Nên có cầu thang thoát hiểm riêng biệt cho chung cư

Thứ Ba, 03/07/2018, 08:19
Điều dễ nhận thấy là TP HCM hiện đang dày đặc chung cư cao tầng trên nhiều tuyến đường và khu vực: Đường Phổ Quang, cạnh sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 2), bến Vân Đồn (quận 4), Mai chí Thọ (quận 2)… Thế nhưng, các căn hộ kiểu này chỉ có cầu thang thoát hiểm nằm bên trong tòa nhà. Trong khi đó, xe thang của Cảnh sát PCCC chỉ lên tới tầng 16.

Ông Nguyễn Văn Thành (50 tuổi, ngụ quận 9) nói: “Hiện nay nhiều chung cư gộp luôn cầu thang bộ và cầu thang thoát hiểm lại thành một để tiết kiệm diện tích và giảm chi phí. Khi về mua căn hộ, chủ đầu tư luôn nói cầu thang “hai trong một” kiểu này thiết kế rất hoàn hảo, có cao độ chống ngạt, hút khói, chữa cách ly lửa trong nhiều phút… nếu xảy ra sự cố. Tuy nhiên, do hỏa hoạn chưa xảy ra chứ vài trăm cư dân sơ tán một lúc thì ai dám đảm bảo là không chết ngạt vì khói độc?”.

Tương tự như ý kiến của anh Thành, chị Trần Mỹ Hạnh (40 tuổi, cư dân tại quận 7) chia sẻ: “Chủ đầu tư luôn cam kết là có tập dượt PCCC mỗi năm, có hệ thống báo cháy tự động, cửa ngăn lửa… Tuy nhiên, nếu trong sự hoảng loạn như vụ Carina làm chết 13 người (sáng 23-3), ở các tầng cao khó mà di chuyển bằng cầu thang “hai trong một” vừa qua. Bởi lẽ, cả nghìn cư dân nếu không chạy ra ban công nhờ cứu viện thì chỉ còn cách chen lấn nhau trong cầu thang vừa bộ hành vừa thoát hiểm. Khi ấy, không biết hậu quả sẽ ra sao khi người già, trẻ con là đối tượng ưu tiên cần di chuyển trước. Bên cạnh đó, khi xảy ra cháy bất ngờ thì khó mà bình tĩnh được?”.

Buổi diễn tập chữa cháy tại một chung cư ở quận Tân Bình.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu có thêm cầu thang thoát hiểm ngoài trời (bên cạnh cầu thang bộ bên trong tòa nhà) sẽ giúp cư dân thoát khỏi ra ngoài, khỏi ngộp khí nếu đang xảy ra cháy. Và khi đó, lính cứu hỏa sẽ dễ tiếp cận người bị nạn hơn cách truyền thống hiện nay là vươn thẳng cầu thang cứu hộ lên ban công.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (Horea) cho biết, đúng là các tòa nhà trên dưới 10 tầng tại các quận trung tâm hiện nay luôn có cầu thang thoát hiểm bên ngoài. Tuy nhiên, với chung cư cao tầng hiện nay chủ yếu là dùng cầu thang bộ thoát hiểm nhưng phải đạt tiêu chí về “cao độ”, nghĩa là có chiều cao và rộng đạt chuẩn, có khả năng hút khói nếu xảy ra sự cố. Việc xây cầu thang cứu nạn bên ngoài các tòa nhà chung cư dưới 20 tầng khả thi nhưng nếu vượt 20 tầng thì phải tính toán thiết kế, lắp đặt và thi công ra sao?

Nhiều chuyên gia xây dựng đề xuất nên lắp đặt thêm cầu thang bên ngoài tòa nhà, vận hành thoát hiểm khi có sự cố bên cạnh với cầu thang bộ hiện nay. Tuy nhiên, để tiết giảm chi phí đầu tư, xây dựng và cả diện tích nên không mấy ai thiết lập cầu thang PCCC kiểu này. 

Đại diện Novoland cho biết, hiện nay, hệ thống PCCC trong các tòa nhà của công ty này được thiết kế và vận hành dựa trên ba nhóm hệ thống: Hệ thống cơ điện gồm các thiết bị, chức năng báo cháy như đầu báo khói, đầu báo nhiệt, nút khẩn cấp, chuông báo cháy, tủ báo cháy… Hệ thống ngăn cháy lan như tường, cửa chống cháy (tối thiểu 45 phút đối với căn hộ, 70 phút đối với cửa thoát hiểm và khu kỹ thuật).

Hệ thống lối thoát nạn gồm hành lang, thang bộ (tối thiểu 2 thang/tháp). Đặc biệt, tòa nhà Novaland có trang bị hệ thống điều hành – quản lý PCCC qua máy tính; máy phát điện riêng phục vụ phụ tải cơ điện, đèn báo cháy, hút khói và tạo áp khu thang bộ trong trường hợp mất điện; thang máy cứu hộ chuyên dụng dành riêng cho lực lượng PCCC để Cảnh sát PCCC có thể di chuyển tiếp cận đến vị trí có cháy một cách nhanh chóng…

Theo chúng tôi, mô hình lắp đặt thêm cầu thang ngoài trời, sử dụng bên cạnh cầu thang bộ hành khi xảy ra cháy là điều nên thiết kế, lắp đặt và sử dụng. Bởi lẽ, khi xảy ra cháy nổ, dù đã được tập huấn nhưng không ít cư dân sẽ hoảng loạn, thậm chí là giẫm đạp lên nhau.

Vì vậy, ngoài các khu vực đứng ngoài ban công chờ cứu hộ đến, cư dân có thể chạy theo lối thoát hiểm ra cầu thang ngoài trời, ít ra là không bị ngạt khói hoặc dùng cầu thang bộ hành nếu đạt yêu cầu về “cao độ”. Có như vậy mới không tái diễn những vụ cháy bất ngờ như vừa qua gây hậu quả nghiêm trọng về người.

Ông Đoàn Ngọc Hải – Phó Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, ngoài cầu thang bộ hiện hành trong các chung cư, chủ đầu tư nên xây dựng riêng cầu thang thoát hiểm kiểu này để đề phòng sự cố.

Trong các buổi kiểm tra tình hình PCCC tại thành phố vừa qua, lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an) cũng rất tán thành việc xây dựng cầu thang thoát hiểm.

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh - Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn cho biết, cả ba chung cư được kiểm tra đều còn nhiều sai phạm. Về năng lực của lực lượng chữa cháy tại chỗ, đối với chung cư Giai Việt (quận  8) còn buông lỏng quản lý để người dân tự ý lắp đặt thêm các công trình phụ, biến đổi công năng nhà ở thành nơi kinh doanh gây ảnh hưởng đến an toàn PCCC. Chung cư Vạn Đô (quận 4), thuê lại đơn vị ngoài để quản lý, vận hành chung cư nhưng đơn vị này chưa lập hồ sơ để theo dõi, quản lý về PCCC…

Hà Tiên
.
.
.