Nâng cao nhận thức về hành vi phân biệt đối xử với trẻ em

Thứ Hai, 12/11/2018, 09:32
Phân biệt đối xử với trẻ em cũng giống như phân biệt đối xử với phụ nữ, người nhiễm HIV, người khuyết tật…, đều là những hành vi bị nghiêm cấm.

Tuy nhiên, hiện nay khái niệm phân biệt đối xử với trẻ em vẫn còn chưa thống nhất trong nhận thức của nhiều người, sự phân biệt đối xử với trẻ đã cắm rễ quá sâu vào trong cuộc sống hiện đại. Nhiều người vẫn chưa biết rằng những hành vi của mình đang là phân biệt đối xử với trẻ, làm tổn thương trẻ.

Theo khái niệm chung, phân biệt đối xử hay kỳ thị là một thuật ngữ xã hội học nhằm chỉ tới một sự đối xử đối với một cá nhân hay một nhóm nhất định dựa vào sự phân loại tầng lớp hay đẳng cấp. Phân biệt đối xử thực tế là một hành vi, định kiến đối với một nhóm khác. Nó bao gồm việc loại bỏ hoặc hạn chế các thành viên trong một nhóm khỏi những cơ hội mà những nhóm khác được tiếp cận. 

Liên hợp quốc giải thích: "Những hành vi phân biệt đối xử có nhiều hình thức, nhưng tất cả đều có liên quan đến một số hình thức loại trừ và từ chối".

Bà Nguyễn Hải Anh, Quản lý chương trình Gia đình Việt -Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) cho biết, theo nghiên cứu về “Nhận thức của trẻ em về sự phân biệt đối xử” do MSD thực hiện thì hầu hết trẻ đều hiểu rằng: phân biệt đối xử là sự đối xử không công bằng, không bình đẳng và có sự thiên vị giữa người này với người khác. Trẻ thường bị phân biệt đối xử bởi bất kỳ ai từ ông bà, bố mẹ, thầy cô giáo, bạn bè. 

Khảo sát cũng cho biết, trẻ bị phân biệt đối xử có cảm xúc và hành vi tiêu cực không mong muốn, không có lợi cho sự phát triển của trẻ: buồn, thấy bị xúc phạm, tức giận, bức xúc, tự ti, khiến trẻ xa lánh tập thể, mất lòng tin vào người khác. Đa số trẻ cho rằng trẻ bị phân biệt đối xử không dám lên tiếng với ai, sống khép kín, tự cô lập bản thân…

Trên thực tế, trẻ em có thể bị phân biệt đối xử vì các lý do như: giới tính, chủng tộc/tôn giáo, hoàn cảnh gia đình (giàu, nghèo, khuyết thiếu, mồ côi), vùng miền, năng lực học tập, khuyết tật, HIV/AIDS, bệnh tật.

Phân biệt đối xử với trẻ em có thể là việc ông bà, cha mẹ yêu quý con/cháu này hơn con/cháu khác; không tôn trọng, lắng nghe ý kiến của con; bỏ bê, không chăm sóc trẻ; thầy cô giáo thiên vị học sinh giỏi hơn; thiên vị với học sinh khi kiểm tra, xử phạt; học sinh chọn chơi nhóm với nhau và xa lánh học sinh khác, nhóm khác vì gia đình giàu, nghèo; bệnh tật; học lực… Phân biệt đối xử với trẻ em cũng có thể là những lời người lớn nói đùa, chế giễu, miệt thị, chê bai, đổ lỗi cho trẻ; so sánh trẻ với trẻ khác.

Điều đáng nói là phân biệt đối xử với trẻ em đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ tại mỗi gia đình, nhà trường nhưng nhiều ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo và các bạn học sinh lại không nhận thức được đó là phân biệt đối xử, mà chỉ đơn giản cho rằng đó là việc thể hiện tình cảm của bản thân đối với từng người khác nhau hoặc là cách giáo dục để trẻ vì tự ti mà phải cố gắng theo tấm gương đã được đưa ra so sánh.

Dẫn chứng về sự phân biệt đối xử giữa anh chị em trong gia đình gây ảnh hưởng rất lớn đến trẻ, cô Nguyễn Thu Huyền, Chuyên viên tâm lý Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội) chia sẻ, cô rất xúc động và không thể quên câu nói của một học sinh với cô rằng: “Cô có biết có những người sống đến 80 tuổi nhưng thực chất họ đã chết từ năm 15 tuổi rồi”. 

Vì sự phân biệt đối xử của bố mẹ nên các em dường như phải sống không là chính mình. Học sinh đó đã nói “Cơ thể này vẫn là con, nhưng suy nghĩ của con không được bộc lộ, con phải sống với suy nghĩ, mong muốn của người khác”. 

Cô Huyền cũng cho biết cảm thấy rất tiếc cho nhiều học sinh vì sống theo mong muốn và định hướng của cha mẹ mà không thể phát huy được năng khiếu, thế mạnh của bản thân. 

Theo cô Huyền, để giải quyết vấn đề phân biệt đối xử không chỉ dừng lại ở mức độ can thiệp, nâng cao nhận thức cho cha mẹ hay thầy cô giáo, mà rất cần giáo dục với chính trẻ nhỏ để các em biết cách ứng xử với mọi người xung quanh, trên cơ sở tôn trọng, bằng tình yêu thương và sự tử tế. Do hiện nay nhận thức của xã hội về phân biệt đối xử với trẻ em vẫn chưa được cụ thể, thống nhất nên rất khó để tố cáo hay xây dựng các chế tài xử phạt. 

Chuyên gia về trẻ em Lê Thị Khánh Vân cho rằng, để khuyến khích trẻ tố cáo các hành vi phân biệt đối xử thì trước hết cần hướng dẫn trẻ hành vi nào phải báo cáo? Báo cáo với ai? Báo cáo như thế nào? Dựa vào những bằng chứng gì?... Vì hành vi phân biệt đối xử có những cái không có bằng chứng nhìn thấy được.

Cục phó Cục Trẻ em Nguyễn Thị Nga cho rằng, để có những biện pháp mang tính bắt buộc như quy định thành luật hoá hay các văn bản quy phạm pháp luật của chính phủ, các chế tài để ngăn chặn hành vi phân biệt đối xử với trẻ thì cần rất nhiều thời gian. Bởi trước hết cần có sự chấp thuận của xã hội. Do vậy, trước mắt cần tập trung xây dựng kế hoạch truyền thông nâng cao nhận thức của thầy cô, bố mẹ, người lớn và ngay cả chính trẻ em về quyền được bảo vệ của trẻ em khỏi các hình thức phân biệt đối xử, hướng đến thay đổi hành vi và nhận thức của mọi người.

T.K.
.
.
.