Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề cho nông dân các tỉnh miền Trung

Thứ Ba, 18/12/2018, 08:30
Theo ông Đỗ Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Bình Dương, đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại không nhỏ trên địa bàn xã, đặc biệt là 100% diện tích hoa màu bị hư hại hoàn toàn, nhiều hồ nuôi tôm cũng bị cuốn trôi, khiến cho bà con nông dân phải chịu thiệt hại nặng nề.


Nhiều hộ nuôi tôm, cá trái vụ mất trắng

Mặc dù đã được cảnh báo lũ có thể cuốn trôi lồng bè nuôi cá trên sông, gây thất thoát tôm ở vùng triều, thế nhưng nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn liều lĩnh nuôi tôm, cá trái vụ và chịu thiệt hại nặng nề sau đợt mưa lũ vừa qua.

Theo lịch mùa vụ, việc nuôi tôm vùng triều sẽ kết thúc trước ngày 30-9, thế nhưng nhận thấy thời tiết những ngày gần cuối năm thích hợp, không mưa, ông Nguyễn Ngọc Anh (trú thôn Bản Long, xã Tam Tiến) đã liều lĩnh đầu tư nuôi tôm trái vụ với mong muốn xuất bán kiếm thêm một khoản thu nhập tiêu trong dịp Tết Nguyên đán. 

Đầu tháng 10-2018, ông Anh chọn một ít giống tôm thẻ chân trắng thả nuôi ở hồ tôm cạnh sông Trường Giang. Sau đó một tháng, ông lần lượt thả nuôi ở hai hồ tôm còn lại cũng cạnh con sông này. Thế nhưng gần đến ngày thu hoạch, trận mưa lớn ngày 9-12 vừa qua khiến cho tất cả 8 vạn con giống trong 3 hồ này của ông bị nước cuốn trôi. 

Đứng nhìn những hồ tôm của gia đình bị nước lũ phủ trắng xóa, ông Anh ngậm ngùi: “Năm nay thấy thời tiết thuận lợi, không mưa gia đình tôi liều thả mấy vạn con giống để mong từ nay đến Tết cổ truyền có thể xuất bán kiếm thêm tiền sắm sửa cho gia đình. Ai mà ngờ năm nay mưa trễ mà lại mưa lớn đến thế, tôi vừa ra cho tôm ăn thì 7h tối nước đã cuốn trôi tất cả. Do mình thì mình chịu thôi chứ biết làm sao bây giờ”. 

Tuy không bị nước ngập, thế nhưng hồ nuôi tôm lót bạc của anh Trần Thanh Tịnh (trú thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến) trong mùa vụ này lại bị nước lớn làm vỡ hồ khiến cho 35 vạn con tôm sắp đến ngày thu hoạch cũng bị cuốn theo dòng nước. 

Theo lời anh Tịnh, ngày 1-10, thấy thời tiết thuận lợi, anh chọn thả nuôi tôm thẻ chân trắng thả vào 2 ao lót bạc. Thế nhưng, 3h sáng 10-12, bỗng dưng mưa lớn, gia đình anh lại chỉ có một hố ga, không xử lý kịp nên hồ tôm 1.200m2 bị vỡ khiến cho 35 vạn con tôm 2 tháng 10 ngày của anh bị cuốn trôi, thiệt hại gần 200 triệu đồng… 

Ông Nguyễn Xuân Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết, lịch thời vụ nuôi tôm là từ ngày 1-3 đến ngày 30-9. Thế nhưng do năm nay thời tiết tốt, nhiều người chọn thả nuôi tôm sớm, xen canh cùng cua, cá. Tuy nhiên đợt mưa lớn vừa qua khiến cho nhiều diện tích nuôi tôm, cua trên địa bàn xã bị thiệt hại nặng nề. 

“Đến nay vẫn chưa có thống kê đầy đủ nhưng ít nhất có hơn 15 hộ nuôi tôm vùng triều bị nước cuốn trôi, 3ha nuôi tôm lót bạt bị sạt lở. Tập trung chủ yếu tại các thôn Tân Lập, Tiến Thành, Tú Phong, Diễm Trà, Long Thạnh... thiệt hại rất lớn”, ông Luận nói.

Bà Phạm Thị Tự buồn bã khi hơn 3 sào ớt bị chết rũ do ngập lụt.

Tương tự, nhiều người nuôi cá lồng bè trái vụ tại các con sông ở địa bàn Tam Kỳ cũng bị thiệt hại nặng nề. Cách đây hơn 3 tháng, gia đình anh Nguyễn Xuân Ngọc (trú phường Trường Xuân, TP Tam Kỳ) đầu tư nuôi 80 lồng bè trên sông Bàn Thạch (xã Tam Phú). Sắp đến ngày thu hoạch thì sáng 9-12, mưa lớn bất ngờ, nước lũ trên sông Bàn Thạch đột ngột dâng cao khiến cho 40 lồng bè nuôi cá diêu hồng của anh Ngọc bị trôi sông, ước tính thiệt hại 3 tỷ đồng. 

Hộ ông Nguyễn Thanh Nhựt (thôn Mỹ Cang, xã Tam Thăng) cũng bị lũ cuốn trôi hàng chục lồng bè nuôi cá, thiệt hại hàng tỷ đồng. “Gia đình tôi nuôi cá vụ này với mong muốn Tết xuất bán. Thấy năm nay mưa ít nên gia đình tôi chủ quan. Không ngờ vừa rồi nước sông lại dâng nhanh đến như vậy, hàng ngàn con cá diêu hồng đã bị cuốn trôi”, ông Nhựt buồn bã nói.

Tìm giải pháp hỗ trợ nông dân thiệt hại hoa màu do mưa lũ

Nông dân xã Bình Dương, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) hiện đang lâm  vào tình cảnh lao đao khi toàn bộ số hoa màu cho vụ Đông Xuân đều bị lũ lụt ngập úng làm hư hại, nhiều hồ nuôi tôm gần tới ngày thu hoạch bị nước cuốn trôi hoàn toàn, thiệt hại hàng tỷ đồng...

Xã Bình Dương là một trong những địa phương có diện tích trồng ớt lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, vậy mà chỉ sau 3 ngày mưa lớn, toàn bộ 150ha ớt của vụ Đông Xuân đều bị ngập úng và hư hại. Ngoài ra còn có 30ha rau màu các loại cũng bị chìm trong biển nước. Ước tính thiệt hại gần 10 tỷ đồng. 

Bà Phạm Thị Tự (55 tuổi, trú tại thôn Mỹ Huệ 1) nói rằng, nhà bà trồng hơn 3 sào ớt, đang trong giai đoạn phát triển thì gặp mưa lớn nhiều ngày, ruộng ớt ngập nước, úng rễ và chết toàn bộ. 

“Nhà tôi thu nhập chính là từ ruộng ớt, chứ không trồng lúa hay rau màu gì khác cả. Chừ nhìn ruộng ớt bị ngập nước chết hết như thế này, cả gia đình ai cũng lo…”, bà Tự thở dài. 

Anh Đặng Công Đức (43 tuổi, trú tại thôn Đông Yên 3) lo lắng nói: “Vụ Đông Xuân này gia đình tôi trồng 2 sào ớt, hi vọng kịp thu hoạch trước Tết Nguyên đán, vậy mà bây giờ ngập úng hết toàn bộ, chờ qua hết đợt lũ, vợ chồng tôi lại phải tất tả đi gieo giống lại từ đầu, coi như tiền của và công sức đợt vừa rồi là trôi theo nước lũ hết”… 

Được biết, thôn Đông Yên 3, với 240 hộ dân là thôn có nhiều hộ trồng ớt nhất xã, hầu hết nhà nào trong thôn cũng trồng ớt và xem đó là nguồn thu nhập chính của gia đình. Chính vì vậy mà thiệt hại do mưa lũ năm nay khiến cho người dân trong thôn ai cũng lo lắng, chán nản. Còn thôn Mỹ Huệ 1, bà con trồn ớt cách đây khoảng 20-40 ngày, không ngờ chỉ sau 3 ngày mưa, tất cả 180ha ngập sâu trong nước lũ.

Chung cảnh ngộ với các hộ trồng ớt, nhiều hộ nuôi tôm tại thôn Mỹ Huệ 1 và Mỹ Huệ 2 cũng buồn bã vì bị lũ cuốn trôi. Thống kê sơ bộ của UBND xã Bình Dương, có 5ha diện tích hồ nuôi tôm thẻ chân trắng của nông dân thả nuôi vụ Đông Xuân bị nước lũ tràn hồ và cuốn trôi toàn bộ số tôm đang gần tới ngày thu hoạch, ước tính thiệt hại 2,5 tỷ đồng. 

Riêng ông Lê Văn Thâm (57 tuổi, trú tại thôn Mỹ Huệ 1) cho biết, vụ Đông Xuân này, ông thả nuôi 2 hồ với diện tích khoảng 1.500m2, đợt lũ vừa rồi nước lũ kéo tràn hồ, gây sạt bờ và cuốn trôi hết toàn bộ số tôm nuôi đã được chừng 30 ngày, ước tính thiệt hại tầm 60-70 triệu đồng… Theo ghi nhận tại khu vực hồ nuôi tôm, nhiều hồ bị lũ tràn, đánh sập hết bờ kè xung quanh hồ, nước hồ còn nguyên màu vàng đục, cỏ rác do nước lũ đổ vào. 

Ông Trần Văn Trung (60 tuổi, trú tại thôn Mỹ Huệ 2) nuôi 2 hồ và thả nuôi 50 vạn tôm giống, diện tích 3.000m2. Tôm đã thả nuôi được 40 ngày, còn khoảng 30 ngày nữa là thu hoạch, nhưng vì bị lũ cuốn trôi hơn nửa nên ông đành phải tranh thủ vớt hết số tôm còn sót lại trong hồ để bán tháo.

“Nếu không vớt nhanh thì tôm cũng sẽ khó sống được vì nước trong hồ đã bị nước lũ đổ vào, thêm vào đó, mưa lũ vẫn chưa dứt nếu để thêm có khi lại mất trắng luôn. Tôi đành bán tháo đỡ đồng nào hay đồng đó".

Theo ông Đỗ Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Bình Dương, đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại không nhỏ trên địa bàn xã, đặc biệt là 100% diện tích hoa màu bị hư hại hoàn toàn, nhiều hồ nuôi tôm cũng bị cuốn trôi, khiến cho bà con nông dân phải chịu thiệt hại nặng nề. 

Hiện tại, chính quyền địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, thống kê thiệt hại của nông dân trên địa bàn bước đầu khoảng 12,1 tỷ đồng và đề nghị chính quyền và các cơ quan hữu quan hỗ trợ cây, con  giống cũng như kỹ thuật dể phục hồi sản xuất.

Linh Nguyễn-Hà Vy
.
.
.