Nghiên cứu cây, con giống thích nghi với hạn, mặn

Thứ Hai, 07/03/2016, 13:36
Từ nhiều năm nay, đứng trước nguy cơ của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, các viện, trường tại ĐBSCL đã nghiên cứu, lai tạo thành công nhiều giống lúa, cây trồng thích nghi.


Chống ngộ độc cho cây lúa

Năm 2016, mặn trên sông Tiền và sông Vàm Cỏ xuất hiện sớm, lấn vào nội đồng nhanh hơn so với trung bình nhiều năm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành các cống lấy nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2015 - 2016 tại vùng ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang). 

Huyện Gò Công Đông là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất, với 862 ha tập trung tại các xã Kiểng Phước, Tân Điền, Phước Trung, Tân Phước, Tân Thành… Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương đã đắp đập khống chế các khu vực cục bộ bị nhiễm mặn trên các tuyến kênh và bơm xổ xả mặn, phèn cải tạo nguồn nước. 

Tiền Giang đã hỗ trợ 1,6 tỉ đồng cho cho 4 huyện, thị vùng ngọt hóa Gò Công tổ chức bơm chuyền (bơm 2 cấp), cho mua máy bơm phục vụ chống hạn vụ đông xuân 2015-2016. Đồng thời xây dựng các trạm bơm dã chiến bơm nước ngọt, đấu nối các tuyến ống đảm bảo cấp nước cho nhân dân. Tỉnh đã chi ngân sách 5,3 tỉ đồng đầu tư đường ống đấu nối nước và khoan giếng khai thác nước ngầm.

TS Nguyễn Bảo Vệ (Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường ĐH Cần Thơ) cho biết: “Mấy tuần qua, tôi được Chi cục Bảo vệ thực vật ở các tỉnh như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh mời đi tập huấn cho nông dân trồng lúa sản xuất hạn chế tác hại của hạn, mặn. Khi mặn xâm nhập sẽ gây hại cho cây lúa, làm lúa chết khát, chết đói và ngộ độc mặn”. 

Vì vậy, để chống khát cho cây lúa, trước tiên cần canh con nước để lấy nước ngọt cứu lúa. Ở ĐBSCL, nước trong nội đồng là nước ngọt, khi nước ròng nước từ trong nội đồng đi ra biển là nước ngọt. Khi triều cường dâng lên, nước từ biển đi vào nội đồng là nước mặn, nên bà con cần theo dõi đến khi nước ròng thì múc nước lên đo độ mặn, nếu độ mặn dưới 1 – 2‰ thì đưa máy bơm nước vào ruộng, khi triều cường lên lại đo độ mặn nếu độ mặn cao hơn thì ngừng đưa nước vào ruộng.

Nông dân cần điều chỉnh thời vụ, phân bón, canh tác phù hợp với diễn biến thời tiết hiện nay. 

Ngoài ra, mặn làm cho cây lúa không lấy được đạm và kali nên phải bổ sung thêm 2 loại này khi bón phân. Mặn vô làm phèn nhiều hơn làm cây lúa ngộ độc phèn và thiếu phân nên phải bón thêm phân DAP cho đủ lân. Bộ NN & PTNT khuyến cáo nông dân sử dụng đạm vàng và đạm xanh để hạn chế mất đạm. Đây là giải pháp chống đói cho cây lúa. “Khi cây lúa bị nước mặn tấn công sẽ làm cháy chót lá. Để giảm tình trạng ngộ độc này cần dùng thêm canxi. Nếu đất phèn thì bón thêm vôi, đất không nhiễm phèn cần bón thạch cao nhằm cung cấp canxi cho cây lúa chống chịu mặn”, TS Nguyễn Bảo Vệ khuyến cáo.

TS Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhận định: “Cây lúa trong giai đoạn mạ và trổ đòng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi mặn tấn công. Viện Lúa đã nghiên cứu ra nhiều giống chịu được độ mặn lên tới 4‰. Vì vậy, đối với những vùng có khả năng nhiễm mặn thì địa phương nên khuyến cáo nông dân chọn những giống chịu mặn. Đồng thời bố trí mùa vụ phù hợp, tránh gieo sạ mùa vụ trong thời gian mặn xâm nhập nhiều”.

Thạc sĩ Lê Thanh Tùng – Phó Trưởng phòng Cây lương thực – Cây thực phẩm (Cục Trồng trọt) cũng khuyến cáo nông dân rằng, vào những tháng đầu năm 2016, người dân không nên xuống giống, vì tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiếu, khan nước. Vụ lúa hè cần tập trung vào tháng 4-5 là phù hợp với cơ cấu mùa vụ. Những vùng không chủ động về nguồn nước kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại. Đồng thời, hoàn chỉnh gói kỹ thuật canh tác lúa thích ứng với hạn hán và xâm nhập mặn phổ biến rộng rãi trong toàn vùng  ĐBSCL.

Chọn cây, con ít sử dụng nước

Trước thiệt hại về sản xuất và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân ĐBSCL do hạn mặn gây ra, PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) kiến nghị: “Hạn, mặn rất khó để đối phó vì nguồn nước ngọt hạn chế và rất tốn kém. Trong giai đoạn ngắn thì chỉ ưu tiên nguồn nước ngọt cho ăn uống sinh hoạt và một phần cho chăn nuôi, những vùng canh tác quá thiếu nước và nhiễm mặn phải chấp nhận thiệt hại. Chính phủ có thể công bố thiên tai và cứu trợ cho nông dân”.

Cũng theo ông Tuấn, trong giai đoạn ngắn thì việc nghiên cứu cây, con chịu hạn, mặn không kịp thời và hiệu quả. Hiện nay cần xem xét điều chỉnh thời vụ, chọn các cây con ít sử dụng nước. Về lâu dài vẫn cần nghiên cứu cây con chịu hạn mặn nhưng phải cân nhắc tính hiệu quả cho từng loại cây, con. 

“Trong giai đoạn cấp bách thì phải khoan giếng nước ngầm để bổ sung nhưng về lâu dài phải hạn chế và kiểm soát cẩn thận tránh làm gia tăng sụt lún và nhiễm mặn tầng nước dưới đất”, ông Tuấn nói. 

Đối với cây ăn trái, theo TS Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam cho biết: trước mắt, nhà vườn nên tranh thủ lấy nước ngọt để dự trữ ở kênh mương, túi ni lông… nhằm đảm bảo nguồn nước tưới lâu dài. Bên cạnh đó, theo dõi chặt diễn biến độ mặn; nếu độ mặn từ 4%0 trở lên thì ngưng ngay không tưới cho cây có múi để tránh thiệt hại. Về lâu dài, cần nghiên cứu những giống cây ăn trái chịu mặn để thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu và hạn, mặn ngày càng gay gắt.

Văn Vĩnh – Như Anh
.
.
.