Một người Vân Kiều 'đuổi' đói nghèo trên đỉnh Xà Rèng

Thứ Tư, 13/05/2015, 09:25
Một người dân bản Hà, xã Tân Thành, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) đã tiên phong đưa cây lúa từ miền xuôi lên canh tác, thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cây trồng vật nuôi hướng dẫn bà con xoá bỏ đói nghèo. Hủ tục du canh du cư dần lùi xa khi bông lúa đều đặn trổ đầy trên những nếp ruộng bậc thang...

Hơn 30 nóc nhà sàn bản Hà, xã Tân Thành, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) co cụm bên nhau giữa điệp trùng Trường Sơn hùng vĩ. Bao đời nay, thế hệ nối tiếp thế hệ người Vân Kiều bám núi rừng, nhọc nhằn đắp đổi những giọt mồ hôi kiếm lấy búp măng, con cá dọc các bờ khe, con suối qua ngày. 

Nhưng bây giờ cuộc sống của bà con đã khác; một người dân bản Hà đã tiên phong đưa cây lúa từ miền xuôi lên canh tác, thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cây trồng vật nuôi hướng dẫn bà con xoá bỏ đói nghèo. Hủ tục du canh du cư dần lùi xa khi bông lúa đều đặn trổ đầy trên những nếp ruộng bậc thang...

Cách đây 4 năm, chuyện về Hồ Pả Riên (63 tuổi) ở bản Hà bán cả đàn trâu bò, vay tiền nhà nước để đầu tư đưa giống lúa từ miền xuôi lên đỉnh Xà Rèng canh tác được bà con dân bản truyền tai nhau như một “gã dở hơi”. Tuy nhiên, khi những thửa ruộng bậc thang được đưa vào gieo trồng, cây lúa đều đặn trổ bông ngay vụ đầu đã đưa đại gia đình gồm 22 người thoát khỏi đói nghèo đã làm cho bà con dân bản thực sự ngưỡng mộ.

Ông Pả Riên cho biết, để trồng được lúa nước trên đỉnh Xà Rèng, thời gian đầu ông và gia đình đã trải qua bao khó khăn, vất vả, thậm chí có những lúc không còn cái ăn. Khó khăn từ việc phải đi các địa bàn khác để học hỏi cách làm, cho đến việc chọn địa điểm, phát rẫy, vỡ đất để canh tác lúa nước. Ông chọn đồi Xà Rèng vì ở đây có hệ thống lạch của khe A Chùm dẫn nước từ thác Ra Xăng về luôn đầy ắp quanh năm. 

Ông Hồ Pả Riên và ruộng lúa nước trên đỉnh Xà Rèng.

Với số tiền hơn 130 triệu đồng có được từ việc bán đàn trâu bò và vay của ngân hàng, ông cùng các con đầu tư vỡ đất tạo nền ruộng trên đỉnh Xà Rèng; đắp đập, làm mương dẫn nước từ khe A Chùm về thẳng ruộng lúa. Vụ mùa đầu tiên, đất không phụ công người, bao giọt mồ hôi được đắp đổi bằng những bông lúa trĩu nặng, được mùa đủ ăn cho cả đại gia đình Pả Riên trong 2 năm.

Có kinh nghiệm, những vụ mùa tiếp theo, ông Pả Riên tiếp tục vỡ đất mở mang thêm diện tích, đào ao thả cá, trồng xen canh các loại cây có giá trị kinh tế như chuối, hồ tiêu… Hiện nay, Pả Riên có trong tay 10 sào ruộng, một ao cá rộng 2 sào và diện tích chuối, hồ tiêu đang mùa thu hoạch. Không chỉ lo cho bản thân và gia đình mình, ông Pả Riên còn vận động bà con cùng tham gia trồng lúa nước, xoá đói, giảm nghèo. 

Ông hướng dẫn bà con đầu tư tái phát triển đàn trâu bò. Khi trâu bò sinh con đẻ cái thì bán bớt bò mua máy cày, lúc đầu ít vốn thì mua máy nhỏ, sau rồi mua máy có công suất lớn để làm việc đồng áng, thuê máy mở rộng đường vào ruộng lúa... Bà con bản Hà và bản Lệt gần đó nghe và làm theo Pả Riên, ban đầu là một vài hộ, đến nay đã có hơn 30 hộ tham gia trồng lúa nước. 

Những ai có ý định trồng lúa đều được Pả Riên nhiệt tình chỉ bảo, thậm chí giúp cả công sức cày bừa và giống lúa. Những mảnh ruộng xanh mướt xuất hiện ngày càng nhiều trên đỉnh Xà Rèng, sau những vụ mùa no đủ, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, cùng Pả Riên viết tiếp kỳ tích trên đỉnh Xà Rèng.

Trò chuyện với chúng tôi, người đàn ông Vân Kiều này tâm sự: "Cho con dê, cho con bò không quý bằng giúp đỡ dân bản làm ruộng nước. Có dê, có bò thì khi trong nhà có người ốm đều bán hết, nhưng có ruộng lúa thì vẫn còn hạt gạo mà sống, sẽ không còn đói, không còn nghèo”. 

Hướng làm ăn của Pả Riên trong thời gian tới là đầu tư mua máy xay xát vừa phục vụ bà con dân bản, vừa kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Trăn trở lớn nhất của Pả Riên bây giờ là làm sao có con đường vào rẫy thuận lợi để giúp bà con bớt khó khăn hơn.

Ngoài việc giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, ông Pả Riên còn là một hạt nhân tiêu biểu của bản Hà trong công tác đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở. Ông vận động bà con chấp hành tốt đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; răn dạy lớp thanh niên dân bản chăm lo làm ăn, tránh xa ma tuý, không rượu chè bê tha. 

Theo ông Lê Bá Minh, Trưởng Công an xã Tân Thành, bản Hà là địa bàn sạch về ma tuý, không có tệ nạn xã hội, tình hình an ninh trật tự luôn được giữ vững ổn định cũng chính nhờ những cá nhân như ông Pả Riên. Già làng Hồ Đối cũng cho biết: "Pả Riên là điển hình làm ăn kinh tế của bản Hà, không chỉ giúp dân bản xoá đói giảm nghèo, mà còn vận động bà con chấp hành pháp luật, tránh xa tệ nạn, xây dựng bản làng ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng nông thôn mới".

Không chỉ ở bản Hà, hiện nay cây lúa của Pả Riên đã bén rễ đơm bông ở nhiều bản làng của huyện Hướng Hoá, cùng với các loại cây trồng, vật nuôi khác đưa cuộc sống của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô thoát khỏi đói nghèo. Câu chuyện thoát nghèo, giữ gìn an ninh trật tự sẽ còn được nhiều cá nhân như Pả Riên viết tiếp trên dãy Trường Sơn.

Nông dân xã nghèo hiến hơn 50.000m2 đất làm đường

Xã Tiên Sơn là một trong 3 xã điểm được chọn xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Sau 4 năm triển khai xây dựng NTM, dự kiến xã Tiên Sơn sẽ về đích cuối năm 2015. Đó là nhờ vào sự đồng thuận của nhân dân, đặc biệt là việc hiến 50.000m² để mở đường bê tông rộng thoáng đến từng thôn, xóm, thay cho những con đường đất đỏ lầy lội...

Ông Cao Văn Lê, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Sơn cho biết, qua 4 năm xây dựng NTM, nguồn vốn Trung ương, tỉnh và huyện đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương hơn 32 tỷ đồng; đến nay đã bê tông hóa được 16,33km đường trục xã, trục thôn, đường ngõ xóm và đường nội đồng; đặc biệt là việc người dân tham gia hiến hơn 50.000m² đất cùng hàng ngàn cây cối, cây ăn quả để giải phóng mặt bằng làm đường giao thông nông thôn. 

Điển hình, gia đình ông Lê Văn Mai (52 tuổi, trú thôn 5, Tiên Sơn), một hộ nghèo song đã có nghĩa cử cao đẹp, hiến 5.000m² đất vườn. Ghi nhận đóng góp của ông Mai, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng NTM.

 An Khang

Ngọc Oanh - Ngọc Thuỳ
.
.
.