Mỗi người dân khu phố cổ đều phải làm du lịch

Thứ Ba, 24/02/2015, 09:20
Trong những ngày đầu năm Ất Mùi, du khách từ nhiều nơi trong cả nước và khách quốc tế đã có một trải nghiệm thú vị tại khu phố cổ Hà Nội. Tuy nhiên, để đẩy mạnh du lịch phố cổ cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của chính quyền, cũng như sự tham gia tích cực của cư dân.

Việc thành lập Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội là dấu mốc mới trong quá trình đẩy mạnh giao lưu văn hóa, cũng như tăng cường tiềm năng du lịch tại khu phố cổ Hà Nội.

Ai cũng biết, khu phố cổ là một trong những đặc trưng của Thủ đô, nơi hội tụ tinh hoa đất Việt. Khu vực phố cổ Hà Nội hiện có 121 công trình, di tích đền, chùa, miếu và hơn 1.000 công trình nhà ở có giá trị.

Trong số này có hơn 200 công trình nhà ở có giá trị đặc biệt. Có những di tích nổi tiếng từ lâu thu hút được nhiều khách tham quan như ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào, đền Bạch Mã, đình Kim Ngân 40-42 Hàng Bạc thờ tổ nghề kim hoàn…

Từ lâu, du lịch tham quan khu phố cổ đã được TP Hà Nội đẩy mạnh khai thác thông qua dịch vụ xe điện từ dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Cùng với đó là việc triển khai thêm 6 tuyến phố đi bộ là Hàng Buồm, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Mã Mây, Đào Duy Từ, Tạ Hiện vào cuối tuần từ tháng 10/2014 (ngoài tuyến phố Hàng Đào, Hàng Đường, Đồng Xuân).

Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá giới thiệu nghề, sản phẩm thủ công truyền thống, tổ chức trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian như múa rối, hát tuồng, chầu văn hằng tuần, nhằm mang tới cho du khách thêm thông tin và hiểu biết về khu phố cổ độc đáo của Thủ đô.

UBND quận Hoàn Kiếm cũng tính đến việc phát triển Trung tâm Thương mại Hàng Da (Hàng Da Galleria) thành một điểm mua sắm, tham quan, trình diễn nghệ thuật truyền thống và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề kết hợp với thưởng thức ẩm thực.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, sản phẩm du lịch văn hóa ở phố cổ Hà Nội có rất nhiều, nhưng vẫn còn khá nhiều tồn tại. Điển hình là tệ chèo kéo khách.

Những khách du lịch từ phương xa không khỏi khó chịu trước cảnh dăm ba người bán rong níu kéo, cố gắng bán hàng (giá cao) bằng thứ tiếng Anh giả cầy. Chưa kể trộn lẫn trong đó là hàng rởm, hàng mỹ nghệ kém chất lượng, khiến du khách có thêm cái nhìn thiếu thiện cảm về Thủ đô nghìn năm tuổi.

Đặc biệt, nạn móc túi hành khách đã khiến nhiều du khách “một đi không trở lại” Hà Nội. Ngay mùng 3 Tết, Công an đã bắt được một đối tượng bán bưu thiếp trộm cắp ví của du khách Hàn Quốc ngay gần hồ Hoàn Kiếm.

Thêm nữa, du lịch phố cổ chưa được kết nối và thông tin chưa đến được với các công ty lữ hành. Giám đốc một công ty du lịch nói: “Hiện tại có rất nhiều điểm bán hàng trong phố cổ, nhưng doanh nghiệp lữ hành chúng tôi không có thông tin đâu là cửa hàng đạt chuẩn”.

Ông này nhấn mạnh: Một số điểm di tích rất hấp dẫn đã được bảo tồn, song không có thuyết minh viên điểm đến bằng tiếng nước ngoài hỗ trợ du khách.

Để khai thác du lịch phố cổ một cách bài bản và hiệu quả hơn, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết, năm nay quận tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu du lịch khu phố cổ Hà Nội, triển khai các dự án trùng tu công trình có giá trị, khôi phục phố nghề, đình thờ tổ nghề, tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch, hỗ trợ xây dựng các tour, tuyến điểm, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đến với du khách.

Tuy nhiên, điểm chính của việc hút khách đến phổ cổ lại nằm ở yếu tố con người. Từ những người bán hàng rong, đến hướng dẫn viên du lịch hay chính những người dân khu phố cổ. Phải làm sao để mỗi người dân phố cổ đều làm du lịch, trở thành một hướng dẫn viên du lịch cho khách phương xa.

Cũng như mỗi người dân phố cổ đều phải nói “Không” với nạn chèo kéo, ép mua hàng, tâng giá, bán hàng giả. Và mỗi người dân đều chủ động ngăn chặn tố cáo tội phạm nhằm vào du khách. Có như thế, khu phố cổ mới không còn là “phố khổ”. Cả với du khách lẫn cư dân địa phương.

Diệp Linh
.
.
.