Nắng nóng – 200 cuộc gọi báo cháy mỗi ngày

Thứ Bảy, 07/07/2018, 07:20
Cảnh sát PCCC Hà Nội khuyến cáo người dân khi nghe thấy tiếng xì xoẹt, tia lửa điện 


Trong những ngày nắng nóng vừa qua, số cuộc điện thoại báo cháy gọi đến Trung tâm thông tin chỉ huy điều hành phòng cháy chữa cháy  (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ, Cảnh sát PCCC Hà Nội tăng gấp 3,4 lần so với ngày thường, trong đó các vụ cháy do chập điện tăng đột biến.

Cảnh sát PCCC Hà Nội khuyến cáo người dân khi nghe thấy tiếng xì xoẹt, tia lửa điện tại cột điện, bốt điện hay trong nhà cần nhanh chóng gọi đến số 114 để có biện pháp PCCC kịp thời.

Điện thoại báo cháy nóng ran

10h57 ngày 5-7 tại Trung tâm thông tin chỉ huy Cảnh sát PCCC Hà Nội, tiếng máy điện thoại liên tục đổ chuông. “114 xin nghe!”, Thiếu úy Phạm Văn Thiện, cán bộ Trung tâm thông tin chỉ huy điều hành PCCC và cứu nạn, cứu hộ nhấc máy.

Ở phía đầu dây bên kia, người dân cung cấp thông tin có một vụ chập cột điện xảy ra tại địa chỉ số 200 đường Âu Cơ, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ngay tức thì, Thiếu úy Phạm Văn Thiện chuyển thông tin đến Đội chữa cháy Tây Hồ nhanh chóng xác minh. Khi xác nhận thông tin chính xác, Thiếu úy Phạm Văn Thiện liên lạc với bộ phận điện lực cắt điện tại khu vực xảy ra vụ chập điện.

Công tác phòng cháy chữa cháy được triển khai kịp thời. Tiếp đó, một vụ chập điện tại cột điện ở ngõ 89 đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ được người dân báo đến Trung tâm. Đội chữa cháy Tây Hồ nhanh chóng có mặt tại hiện trường tổ chức chữa cháy và dập tắt đám cháy.

Theo Thượng úy Ngô Quốc Chính, Phó Đội trưởng Trung tâm thông tin chỉ huy Cảnh sát PCCC Hà Nội, hàng ngày, Trung tâm duy trì 3 ca trực, mỗi ca trực gồm 4 cán bộ tiếp nhận và xử lý các thông tin báo cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Trung tâm thông tin chỉ huy điều hành PCCC và cứu nạn, cứu hộ tiếp nhận khoảng 200 cuộc gọi báo cháy mỗi ngày.

Trung bình mỗi ngày, Trung tâm nhận hơn 2.000 cuộc điện thoại trong đó khoảng 200 cuộc gọi báo cháy. Đặc biệt, những ngày nắng nóng đỉnh điểm kéo dài vừa qua, số vụ cháy tăng gấp 3,4 lần so với ngày thường và các vụ cháy do chập điện tăng đột biến cả ngày lẫn đêm.

Theo thống kê, ngày 4-7 đã xảy ra 22 vụ cháy trong đó có 12 vụ chập điện. Ngày 3-7 là 19 vụ cháy với 10 vụ chập điện. Ngày 2-7 xảy ra 16 vụ cháy trong đó có 11 vụ chập điện. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chập cháy cột điện, bốt điện, trạm điện. Trong đó, trước tiên phải kể đến chất lượng hệ thống dây dẫn điện lưới không bảo đảm do cũ nát hoặc do tác động của ngoại lực như mưa, gió, bão, chuột cắn…

Cùng với đó, nhiều thiết bị bảo vệ như cầu dao, ap-to-mat không được thay thế kịp thời, chất lượng kém dễ gây ra tia lửa điện, dễ chạm, chập gây cháy. Đặc biệt, ý thức sử dụng điện năng của người dân chưa cao, gây lãng phí, quá tải… trong khi hệ thống chuyển tải điện chưa được nâng cấp kịp với sự gia tăng các thiết bị sử dụng điện.

Như 22h18 ngày 3-7 đã xảy ra vụ cháy do chập cột điện tại xã Viên Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Lực lượng PCCC đã điều 2 xe chữa cháy kịp thời dập tắt đám cháy. 22h20 ngày 4-7, tại số 2/85 Tư Đinh, quận Long Biên, Hà Nội cũng đã xảy ra vụ cháy do chập cột điện. Vụ cháy cũng đã được xử lý kịp thời.

Ngăn ngừa cháy nổ do điện

Cảnh sát PCCC Hà Nội khuyến cáo, vào đỉnh điểm mùa nắng nóng, nguy cơ cháy nổ do sự cố điện rất cao vì nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của người dân để làm mát và phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng mạnh. Cháy nổ do chập điện có thể xảy ra tại trạm điện, bốt điện và nhà dân.

Để hạn chế tình trạng này, ngành điện cần tập trung hơn nữa đầu tư thiết bị công nghệ mới, thường xuyên kiểm tra thay thế hệ thống dây dẫn điện lưới để bảo đảm về mặt kỹ thuật và đẩy nhanh tiến độ ngầm hóa hệ thống dây dẫn.

Đối với các hộ gia đình, khi lắp đặt hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ và bảo vệ điện người dân phải tính toán, thiết kế theo đúng quy định về an toàn điện và PCCC, không được dùng nhiều dụng cụ tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn và không dùng dây dẫn có tiết diện nhỏ cho các thiết bị điện có công suất lớn để tránh trường hợp quá tải gây cháy, nổ xảy ra.

Phải lắp đặt các thiết bị bảo vệ như rơle, cầu dao, aptomat tự động ngắt điện khi xảy ra sự cố quá tải, chập cháy cho đường dây điện trong nhà và từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị điện có công suất lớn. Không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong một ổ cắm, không cắm dây dẫn điện trực tiếp trên ổ cắm; không được dùng đinh, dây thép để buộc giữ dây điện, không luồn dây điện qua mái lá, mái tôn, câu mắc điện tuỳ tiện, để hở các mối nối dây điện…

Khi xảy ra cháy, nổ hoặc cần cứu nạn, cứu hộ, người dân cần tìm mọi cách báo cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC theo số 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, Công an xã, phường nơi gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo các tình huống đã xây dựng.

Khi sử dụng các thiết bị như bàn là, bếp điện, các thiết bị điện có gia nhiệt phải có người trông coi. Không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị bệnh tâm thần... sử dụng các thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà. Không để các chất dễ cháy (mút xốp, giấy, bông, vải, sợi...) gần các thiết bị, dụng cụ điện.

Trước khi ra khỏi phòng phải đóng, ngắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết và tắt hết các nguồn lửa, nguồn nhiệt. Thiết kế, lắp đặt và định kỳ kiểm tra, đo điện trở chống sét cho nhà, công trình có nguy hiểm cháy, nổ. Phải thường xuyên và định kỳ kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện, các thiết bị điện; kiểm tra đột xuất khi phát hiện các nguy cơ, dấu hiệu mất an toàn về PCCC do điện và kịp thời khắc phục nhằm hạn chế các nguy cơ cháy, nổ xảy ra…

Mỗi cơ quan, gia đình bố trí lối thoát nạn an toàn hoặc các lối ra khẩn cấp ở ban công, lối lên mái... Trang bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện PCCC để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Trong những ngày nắng nóng vừa qua, Trung tâm thông tin chỉ huy điều hành PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã tiếp nhận và xử lý 6 cuộc gọi báo cháy do đốt rác.

Cảnh sát PCCC Hà Nội khuyến cáo người dân cần đặc biệt chú ý khi đốt rác bởi lẽ thời tiết nắng nóng kèm theo gió khô nóng rất dễ khiến ngọn lửa cháy lan. Khi đốt rác, người dân cần phải theo dõi đến khi ngọn lửa tắt hẳn.
Mai Hương
.
.
.