Kỉ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Không quân (3-3-1955 / 3-3-2020):

Người Anh hùng và truyền thống vẻ vang đánh thắng trận đầu

Thứ Ba, 03/03/2020, 09:02
Vào giữa tháng 6-2019, Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Ngọc Lan, nguyên Phó Cục trưởng Cục Huấn luyện Chiến đấu Bộ Tổng Tham mưu đã về cõi vình hằng.

Trong câu chuyện với chúng tôi nhân dịp  kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng (3-3-1955 / 3-3-2020), Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Hanh, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhớ về người đồng chí, đồng đội, Anh hùng Phạm Ngọc Lan với những tình cảm tri kỷ, sâu lắng nhất.

8 năm học lái máy bay

Hơn 60 năm có lẻ, kể từ ngày được cử đào tạo phi công ở Trung Quốc đến nay, tình bạn, tình đồng chí giữa Trung tướng Trần Hanh và Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan luôn sáng ngời phẩm chất của người lính Cụ Hồ.

Sau phút tiễn biệt người đồng đội, những kỷ niệm về người em “Lan đen” cứ hiện lên trong tâm trí của Trung tướng Trần Hanh: “Ngày chúng tôi lên đường sang Trung Quốc học lái máy bay, chú Lan nói: “Vào quân ngũ, ước mơ của em là được làm người chiến sĩ lái xe tăng băng băng để phăng xác quân thù, nhưng giờ được cử học lái máy bay cũng là vinh dự lớn nên anh em mình phải phấn đấu để sau này về lập công đánh đuổi bọn xâm lược”.

Dáng người gầy, đen nhưng tư chất thông minh, hoạt bát, tính tình khẳng khái và có khiếu hài hước nên chú Lan rất dễ hòa đồng với mọi người. Những ngày đầu ở trường sĩ quan không quân Trung Quốc, hai chúng tôi ra phố thưởng thức món ca la thầu với cháo trắng. Khi đang nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, chủ quán hỏi chúng là người từ đâu đến. Rất nhanh ý, Phạm Ngọc Lan ngước mặt lên trả lời ngay bằng tiếng Trung Quốc rất rành mạch: “Chúng tôi đến từ “lưỡng Quảng” (Quảng Đông và Quảng Tây). Kể từ đó, mỗi khi đi dã ngoại hay ra phố có ai hỏi chúng tôi người ở đâu thì câu trả lời là: “Chúng tôi đến từ “lưỡng Quảng” và họ liền nở nụ cười tươi.

Để đảm bảo bí mật, các học viên phi công Việt Nam cùng sinh hoạt, huấn luyện và ăn ở cùng với các học viên Trung Quốc nên họ gần như không để ý mình là người Việt Nam. Trường huấn luyện không quân ở phía Đông Bắc Trung Quốc giáp với đất nước Triều Tiên, thời tiết lạnh giá, cường độ huấn luyện cao.

Trung tướng Trần Hanh nhớ lại: “Vốn là người Quảng Nam quen với khí hậu nắng nóng nên thời gian đầu tương đối khó khăn với “Lan đen”. Những bài tập hóc búa hay những bài bay phức tạp hai chúng tôi thường tự trao đổi và tự liên hệ nếu chiến đấu trong kiện thời tiết, địa hình ở Việt Nam.

Sau 8 năm dùi mài kinh sử, tôi và chú Lan đều tốt nghiệp loại giỏi. Sáng ngày 6-8-1964, chúng tôi trực tiếp lái máy bay chiến đấu MiG-17 từ sân bay Mông Tự, Vân Nam, Trung Quốc hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, chỉ sau đúng một ngày diễn rasự kiện Vịnh Bắc Bộ và được đích thân Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra đón”.

Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Ngọc Lan tại Bảo tàng Phòng không-Không quân năm 2013. Ảnh: Chí Hòa.

Vinh dự trực tiếp báo công với Bác Hồ

Trở về Việt Nam, hai phi công Trần Hanh và Phạm Ngọc Lan cùng chiến đấu trong các biên đội bay thuộc Trung đoàn Không quân 921 (Đoàn Không quân Sao Đỏ) và tích cực huấn luyện bay trên bầu trời Bắc Việt Nam để chuẩn bị cho các cuộc chiến đấu ác liệt với không quân nhà nghề Mỹ.

Ngày 3-4-1965, chính quyền Nhà Trắng cho không quân ra bắn phá miền Bắc nước ta. Biên đội MiG-17A gồm các phi công Lan, Túc, Quỳ, Phương (Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ và Trần Minh Phương) do phi công Phạm Ngọc Lan dẫn đầu được lệnh xuất phát từ sân bay Nội Bài bay vào bảo vệ cầu Hàm Rồng - một cây cầu huyết mạch, yết hầu trên tuyến chi viện Bắc - Nam thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Cùng sự yểm trợ của Biên đội MiG-17A gồm các phi công: Hanh, Giấy, Huân Năm (Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm). Đến khoảng 10 sáng, khi phát hiện một chiếc F-8U của Hải quân Mỹ, Phạm Ngọc Lan thông báo: “Phát hiện diều hâu. Tôi vào công kích, số 2 (Túc) yểm trợ cho tôi”. Phạm Ngọc Lan nhanh chóng bám theo chiếc F-8U và đưa vòng ngắm, đến đúng cự ly nổ súng, chiếc F-8U do Thiếu tá phi công Spence Thomas điều khiển đã bị trúng đạn và hỏng nặng. Đây là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị không quân ta bắn bị thương bởi phi công Phạm Ngọc Lan.

Sau đó, Phạm Ngọc Lan yểm trợ cho đồng đội Phan Văn Túc bắn rơi Chiếc F.8U. Phạm Ngọc lan cứ mải miết đánh đuổi lũ cướp trời, đến khi được lệnh sở chỉ huy gọi về thì máy bay gần hết nhiên liệu. Để bảo toàn tính mạng phi công, sở chỉ huy đã 3 lần ra lệnh cho Lan nhảy dù nhưng trong đầu ông suy tính: Máy bay là tài sản quý của nhân dân, phải cố gắng cứu lấy máy bay và tiếp tục bay men theo sông Hồng để về sân bay Nội Bài.

Bay đến cạn xăng thì tới bãi ngô bên tả ngạn sông Hồng. Không thể thả càng vì đất lún, ông liền hạ cánh bằng cách trượt bụng máy bay xuống nền cát ướt. “Đó là cách xử lý lỳ lợm, quyết đoán để bảo vệ máy bay mà có lẽ chỉ phi công “Lan đen” mới dám thực hiện” - Trung tướng Trần Hanh nhấn mạnh.

Ngày 3-4-1965 đã đi vào lịch sử và trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu vẻ vang của Không quân nhân dân Việt Nam. Sau chiến thắng trên khoảng một tuần, các phi công, trong đó có các anh Phạm Ngọc Lan và Trần Hanh vinh dự được lên gặp Bác Hồ để báo cáo chiến công.

Các phi công ngồi chờ sẵn ở phòng khách trong Phủ Chủ tịch được vài phút thì Bác Hồ bước ra trong bộ quần áo ka ki và đôi dép cao su giản dị. Bác tiến đến bắt tay phi công Trần Hanh rồi nhẹ nhàng: “Chú Hanh thì Bác biết rồi. Thế chú Lan đâu?”.

- “Thưa Bác, cháu là Lan!” - Phạm Ngọc Lan rụt rè.

Bác bày tỏ vui mừng, khen ngợi và dặn dò: “Bác biết cháu là người Quảng Nam và là phi công đánh thắng trận đầu của không quân ta. Thành tích rất đáng khen ngợi. Như thế là xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân và dân ta. Nhưng không được chủ quan, chúng ta phải chuẩn bị tốt hơn nữa để đánh lâu dài vì Mỹ có tiềm lực lại xảo quyệt”.

Kỷ niệm về gặp Bác Hồ lần ấy như tiếp thêm động lực để các phi công Trần Hanh, phi công Phạm Ngọc Lan nói riêng và lực lượng không quân ta nói chung lập nhiều chiến công sau đó.

Truyền lửa cho thế hệ trẻ

Những năm tháng tiếp theo, với sự mưu trí, dũng cảm phi công Phạm Ngọc Lan tiếp tục lập được rất nhiều thành tích, đặc biệt ngày 28-4-1975, ông là người trực tiếp chỉ huy dẫn đường cho Phi đội Quyết Thắng tập kích vào sân bay Tân Sơn Nhất, làm tê liệt đường hàng không của địch, góp công lớn mang đến thắng lợi cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sau năm 1975, ông Phạm Ngọc Lan đảm nhiệm ở nhiều cương vị huy khác nhau như: Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân; Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân; Chủ nhiệm dẫn đường Quân chủng Không quân rồi Phó Cục trưởng Cục Huấn luyện Chiến đấu Bộ Tổng Tham mưu.

Ở vị trí nào, ông luôn giữ đức tính mẫn cán của người chỉ huy, sâu sát, gần gũi, quyết đoán và rất được đồng chí, đồng đội yêu mến, nể phục.

Là lứa phi công quân sự đầu tiên của Việt Nam, Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Ngọc Lan là một trong những nhân chứng hùng hồn cho sức mạnh, bản lĩnh, trí tuệ của lực lượng Không quân Việt Nam. Những năm tháng tham gia chiến đấu, mỗi khi bước vào buồng lái vút lên trời xanh làm chủ không trung để nhằm thẳng quân thù mà bắn.

Nhắc đến truyền thống đánh thắng trận đầu của Bộ đội Không quân, hay nhắc đến người bắn rơi máy Mỹ của Không quân nhân dân Việt Nam là nhắc đến anh hùng Phạm Ngọc Lan. Bài học đầu tiên của các học viên phi công sau này là truyền thống đánh thắng trận đầu của Bộ đội Không quân để từ đó họ khắc ghi trong tim, nhân lên niềm tự hào, ra sức phấn đấu, rèn luyện, làm chủ bầu trời luôn sẵn sàng cống hiến, sẵn sàng hy sinh vì bầu trời Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, viết tiếp những trang sử hào hùng của thế hệ đi trước.

Nguyễn Chí Hòa (Ghi theo lời kể của Trung tướng, Anh hùng LLVTND Trần Hanh)
.
.
.