Ngăn chặn những cái chết thương tâm do dùng điện bẫy chuột

Thứ Hai, 01/06/2020, 08:04
Chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế liên tiếp xảy ra nhiều trường hợp tử vong do vướng bẫy điện diệt chuột. Dù các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không ít lần lên tiếng cảnh báo, song người dân vẫn bất chấp giăng bẫy điện trên đồng ruộng để bẫy chuột gây nguy hiểm đến tính mạng con người…


Những ngày cuối tháng 5, do đang bước vào vụ lúa mới Hè - Thu nên nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đồng loạt tiến hành cày ải đất đồng và gieo sạ. Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh, vụ Hè - Thu, toàn tỉnh gieo cấy gần 26.000ha lúa. 

Ngoài dự báo hạn hán, xâm nhập mặn khiến hơn 1.000ha lúa thiếu nước và 3.000ha lúa phải chuyển đổi sang cây trồng khác thì hiện nông dân đang lo lắng trước tình trạng chuột phá hoại ruộng lúa khi vừa gieo sạ. 

Tại xã Hương Phong (thị xã Hương Trà), sau khi hoàn tất gieo sạ vụ mùa, nông dân ở xã này phải thực hiện nhiều cách để bẫy chuột, ngăn chuột phá hoại lúa giống vừa gieo. 

Ông Nguyễn Văn Tính (60 tuổi), gieo sạ 5 sào lúa nằm sát tuyến Quốc lộ 49B cho biết, nếu những vụ mùa trước gia đình ông thường cắm cọc giăng các dải nilon quanh ruộng để ngăn chuột thì vụ mùa này phải làm bẫy điện diệt chuột, do chuột quá nhiều. 
Nông dân ở tỉnh Thừa Thiên-Huế dùng bình ắc quy làm bẫy điện diệt chuột tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

“Tôi mua mấy trăm mét dây thép rồi kéo dài dọc bờ ruộng, sau đó nối dây thép này vào bình ắc quy xe tải và dùng bộ điện áp để tạo dòng điện 220V chạy trên dây thép nhằm bẫy chuột. Cứ mỗi buổi tối, tôi mở bình ắc quy khoảng 2 giờ đồng hồ và diệt được hàng chục con chuột. Ngoài ra, tôi còn lắp thêm đèn sáng ở ruộng lúa để cảnh báo nguy hiểm”, ông Tính nói.

Tương tự, nông dân ở các xã Hương Phong, Hải Dương (thị xã Hương Trà); Thủy Vân, Thủy Dương (thị xã Hương Thủy)… đã giăng bẫy điện trên đồng ruộng để diệt chuột. Lo sợ bẫy điện nguy hiểm đến tính mạng người khác nên nhiều nông dân ra canh ruộng lúa trong đêm. 

Anh Hoàng Bảo (33 tuổi, ở xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy) cho hay: “Biết giăng bẫy điện như thế này sẽ rất nguy hiểm nhưng nếu không làm bẫy thì chỉ sau một đêm, chuột sẽ vào ăn hết số lúa vừa gieo sạ ở ruộng. Để tránh nguy hiểm cho người khác nên mỗi lần đóng điện bẫy chuột, tôi đều ra đồng ngồi canh, sau đó cắt điện từ bình ắc quy mới trở về nhà”. 

Tuy nhiên thực tế, việc giăng bẫy điện diệt chuột trên đồng ruộng đã gây ra nhiều cái chết thương tâm. 

Mới đây, tối 24/5, anh Nguyễn Văn Phương (33 tuổi, trú ở thôn Dạ Lê Chánh, xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy) kéo dây điện nối với bình ắc quy xe tải để làm bẫy chuột ở ruộng lúa vừa gieo sạ. Khi ra đồng cắt điện thu gom chuột thì không may anh bị trượt chân ngã vướng vào dây điện và tử vong tại chỗ. 

Trước đó, do 2ha ruộng mới gieo sạ bị chuột cắn phá nên ban đêm ông Phùng Hữu Toán (54 tuổi, trú tổ 10, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy) ra khu vực ruộng Tam Đợt, phường Thủy Dương đặt bình ắc quy, bộ kích điện và hệ thống dây thép giăng quanh ruộng để bẫy chuột. Khi kiểm tra hệ thống điện thì ông Toán vô tình vướng vào dây điện và bị điện giật tử vong. 

Hay như trường hợp anh Hà Thúc Khải (17 tuổi, ở thôn Thủy Cam, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc) đi qua thửa ruộng nhà ông Đỗ Văn Vui (40 tuổi, ở cùng thôn) để bắt ếch, không may vướng vào dây điện do ông Vui kéo từ nhà ra đồng để bẫy chuột dẫn đến bị giật chết…

Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Thủy Vân cho biết, trước tình trạng người dân giăng bẫy điện diệt chuột, chính quyền địa phương đã nhiều lần thông báo đến các hợp tác xã và các thôn, khuyến cáo người dân không sử dụng bẫy điện diệt chuột trên đồng ruộng để tránh nguy hiểm, nhưng một số hộ dân vẫn bất chấp thực hiện. 

Ông Trần Viết Én, Chủ tịch UBND xã Hương Phong, cho hay, tình trạng người dân dùng bẫy điện diệt chuột là do chuột quá nhiều; bẫy thủ công không hiệu quả. Sắp tới xã sẽ kiến nghị cơ quan chức năng có giải pháp để người dân chấm dứt dùng bẫy điện diệt chuột. 

Theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên-Huế, do năm qua địa bàn không có mưa lớn, không xảy ra lũ lụt, đồng ruộng không ngập nước, cỏ dại, lúa chét phát triển là nơi cư trú của sinh vật gây hại, nhất là chuột. Với đặc tính sinh sản nhanh nên nguy cơ chuột gây hại nặng vào đầu vụ Hè-Thu này là rất lớn. 

Chi cục khuyến cáo người dân nên kết hợp nhiều biện pháp sinh học và thủ công để diệt chuột; tuyệt đối không dùng thuốc cấm, dùng bẫy điện và các biện pháp gây nguy hiểm cho người, vật nuôi để diệt chuột. 

Quá trình diệt chuột cần thực hiện đúng kỹ thuật, chú trọng bảo vệ hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng; đồng thời các địa phương và ngành Điện lực cần tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân không giăng bẫy điện diệt chuột, ngăn chặn triệt để những cái chết thương tâm…

Anh Khoa
.
.
.