Ngành “hot” có dễ kiếm việc làm?

Thứ Ba, 28/02/2017, 09:23
Tại “Ngày hội Tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp năm 2017” được tổ chức ngày 26-2, một trong những vấn đề được nhiều thí sinh đặt ra với Ban tư vấn là xu thế việc làm trong những năm tới, ngành nào đang “hot”, có thu nhập cao, dễ kiếm việc làm?

Trả lời thắc mắc của thí sinh về việc thế nào là ngành “hot”, TS. Phạm Mạnh Hà, Phó Trưởng khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam nêu quan điểm:  Có 2 cơ sở để xác định một ngành “hot”. Thứ nhất, đó là ngành học được nhiều thí sinh yêu thích. Thứ hai, đó là ngành học hứa hẹn có nhiều cơ hội việc làm với mức lương hấp dẫn.

Ở thời điểm hiện tại, ngành nào thiếu nhân lực thì lương cao nhưng tính về lâu dài, đến một thời điểm nào đó sẽ có sự điều chỉnh tự nhiên. Vì vậy, ngoài yếu tố ngành học, thí sinh cũng cần cân nhắc tùy từng trường và chất lượng đào tạo bởi  ngành dù hot đến mấy nhưng chất lượng đào tạo kém thì thí sinh cũng sẽ khó xin việc khi ra trường.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng: Khái niệm ngành “hot” cũng chỉ mang tính chất tương đối và thường có sự thay đổi theo từng năm, thay đổi theo sự phát triển của tình hình kinh tế-xã hội. 

Thí sinh được tư vấn hướng nghiệp tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2017.

Đơn cử như đối với trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, có rất nhiều ngành được cho là “hot” đối với sinh viên trong nhiều năm qua như CNTT; điều khiển tự động hóa; điện tử viễn thông; cơ điện tử; kỹ thuật hóa học; kỹ thuật sinh học. Do đây đều là những ngành hiện đại, truyền thống và lâu bền, vì có lĩnh vực làm việc rất rộng và thị trường lao động phân hóa mạnh nên sinh viên có học lực khá, sau khi tốt nghiệp ra trường vẫn dễ kiếm được việc làm. 

Tuy vậy, ông Điền cũng lưu ý: Thực tiễn tại trường ĐH Bách Khoa những năm gần đây cho thấy, một số ngành dù không được coi là “hot” như kỹ thuật dệt, công nghệ may, kỹ thuật vật liệu kim loại... lại thu hút thị trường nhân lực chất lượng cao, có nhu cầu tuyển dụng nhân lực lớn. Bằng chứng là nhiều sinh viên của ĐH Bách Khoa học những ngành này đã được các công ty, đối tác đề nghị tuyển dụng ngay từ khi chưa tốt nghiệp. 

Còn theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng quản lý Đào tạo ĐH Kinh tế quốc dân, do kinh tế là một lĩnh vực rất rộng, nhân lực kinh tế có khả năng phục vụ trong mọi nền sản xuất, ngay trong các công ty chuyên về kỹ thuật, công nghệ thì vẫn cần đến nhân lực ngành kinh tế. Do đó, vẫn có nhiều triển vọng về cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành kinh tế với học lực khá và giỏi.

Liên quan đến thắc mắc của thí sinh về việc nhóm ngành Khoa học xã hội và Nhân văn hiện nay đang quá “khan hiếm” các ngành “hot” về cơ hội việc làm, TS. Đinh Việt Hải, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH QGHN cho biết: Trong quan niệm của nhiều người hiện nay, nhóm ngành Khoa học xã hội và Nhân văn thường ít cơ hội việc làm, lương không cao. Tuy nhiên, trong nhóm ngành này, vẫn có một số ngành hứa hẹn nhiều triển vọng tìm kiếm việc làm như ngành Du lịch, Đông Phương học và Tâm lý học. 

Với ngành Tâm lý học, sinh viên sẽ được học về Tâm lý học Quản trị Kinh doanh  nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết bài toán về nhân sự, thị trường lao động, về tâm lý. Bên cạnh đó, Tâm lý học tham vấn, Tâm lý học trị liệu sẽ được đẩy mạnh khi Bộ GD&ĐT đang dự thảo đề án đưa cán bộ tâm lý học đường vào các trường phổ thông, sẽ mở rộng tuyển những người sẽ được đào tạo về ngành này. 

TS. Vũ Thị Kim Hoa, Phó Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Báo chí vàTuyên truyền cũng cho biết: Hiện nay, ngành quan hệ công chúng cũng đang là ngành có nhiều cơ hội việc làm với mức lương hẫn dẫn.

Huyền Thanh
.
.
.