Nghị lực của chàng trai tật nguyền mê… sách

Thứ Ba, 04/08/2015, 14:06
Ở thôn Xuyên Đông 2, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, có một thư viện sách được xây dựng bằng lòng hảo tâm của người dân, được tài trợ từ những người yêu sách, và được chăm sóc bởi anh Trần  Phước Ninh (43 tuổi), là một người khuyết tật có gia cảnh nghèo khó. Ngày nào cũng có nhiều người ghé đến nơi đây, kẻ đọc sách, người mượn về, nhộn nhịp cả một vùng quê…

Anh Ninh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 13 tuổi, một cơn bạo bệnh đã khiến cơ thể anh mắc nhiều dị tật, hai tay bị co quắp, chân đi không vững, miệng nói không rõ; khiến anh gặp rất nhiều khó khăn trong học tập và sinh hoạt. Đến năm 24 tuổi, anh xin phép mẹ vào TP Hồ Chí Minh bán vé số mưu sinh. Những năm lưu lạc xứ người, anh phải chịu nhiều khó khăn.

“Nhất là những lần nhớ nhà mà không có tiền về, bị giật vé số nhưng chân cà thọt không đuổi được, miệng thì ú ớ không ai nghe, đành ngậm ngùi đền tiền cho đại lý”, nhớ lại quãng đời cơ cực, anh Ninh tâm sự.

Anh Ninh sắp xếp kệ sách ở “Thi hữu quán”.

Ròng rã suốt 10 năm trời, Ninh chuyển ra TP Đà Nẵng vừa tiếp tục bán vé số, vừa làm thơ gửi cho các tờ báo để lấy đó làm niềm đam mê cho mình. Sau gần 20 năm tha hương, gia tài của anh lúc trở về chỉ có những đồng lương ít ỏi và những bài thơ được in trên nhiều báo.

Mang theo tài sản ấy, anh trở về quê nhà mở quán cà phê tên Gió Lùa, vừa buôn bán, vừa làm nơi hội ngộ cho khách thập phương thư giãn, ngâm thơ. Cảm động trước hoàn cảnh và nghị lực sống của anh, nhiều nhà hảo tâm đã tình nguyện quyên góp, mua tặng anh những món quà đầy ý nghĩa. Đó là những tập vở, bút viết, thậm chí là những tập thơ, sách cũ để cùng anh chia sẻ niềm đam mê. Mang theo những tình cảm ấy, anh Ninh cũng muốn được sẻ chia, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như mình. 

Từ đó, anh bắt đầu tham gia công tác thiện nguyện, cùng giúp đỡ những mảnh đời cơ cực ở nhiều xã trong vùng; và đáng kể nhất chính là việc thành lập thư viện đọc sách mang tên “Thi hữu quán”… Sau gần nửa năm khai trương, hiện nay thư viện sách của anh Ninh đã lên đến gần 7.000 cuốn, bao gồm nhiều thể loại như sách giáo khoa, ngoại ngữ, nghiên cứu, tiểu thuyết… tất cả đều hoàn toàn miễn phí. 

Anh vui vẻ nói: “Được nhiều sách như bây giờ tất cả đều là lòng hảo tâm của bà con, của những người yêu sách đến quyên góp. Tôi rất vui mừng và biết ơn tấm lòng của họ, từ nay các em nhỏ và những người ham đọc sách như tôi đã có thêm một điểm đến thư giãn trong lúc rảnh rỗi”. Điều làm người viết thích thú nhất khi đến đây đó là sự lễ phép của các độc giả nhỏ tuổi. Không chỉ cho các em đọc sách mà anh Ninh còn chỉ bảo tận tình cách ứng xử đi thưa về chào, kính trọng  Ngoài ra, khi được bà con ủng hộ về tiền bạc, anh liền dành dụm mua vở để trao tặng cho các em nhỏ có thành tích xuất sắc trong vùng. Chính vì thế, cả khách lạ lẫn khách quen ai cũng đều quý mến anh.

Cô Trương Mỹ Nga, phụ trách thư viện Trường THPT Sào Nam, huyện Duy Xuyên cho biết, cô và đồng nghiệp cũng thường đến giúp đỡ anh Ninh sắp xếp, dọn dẹp lại kệ sách, trang trí để thư viện “Thi hữu quán” ngày càng gọn gàng, sạch đẹp. “Người ta trọng nhau ở cách sống, quý nhau ở tấm lòng, tôi rất cảm phục anh Ninh là người đã vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống mà vươn lên làm đẹp cho đời. Thời gian vừa qua, tôi cùng bạn bè cũng đã quyên góp được nhiều cuốn sách để ủng hộ cho anh Ninh nhằm mở rộng đề tài, phục vụ nhiều độc giả hơn”.

Sống với nghị lực phi thường và làm việc với niềm đam mê cháy bỏng, anh Ninh đã nhiều lần được chính quyền địa phương trao tặng bằng khen, giấy khen cho những nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và trong công tác thiện nguyện tại địa phương. Đối với anh, sách vừa là nguồn cung cấp kiến thức, vừa là bạn, là nơi gửi gắm tình cảm, giải tỏa những nỗi niềm âu lo trong cuộc sống thường ngày. Đó cũng là hành trang của anh trong việc mang ước mơ, hoài bão của mình gửi gắm cho các em nhỏ thế hệ sau.

Hiện nay, tuy cuộc sống của gia đình anh Ninh còn nhiều vất vả, nhưng anh và người mẹ già tuổi ngoài 80 vẫn không lúc nào thiếu đi nụ cười. Vì được nhiều người quý trọng, thường xuyên ghé thăm, quán nhỏ của anh bây giờ tuy giản dị mà đông vui, ấm cúng. Trước tình trạng địa phương đang thiếu sân chơi cho giới trẻ trong dịp hè, thì những thư viện sách như của anh Ninh lại càng trở nên hữu ích hơn, nhằm hướng các em nhỏ có một không gian để học tập và giải trí lành mạnh, đó là điều thật vốn quý…

Công Thành
.
.
.