Mỹ phẩm kém chất lượng vẫn tung hoành trên thị trường

Thứ Hai, 21/12/2015, 07:51
Đã gần 5 tháng sau khi Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ban hành quy định cấm lưu hành các loại mỹ phẩm chứa chất Paraben độc hại, ra quyết định đình chỉ và thu hồi trên 2.000 loại mỹ phẩm nhập khẩu, nhưng trên thị trường, mỹ phẩm có thành phần chất cấm này vẫn bày bán công khai.

Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, mỹ phẩm có dấu hiệu làm giả, làm nhái cũng vẫn được tuồn về Hà Nội với số lượng hàng chục nghìn tấn.

Cuối tháng 7, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc từ ngày 31-7 đối với gần 2.100 loại mỹ phẩm nhập khẩu và 142 sản phẩm của 231 công ty do chứa 5 dẫn chất paraben (gồm: Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben) nghi ngờ gây ung thư vú. 

Theo ông  Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, paraben (có 12 loại và trong đó có 5 dẫn chất bị cấm) là chất kháng khuẩn và kháng nấm, được dùng làm chất bảo quản để ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn (do nấm hoặc vi khuẩn) và hạn chế sự phân hủy của các hoạt chất dẫn đến giảm hiệu quả của thuốc, mỹ phẩm. Ước tính có khoảng hơn 22.000 sản phẩm mỹ phẩm có sử dụng dẫn chất paraben làm chất bảo quản. Tuy nhiên, đã qua gần 5 tháng, các loại mỹ phẩm có chứa chất paraben vẫn được bày bán tràn lan. 

Chúng tôi đã khảo sát tại nhiều điểm bán hoá mỹ phẩm ở Hà Nội và thấy tình trạng các sản phẩm có chứa hoạt chất cấm trên vẫn đang được bán công khai. Trong khi đó, cả người mua lẫn người bán đều không hề để ý đến thành phần độc hại có chứa trong sản phẩm.

Cơ quan chức năng kiểm tra một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa: Anh Tuấn)

Đặc biệt, các shop bán hàng online cũng “nở rộ” bán các sản phẩm có chứa chất cấm mà chính người bán cũng không biết sản phẩm mình bán có chất nghi ngờ gây ung thư. 

Trên một trang web bán mỹ phẩm xách tay, kem Nivea  chống nắng trẻ em dạng sữa được ra bán với giá 400.000 đồng/tuýp 150ml. Nhưng trong thành phần của kem chống nắng lại có ghi chứa methylparaben, Ethylparaben, propylparaben và không có tỷ lệ phần trăm theo quy định.  

Dường như thông tin về tác hại của hoạt chất này cũng như việc thu hồi các sản phẩm của nhiều thương hiệu đang bị “quên lãng” và việc mua bán vẫn diễn ra bình thường. 

Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên những trang mạng bán các loại mỹ phẩm quen thuộc như: Kem chống nắng Laneige High lasting, sữa rửa mặt The Face Shop Phyto powder, Vichy Essence aqualia thermal, phấn phủ Shu Uemura compact… 

Khi được hỏi, hầu hết các chủ cửa hàng mỹ phẩm đều mù mờ thông tin về việc cấm lưu hành và thu hồi các sản phẩm mỹ phẩm chứa dẫn chất của Paraben. Không chỉ các chủ cửa hàng mù mờ mà người tiêu dùng cũng gần như không để ý đến những thông tin này, vẫn vô tư mua bán, sử dụng những sản phẩm ưa chuộng của mình.

Một loại kem trộn được quảng cáo trắng da sau 3 ngày sử dụng (ảnh trái) và sản phẩm nhập khẩu có chứa dẫn xuất chất Paraben không ghi rõ tỷ lệ.

Không chỉ mỹ phẩm bị thu hồi vẫn được bày bán, các loại mỹ phẩm không nguồn gốc xuất sứ cũng đang tràn ngập thị trường. Mới đây, đầu tháng 12, các lực lượng chức năng đã bắt giữ hai vụ phạm pháp liên quan đến hàng hoá không rõ nguồn gốc, trong đó chủ yếu là mỹ phẩm. 

Ngày 1-12, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74), Bộ Công an phối hợp với Công an Hà Nội và Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện gần 30 tấn hàng hóa không rõ nguồn gốc đang tập kết tại một kho hàng ở quận Hoàng Mai. Các mặt hàng chủ yếu bị phát hiện là hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... 

Theo C74, các chủ hàng đã có dấu hiệu in giả hóa đơn để hợp thức hóa nguồn gốc hòng “qua mặt” cơ quan quản lý để chuyển vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ. Ước tính giá trị lô hàng này vào khoảng 10 tỷ đồng. 

Sau đó chỉ một ngày, ngày 2-12, Tổng cục Cảnh sát phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) lại phát hiện hàng chục tấn bánh kẹo, nước uống, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… mà chủ hàng không xuất trình được đầy đủ hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại kho hàng trong khuôn viên nhà máy xe lửa Gia Lâm. Tất cả bao bì sản phẩm đều in chữ Hàn Quốc và không dán tem phụ bằng tiếng Việt theo quy định.

Tại tỉnh Quảng Ninh, ngày 10-12, lực lượng An ninh Kinh tế Công an tỉnh Quảng Ninh, Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh, Công an TP Móng Cái bất ngờ kiểm tra tầng hầm chợ Trung tâm Móng Cái phát hiện thu giữ hơn 5 tấn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nếu không bị phát hiện, số hàng này sẽ được chuyển đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành, trong đó có Hà Nội. 

Chỉ tính riêng trong 3 tháng (từ tháng 7 đến tháng 10-2015), Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu - hàng giả đã phát hiện và xử lý 3.619 vụ vi phạm về mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. 

Ngay cả những “tên tuổi” lớn trong lĩnh vực kinh doanh mỹ phẩm như Công ty TNHH Xuân Thuỷ cũng đã bị phát hiện buôn bán hàng trăm nghìn sản phẩm mỹ phẩm, hoá mỹ phẩm không có hoá đơn nguồn gốc xuất sứ, có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hóa và một lượng hàng không nhãn mác. 

Càng gần thời điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng mỹ phẩm càng tăng cao, đặc biệt là các sản phẩm làm trắng da, kem trộn... Những hình ảnh quảng cáo đã được chỉnh sửa trên mạng xã hội kèm theo lời quảng cáo: “Đảm bảo trắng sau 3-7 ngày sử dụng”, “Kem trộn theo công thức của thẩm mỹ viện” với giá chỉ từ 150-280 nghìn đồng/hộp 100ml… đã khiến không ít người phải vào các bệnh viện da liễu điều trị. 

Vì vậy, khi mua mỹ phẩm, người tiêu dùng nên chú ý đến độ sắc nét của tem nhãn in trên bao bì sản phẩm, địa chỉ nhà nhập khẩu, nhà phân phối, hạn sử dụng, sản xuất… và nếu là hàng xách tay cần có hoá đơn mua hàng tại các cửa hàng, siêu thị nước ngoài để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Nhóm PV KT-VH-XH
.
.
.