Mức sàn bị bỏ ngỏ, bữa ăn công nhân ngày càng “teo tóp”

Chủ Nhật, 06/10/2019, 17:53
Công ty đàm phán suốt 3 năm từ 2012 tới 2015 mới nâng được giá sàn suất ăn công nhân từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng/suất; 3 năm gần đây tiếp tục  đàm phán nữa mới nâng lên được 18.000 đồng/suất. Tuy vậy, mới đảm bảo được ăn no, tạm đủ đạm để lao động, còn nếu nói ăn ngon và đủ dinh dưỡng thì chưa làm được”. Ông Đặng Hồng Thạch - giám đốc Công ty TNHH Khải Thành nơi chuyên cung ứng suất ăn công nghiệp (SĂCN) đã trao đổi xoay quanh giá sàn bữa ăn của công nhân hiện nay.


“Ngộ độc” trong bếp ăn, từ đâu?

Qua thực tế kiểm tra một vài doanh nghiệp chuyên cung ứng SĂCN và suất ăn sẵn cho công nhân trên địa bàn, bà Phạm Khánh Phong Lan-Trưởng Ban quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh phân tích về nguyên nhân vẫn xảy ra ngộ độc thực phẩm rằng:  “Thời gian bảo quản, di chuyển và nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm không đảm bảo là 3 nguyên nhân chính gây cho bữa ăn công nhân rủi ro, nhiễm vi sinh gây ngộ độc thực phẩm-NĐTP”. 

Theo đó, trong các qui trình trên khi vi phạm các nguyên tắc cơ bản thì dù là cơ sở sản xuất Suất ăn sẵn hay là cơ sở sản xuất suất ăn công nghiệp, dù trang bị hiện đại, qui trình một chiều đến đâu đều sẽ gặp nguy cơ NĐTP.

 Bà Lan cũng dẫn chứng, cách đây không lâu tại địa bàn quận 12 xảy ra vụ NĐTP sau khi trẻ nhỏ tới nhà thờ dự lễ và ăn sáng là món bánh mì chà bông. Nguyên nhân điều tra dịch tễ sau đó mới biết rằng, vi khuẩn thâm nhiễm vào bánh mì do cơ sở cung cấp đã thực hiện trong nhân chà bông vào bánh ngay từ đêm. Sau đó bánh được chuyển tới nhà thờ và tập kết trong kho, đợi tới sáng mới phát cho trẻ tới dự ăn. 

Quá trình lưu giữ bánh quá lâu không đảm bảo, dẫn tới ô nhiễm vi sinh vật và gây NĐTP cho trẻ ăn tại lễ nhà thờ. Đó là tầm quan trọng của thời gian bảo quản thực phẩm. Trong khi ấy, ở các vụ NĐTP xuất phát từ cách chế biến bảo quản không đảm bảo thì thường thấy, bếp lớn bao giờ cũng làm nhiều. Bếp nhỏ làm ít. Làm lớn thì độ rủi ro càng lớn. Chỉ khác ở chỗ quá trình bảo quản và quá trình đem đến cho người dùng cho công nhân.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, sắp tới đây, mức “sàn” về suất ăn công nhân phải được đưa ra Quốc hội thảo luận.

Cũng theo bà Lan, khi đặt (SĂCN) thì các Doanh nghiệp đã “né” được một gánh trách nhiệm rất lớn.Vì nếu có NĐTP xảy ra thì nơi cung cấp SĂCN chịu trách nhiệm. Do đó, nơi cung ứng nguồn nguyên liệu đảm bảo sẽ là việc mà các công ty chế biến, cung ứng Suất ăn sẵn phải giám sát được.
Đàm phán suốt 6 năm trời, công ty cung ứng SĂCN Công ty TNHH Khải Thành mới nâng được suất ăn công nhân lên 15 tới 18000 đồng/suất.

Cũng theo bà Lan, qui trình nấu chế biến phải đảm bảo tối đa an toàn thì cơ sở bếp ăn của nơi cung ứng phải sạch sẽ, không bị bong tróc gạch, hệ thống cống, rãnh thoát nước phải đảm bảo. Không khí, hệ thống lưới đảm bảo không có côn trùng vào thực phẩm phòng chống việc lây nhiễm chéo. Nhân viên phải được tập huấn kiến thức, được trang bị bảo hộ lao động trong quá trình làm việc. Nhưng, một thực tế, dù các đơn vị cử người đi học, tập huấn nhưng vấn đề hoá đơn chứng từ còn chưa được lưu tâm. Có khi trong kho lưu giữ thực phẩm để lẫn lộn đủ loại như: đường, muối, thực phẩm khô, thực phẩm hết date, … mà không có thống kê, lên lịch để kiểm soát được chất lượng, không phạm phải việc dùng thực phẩm hết hạn mà không biết. Hoặc khi cần có thể truy ra nguồn gốc thực phẩm, xuất, nhập từ đâu.

Khi NĐTP xảy ra, không chỉ làm mất đi chất dinh dưỡng cho người lao động, toàn TP có gần 13 triệu dân, hàng trăm ngàn công nhân trong khu chế xuất, khu công nghiệp và hàng ngày, mọi người đều phải ăn, nạp dinh dưỡng duy trì cuộc sống, lao động sinh hoạt. Vậy khi ăn tập trung nhiều người mà xảy ra sự cố thì sẽ gây hậu quả rất lớn. Những trường hợp vi phạm về ATTP, gây NĐTP ở nơi cung ứng Suất ăn công nghiệp thì con số thiệt hại về sức khoẻ con người lên rất cao; nên đơn vị tham gia cung ứng sẽ phải chịu mức phạt rất cao, có thể lên tới hàng trăm triệu.

Ông chủ khôngthấu hiểu, bữa ăn công nhân teo tóp

Ông Đặng Hồng Thạch - giám đốc Công ty TNHH Khải Thành (Q.Tân Phú) nơi chuyên cung ứng SĂCN trao đổi xoay quanh giá sàn bữa ăn của công nhân hiện nay. Trong đó, 12.000 đồng/suất ăn, theo ông Thạch thì đây là đơn giá không cung cấp được nữa. Nếu một bữa ăn đủ chất đạm, chất xơ, chất dinh dưỡng thì ít nhất phải 20.000 đồng mới tạm đủ. Hiện tại công ty cũng đang duy trì với nơi được cung ứng suất ăn là 15. 000, nhưng giá này coi như công ty “làm không công”. 

Cũng theo ông Thạch, 3 năm trước đây, công ty đi đàm phán với nhiều nơi, nhiều doanh nghiệp nhưng nhiều ông chủ chỉ chấp nhận giá là 12.000 đồng/suất. 3 năm trở lại đây, thì giá suất ăn được đề xuất trong khu chế xuất, khu công nghiệp nâng lên được 15.000, rồi lên 18.000/suất. Trong năm nay, theo khuyến cáo của Ban quản lý ATTP, có hỗ trợ cho những công ty chế biến suất ăn sẵn, suất ăn công nghiệp nếu mua nguồn thực phẩm an toàn, nguồn thực phẩm từ các tiêu chuẩn VietGap, Haccap; song song với việc các doanh nghiệp quan tâm hơn về chất lượng suất ăn, tới sức khoẻ người công nhân, thì đơn giá suất ăn sẽ nâng lên nữa. Nếu công ty, xí nghiệp nào đó vẫn duy trì hợp đồng chỉ đặt mức suất ăn là 12.000 đồng thì công ty sẽ ngưng ký hợp đồng cung cấp.

Theo ông Thạch, mỗi ngày công ty của ông cung cấp khoảng 2.500 suất ăn trưa cho năm công ty và trường học.  Ông cũng cho rằng, việc khó nhất của công ty cung ứng SĂCN là đàm phán về giá sàn cho bữa ăn công nhân. “Suất ăn từ 15.000 tới 18 .000 đảm bảo là sạch, đủ sạch. Độ đạm cũng chắc chắn đủ nhưng độ dinh dưỡng thì không dám đảm bảo!”. Ông Thạch nói.

Về tình trạng bữa ăn của công nhân bị bớt xén, bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh thừa nhận,  dinh dưỡng trong bữa ăn của công nhân ở Việt Nam hiện tại còn khá thấp. Thậm chí, có tình trạng  Doanh nghiệp đặt suất ăn với giá thành cao nhưng qua nhiều khâu trung gian đã 'bớt, xén' bằng cách tìm nguồn thực phẩm giá rẻ thay thế. Có nơi đặt giá rất cao nhưng bữa cơm tới tay công nhân giá trị thực đã mất đi 20-30%.

Theo bà Dương Thị Th. - kế toán của một công ty May tại địa bàn quận Gò Vấp thừa nhận với PV báo CAND: “Rất khó nâng được giá thành bữa ăn cho công nhân nhằm nâng cao chất lượng, dinh dưỡng do chính nhiều ông chủ còn chưa chịu lắng nghe, chưa chịu chia sẻ và chưa thấu hiểu về sức khoẻ của người công nhân”.

Ông Đặng Hồng Thạch cũng thừa nhận, các công ty nhận thức tốt về tầm quan trọng của sức khỏe công nhân thì mới hiểu và có giá bữa ăn phù hợp cho công nhân. Vậy giá sàn bữa ăn công nhân bao nhiêu là đủ? 

Chia sẻ điều này, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, sắp tới đây, giá “sàn” về suất ăn công nhân phải được đưa ra để Quốc hội thảo luận. Trước mắt là khuyến khích nhưng tương lai là bắt buộc việc nguồn thực phẩm vào bếp ăn công nghiệp hay nhà hàng, khách sạn phải đạt chuẩn như VietGAP, GlobalGAP. Sẽ áp dụng qui định như với các bếp ăn trường học là phải đạt chuẩn, có thương hiệu mà thành phố đã và đang thực hiện thí điểm tại 6 quận. 

Thời gian qua, thực hiện giám sát của Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh, rất nhiều doanh nghiệp chịu nâng mức giá từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng/suất ăn cho công nhân. Tuy nhiên, giá suất ăn hiện do các công ty "tự quyết" và không quy định nào cấm. Trong khi đó, theo nhiều doanh nghiệp cung cấp suất ăn, các đối tác bao giờ cũng muốn giá tiền suất ăn công nhân giảm đến mức thấp nhất. Trên 4.000 doanh nghiệp liên quan đến ATTP tại TP Hồ Chí Minh đã được kiểm tra đợt vừa qua, Ban Quản lý ATTP đã phạt rất nặng các hành vi vi phạm ATTP trong khu vực bếp ăn tập thể và SĂCN. Có doanh nghiệp bị phạt với mức 100 triệu đồng cho các hành vi vi phạm. 

Cho tới nay, trên địa bàn thành phố có 467 bếp ăn trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và ngoài khu công nghiệp là 468. Riêng trong tháng 08 /2019, Ban Quản lý ATTP đã ban hành 82 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm với tổng số tiền phạt là 1.165.311.450 đồng, trong đó nhiều cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn trên 3 tháng, không có hồ sơ tự công bố, không nộp hồ sơ tự công bố đến cơ quan quản lý, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

Huyền Nga
.
.
.