Nâng ly có trách nhiệm và chế tài kiểm soát

Chủ Nhật, 20/05/2018, 09:43
Những ngày này, nắng nóng gay gắt khiến mọi người đều trốn ở trong nhà hoặc tìm nơi có bóng mát. Tại các quán bia, cái nóng của bên ngoài và bên trong cùng cộng hưởng tạo nên sức nóng của vấn đề đang được dư luận quan tâm, tranh cãi khi dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia được lấy ý kiến và dự kiến sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.


Năm An toàn giao thông (ATGT) 2017 và 2018 liên tục lấy chủ đề: “Uống có trách nhiệm và ATGT”. Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề “uống” lại được đưa ra làm chủ đề của năm ANTG liên tiếp trong 2 năm liền. Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ANTG quốc gia, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến rượu bia chiếm 40%. Chỉ trong ngày đầu tiên của Tết Mậu Tuất 2018 vừa qua, đã có 46 vụ TNGT khiến 34 người chết, 35 người bị thương. Nếu tính chung cả đợt nghỉ Tết Nguyên đán thì con số lớn hơn rất nhiều và đáng chú ý là năm nào vào dịp này số lượng TNGT đều cao.

Tại sao, vào dịp Tết truyền thống của dân tộc, khi mọi người, mọi gia đình được sum vầy lại có những gia đình mất người thân mà phần lớn bắt nguồn từ bia rượu? Có rất nhiều nguyên nhân nhưng một trong những yếu tố gây nên hậu quả đó chính là do vui nên uống vượt quá giới hạn cho phép rượu bia. Bởi thế, slogan “uống có trách nhiệm” là cụm từ rất đắt trong bối cảnh người tham gia giao thông chưa có ý thức cao trong việc sử dụng đồ uống có cồn khi ra đường. Nhưng nếu chỉ là hô hào và khuyến khích mọi người tự nguyện “uống có trách nhiệm” thôi thì chưa đủ mà cần phải có chế tài rõ ràng.

Việt Nam là nước có tỷ lệ tiêu thụ rượu bia đứng thứ nhì khu vực Đông Nam Á và trong tốp 30 của thế giới.

Bởi thế, việc Bộ Y tế - cơ quan được giao chủ trì soạn thảo Dự án Luật phòng chống tác hại của rượu bia đang lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Quốc hội rất được quan tâm.

Được biết, dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế soạn thảo được manh nha cách đây 10 năm và chính thức bắt tay vào xây dựng 8 năm. Một điều đáng chú ý là khi mới bắt tay xây dựng dự thảo Luật, số lượng bia mà nước ta tiêu thụ là 2,7 tỷ lít/năm thì nay đã tăng lên 4 tỷ lít/năm.

Con số này cho thấy, mức tiêu thụ bia của chúng ta rất lớn, chẳng thế mà có số liệu thống kê rằng, Việt Nam là nước có tỷ lệ tiêu thụ rượu bia đứng thứ nhì khu vực Đông Nam Á và trong tốp 30 của thế giới. Những tác hại của việc lạm dụng rượu bia như: gây mất ATGT; ảnh hưởng đến sức khỏe; tiêu tốn tiền bạc; tái nghèo… đã được các cơ quan chuyên môn đánh giá và có những con số cụ thể. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để hạn chế được mặt tiêu cực khi sử dụng rượu bia?

Trong dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia, có rất nhiều vấn đề được đưa ra như: Thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe (đóng góp cho quỹ này có nguồn từ các doanh nghiệp sản xuất rượu bia); cấm quảng cáo; quy định giờ bán rượu bia; yêu cầu đăng ký đối với các hộ sản xuất rượu thủ công… Đây là những vấn đề mà những ngày qua được bàn thảo rất nhiều và có những vấn đề gây tranh cãi.

Ví dụ như việc thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe thì phía doanh nghiệp rượu bia lại nêu ý kiến rằng, Nhà nước đã đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này rồi, việc đóng quỹ sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng cao khiến người tiêu dùng lại quay sang sử dụng sản phẩm không được kiểm soát về chất lượng… Hay như dự thảo cấm quảng cáo thì phía Hiệp hội quảng cáo lại có ý kiến, như vậy là vi phạm Luật quảng cáo, làm mất nguồn thu mỗi năm cả nghìn tỷ đối với quảng cáo bia… Trong các vấn đề gây tranh cãi ở trên, việc dự thảo ra quy định về giờ bán đồ uống có cồn đặc biệt được quan tâm.

 Cơ quan soạn thảo đưa ra 3 phương án: 1, Từ 11h -14h và 17h-22h; 2, 6h – 22h; 3, Tùy các tỉnh/thành quy định (phương án 1 và 2 đều có mở ngoặc là quy định trên không áp dụng ở khu vực bay quốc tế, tuyến phố chuyên doanh thực, giải trí, du lịch). Nếu đưa ra quy định về khung giờ bán bia rượu, thì kiểm soát việc chấp hành của cả người bán lẫn người mua như thế nào? Ai kiểm soát? Ai xử phạt và mức phạt ra sao?

Thực tế, chúng ta đã đưa ra quy định và chế tài cấm hút thuốc lá nơi công cộng, nhưng xin hỏi đã bao nhiêu trường hợp bị xử phạt? Mặc dù chưa có con số về việc này nhưng chỉ cần nhìn cái cảnh người ta ngang nhiên hút thuốc cả trong bệnh viện cũng đủ biết, quy định này đã đi vào đời sống như thế nào.

Những tác hại do lạm dụng rượu bia đã rõ rành rành nhưng nhiều người cứ coi như không. Thực tế, lối sống của không ít người trong chúng ta hiện nay đang là: Lúc trẻ thì tàn phá sức khỏe (trong đó có phần dành cho rượu bia), về già đi mua sức khỏe (rượu bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra 30 loại bệnh, gián tiếp gây ra 200 loại bệnh).

Thế nên, đã đến lúc chúng ta không thể coi việc sử dụng rượu bia là chuyện bình thường được nữa mà cần có quy định cũng như chế tài cụ thể trong việc ngăn chặn tác hại đã hiện hữu về việc lạm dụng đồ uống có cồn.

Hiện nay, trong các luồng ý kiến góp ý về Luật phòng chống tác hại của rượu bia, có những ý kiến cho rằng tên của Luật này có vẻ “kỳ thị” rượu bia (thực tế, đây là loại đồ uống có tác dụng tốt nếu dùng đúng, dùng đủ). Vì thế, cần phải cân nhắc lại tên gọi. Thiết nghĩ, các nhà soạn thảo cũng nên lưu ý, bởi Luật cần được xây dựng từ cuộc sống và đi vào cuộc sống.

Những cách gọi như: Luật phòng chống tác hại lạm dụng rượu bia; Luật Kiểm soát đồ uống có cồn; Luật phòng chống tác hại lạm dụng đồ uống có cồn… là những cách gọi mà một số ý kiến đưa ra, rất cần được ban soạn thảo Luật lưu ý. Hy vọng rằng, với sự tham gia góp ý của đông đảo người dân, chúng ta sẽ có những quy định và chế tài đủ sức ngăn chặn tác hại của việc làm dụng rượu bia.

Cao Hồng
.
.
.