Ngày mới trên quê hương “Đất thép thành đồng”

Thứ Hai, 02/05/2016, 14:35
Củ Chi được biết đến với một hệ thống hầm ngầm, địa đạo nằm sâu dưới lòng đất, chỉ cách TP HCM khoảng 30km về phía tây bắc. Bài toán phát triển kinh tế của Củ Chi trong thời kỳ đổi mới còn có phát triển du lịch, dã ngoại, sinh thái xanh…

Chiến tranh vẫn còn rất đậm trong ký ức của những cựu chiến binh như ông Tô Văn On, dù đã lùi xa 41 năm. Chiến tranh ác liệt đã biến Củ Chi thành “vùng trắng”. Giặc đã ném xuống vùng đất này khoảng hơn 240.000 tấn bom đạn các loại. Bình quân mỗi người dân đất thép Củ Chi phải “gánh” trên mình 1,5 tấn đạn bom. 

Sự tàn phá khốc liệt, ghê gớm như vậy vẫn không làm khuất phục, không thể nào lung lay được ý chí và tinh thần cách mạng của người dân Củ Chi. Từ già đến trẻ đều tiếp tế lương thực nuôi cách mạng, đều cầm lấy súng và chiến đấu với kẻ thù mạnh hơn gấp vạn lần. 

Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất huyện Củ Chi thống kê có 33 Anh hùng LLVTND, 1.277 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 10.488 liệt sĩ, 8.650 gia đình liệt sĩ, 1.656 thương - bệnh binh, 4.330 người có công cách mạng… Những con số trên đã nói lên sự hy sinh anh dũng, tinh thần chiến đấu kiên cường của người dân Củ Chi trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev tham quan địa đạo.

Lịch sử đã sang trang mới, nhưng trên mảnh đất Củ Chi còn mang bao vết thương tích của chiến tranh tàn phá để lại, không dễ ngày một, ngày hai mà lành lặn ngay. Nghèo khó, chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra sau ngày hòa bình, nông nghiệp lạc hậu, nông thôn cằn cỗi và lão hóa, mài mòn trong tư duy, sức sống mới chưa hồi sinh. Một thời gian khá dài, người nông dân, du kích Củ Chi tiếp tục phải chiến đấu với giặc đói, nghèo, dân trí thấp và thiếu sức lao động.

Củ Chi được biết đến với một hệ thống hầm ngầm, địa đạo nằm sâu dưới lòng đất, chỉ cách TP Hồ Chí Minh khoảng 30km về phía tây bắc. Bài toán phát triển kinh tế của Củ Chi trong thời kỳ đổi mới còn có phát triển du lịch, dã ngoại, sinh thái xanh… 

Địa đạo Củ Chi là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa của quân và dân Sài Gòn - Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là một công trình kiến trúc độc đáo, nằm sâu trong lòng đất, có nhiều tầng, nhiều ngõ ngách như mạng nhện, có nơi ăn, ở, hội họp và chiến đấu với tổng chiều dài hơn 200km. 

Địa đạo chia làm 3 khu: Khu trung tâm dành cho các cán bộ lãnh đạo cao cấp. Khu bên phải gồm hầm văn phòng và hầm hội họp. Khu bên trái là nơi đóng quân của Tiểu đoàn Vinh Quang. Các hầm đào bằng sức người sâu âm trong lòng đất với các bộ phần dành cho văn phòng, y tế, hậu cần, cơ yếu, văn nghệ, bếp Hoàng Cầm... 

Mỗi hầm cách nhau 50 - 70m, có kích thước như một hình vuông rộng từ 3 - 3,5m. Địa đạo nối các hầm thường vòng vèo và qua một chốt bảo vệ. Riêng hầm Khu trung tâm được xem là một trong những kỳ công của địa đạo. Tại đây, có hầm làm việc của Chính ủy, Tư lệnh và Phó Tư lệnh, các Khu ủy và hầm họp cách nhau khoảng 400 - 500m, thông nhau qua địa đạo.

Ngoài ra, 4 mặt khu địa đạo còn có 4 trạm thông tin, báo động, trang bị máy móc thiết bị. Địa đạo với vô số các cửa hầm bí mật lên mặt đất, các lỗ thông hơi, thông gió cùng các lỗ châu mai, hỏa lực bí mật, các hầm trú ẩn, công xưởng ngầm dưới mặt đất, kho tàng và doanh trại trú quân, phía trên được bố trí dày đặc mìn và các hầm chông, cạm bẫy. 

Có giai đoạn chiến tranh, hệ thống đường hầm chứa được một đạo quân hoặc dân cư của một làng, có các kho dự trữ vũ khí, đạn dược và chất nổ các loại, lương thực thực phẩm và cơ sở vật chất y tế chiến trường. Ngoài ra, còn có bệnh viện dã chiến, các căn hầm, phòng ngủ, ban chỉ huy dã chiến, hầm trú ẩn và nơi sinh hoạt dành cho phụ nữ, trẻ em, người già. Cả một thành phố chiến đấu bí mật trong lòng đất thép Củ Chi.

Tại khu di tích lịch sử này, nhiều cựu binh Mỹ và du khách tham quan chui địa đạo xong đã phải ngạc nhiên thốt lên: đây chính là “Làng ngầm”, “Mật khu nguy hiểm”, “Việt Cộng không thấy đâu mà đâu đâu cũng có”… Họ đã hiểu được rằng: Quân dân Củ Chi đã dựa vào hệ thống đường hầm, công sự, chiến hào đã chiến đấu vô cùng anh dũng, giáng trả những đòn cực mạnh, đập tan các trận càn quét qui mô lớn của địch, giữ vững trận địa “bất khả xâm phạm” lập nên những chiến công huyền thoại.

Đồng chí Lê Minh Tấn - Bí thư Huyện ủy Củ Chi phấn khởi cho biết: Hơn 40 năm nỗ lực xây dựng từ những gì còn lại sau chiến tranh, đến năm 2015, kinh tế huyện tiếp tục tăng trưởng khá, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 20,58%, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 22,8%, thương mại - dịch vụ tăng 23,77%, sản xuất nông nghiệp tăng 5,1% so cùng kỳ. 

Du kích Củ Chi dưới địa đạo. Ảnh tư liệu.

Huyện Củ Chi đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là huyện ngoại thành đầu tiên của TP Hồ Chí Minh đạt chuẩn huyện nông thôn mới, với 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, huyện chỉ còn 0,89%, hộ cận nghèo. 

Qua gần 6 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, huyện Củ Chi đã làm 1.667 tuyến đường giao thông nông thôn - giao thông nội đồng dài 1.250km, tráng nhựa và cấp phối sỏi đỏ. Đã có 9.900 bộ đèn chiếu sáng dân lập được lắp đặt cho 650 tuyến đường dài 750km trị giá 59 tỷ đồng do bà con đóng góp, 100% hộ dân được sử dụng lưới điện quốc gia.

Là một huyện thuần nông, công tác thủy lợi luôn được chính quyền các cấp và nhân dân quan tâm. Đến nay, 143 tuyến kênh thủy lợi (140km) được duy tu, kiên cố hóa, ngọt hóa đã mang lại giá trị bình quân đất nông nghiệp khoảng 280 triệu đồng/ha/năm. Con em “Đất thép thành đồng” nô nức đến trường các cấp với 3.000 phòng học kiên cố, 505 công trình văn hóa… giảm dần cách biệt về hưởng thụ văn hóa giữa đô thị trung tâm và nông thôn ngoại thành. Một Củ Chi xanh phủ đầy và che lấp những khó nghèo tạm bợ của một thời, đặc biệt là với những khu công nghiệp, những dự án đã và đang triển khai.

Những ngày đầu năm mới 2016, vừa nhậm chức, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã đến thăm và làm việc tại huyện Củ Chi. Tại đây, đồng chí đã trực tiếp tháo gỡ, giải quyết giúp nông dân tìm được và đúng nguồn ra cho sản phẩm bò sữa và chỉ đạo ngay việc sửa chữa nhà và làm đường đi đến nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng. 

Thành phố luôn bên cạnh Củ Chi nghĩa tình sâu nặng, và cả nước cũng luôn vọng hướng về đất anh hùng Củ Chi. Toàn huyện đến nay đã xây dựng 4.300 căn nhà tình nghĩa, 6.200 căn nhà tình thương từ những tấm lòng của tổ chức, cá nhân trong thành phố và các tỉnh.

Củ Chi ngày nay đã có 117 đồ án quy hoạch khu dân cư đô thị, khu dân cư nông thôn, khu công nghiệp cùng 2.000ha vườn cây ăn trái ven sông Sài Gòn, 180ha hoa lan, 3.000ha rau an toàn (1ha hoa lan thu lợi 700 triệu đồng/năm, 1ha rau an toàn thu lợi 480 triệu đồng/năm) và hơn 70 ngàn con bò sữa cung cấp cho thị trường gần 600 tấn sữa/ngày… Nhân dân và chính quyền đang quyết tâm xây dựng Củ Chi thành huyện văn hóa nông thôn mới giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình, xứng đáng với địa phương 2 lần Anh hùng.

Hương Hoàng
.
.
.