em trong thành phố. Nhóm đã bỏ tâm huyết và công sức tạo ra các thiết bị vui chơi cho trẻ em bằng nguyên liệu giản dị và dễ kiếm.

Khó ai ngờ, những chiếc lốp xe ôtô hỏng, thùng gỗ, hộp carton… lại có thể biến thành  cầu trượt, xích đu. Các bức tường loang lổ rêu phong được sơn và “biến” thành những bức tranh sinh động. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, nhóm mới chỉ hoàn thiện được 4 sân chơi ở Hà Nội.

Theo chị Kim Đức, đại diện nhóm Think Playground, để có đủ sân chơi cho trẻ em ở Hà Nội, một mình nhóm chị không đủ sức mà cần được sự lan tỏa, tham gia của nhiều nhóm khác, nhiều tổ chức khác. “Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm cũng như các ý tưởng về việc làm sân chơi giá rẻ trong các khu dân cư. Ngoài ra, một điều hết sức quan trọng để có được các sân chơi, đó là nhận thức của chính người dân. Nếu họ đồng lòng và quyết tâm thì chắc chắn sẽ làm được”, chị Đức chia sẻ.

Không phải quá khó để tạo ra một sân chơi nho nhỏ cho trẻ con. Với những công viên lớn, không phải ngày nào các gia đình cũng có thể đưa con mình đến chơi. Trong khi nhu cầu được vui chơi hằng ngày cũng ngang bằng với nhu cầu học tập, làm việc. Vì thế, nếu cả cộng đồng dân cư ở một khu phố đồng lòng, chắc chắn, không gian công cộng sẽ được “giành” lại. Và quan trọng nhất là sự “vào cuộc” quyết liệt của chính quyền các phường, cũng như chỉ đạo quyết liệt xử lý các vi phạm của những cá nhân đang chiếm dụng sân chơi từ phía UBND TP Hà Nội.

Chi Linh
.
.
.