Màu xanh hồi sinh nơi khu rừng chết

Thứ Tư, 25/05/2016, 10:07
Nhiều năm qua, những chiến sĩ của Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) đã chấp nhận gian nan, cực khổ để tái tạo hàng chục hécta rừng có nguy cơ xóa sổ. Việc hồi sinh một khu rừng chết không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái mà còn là tiền đề mở ra con đường làm du lịch bền vững cho địa phương.


Vì màu xanh của rừng

Chỉ cần 10 phút rời trụ sở Hạt Kiểm lâm Bù Đốp, chúng tôi nhanh chóng được ông Nguyễn Văn Ách - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bù Đốp đưa đến một chốt canh nằm trên thượng nguồn sông Đắk Huýt, thuộc lòng hồ thủy điện Cần Đơn. Từ chốt kiểm lâm, một chiếc ca-nô được bố trí đưa chúng tôi hướng về Tiểu khu 72 (xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp). Mùa này, nước hồ trong xanh, khung cảnh hiền hòa, đẹp mơ mộng. Ngồi trên ca-nô có thể nhìn thấy cả một khu rừng xanh bạt ngàn phía trước. 

Chỉ tay về phía khu rừng, ông Ách giải thích: “Tiểu khu 72 là một ốc đảo rộng khoảng hơn 50ha. Trước đây khu vực này bị khai thác trắng phục vụ cho thủy điện Cần Đơn. Nhiều cá nhân, đơn vị đã xin trồng cao su, song chúng tôi kiên quyết xin chủ trương của tỉnh giữ lại”.

Chiếc ca-nô tấp vào bờ. Trước mắt chúng tôi là một khu rừng lồ ô xanh mướt. Sự hài hòa giữa rừng và sông nước cho cảm giác thật yên bình. Ngoài lồ ô, ở đây còn có những cây gáo nước và tràm đang vươn mình phát triển mạnh mẽ. 

Theo lời của ông Ách,  cứ vào  tháng 7 hằng năm, khu vực rìa của ốc đảo thường bị “sa mạc hóa” do Thủy điện Cần Đơn xả nước. Đất bị rửa trôi, xói mòn nên hầu như không có  loài cây nào sống được. Không cam tâm nhìn khu vực này bị hoang hóa, ông Ách cùng đồng đội lặn lội ngược xuôi tìm loài cây trồng phù hợp cho vùng bán ngập. 

Ông Nguyễn Văn Ách, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bù Đốp bên cánh rừng gáo nước bán ngập xanh tươi do đơn vị trồng.

Năm 2011, cây gáo nước và tràm được bắt đầu trồng thử nghiệm vài hécta. Thế nhưng, khi bắt tay vào công việc mới thấy hết được khó khăn. Diện tích đất bán ngập trên các hồ phụ thuộc trực tiếp vào sự điều tiết nước của các nhà máy thủy điện. Có thời điểm nước ngập 2 - 3 tháng, có lúc lại khô cạn nhiều tháng liền, gây nhiều khó khăn cho công việc xuống giống. 

Dù cây tràm và gáo nước có khả năng chịu hạn, chịu ngập tốt, nhưng khi mới trồng cây còn nhỏ, thấp, khả năng chống chọi với nước yếu, chỉ cần nước ngập qua ngọn khoảng 15 ngày liên tục cây sẽ chết.

Để khắc phục khó khăn, ông Ách và đồng đội đã điều chỉnh vị trí, khu vực trồng tràm, gáo hợp lý. Chọn diện tích bán ngập cao trồng trước, cùng với đó ươm giống cây đạt độ cao khoảng 0,5 - 0,7m mới đem ra trồng, nhằm tránh tình trạng cây chết trong mùa thủy điện tích nước. Để có thể chạy đua với thời điểm xả nước của thủy điện, các cán bộ kiểm lâm Bù Đốp phải ngày đêm tranh thủ xuống giống. Cứ như vậy, những khu vực đất trắng đã dần phủ một màu xanh tươi tốt. 

Năm 2012, UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hơn 950 triệu đồng để triển khai trồng rừng bán ngập. Sau 4 năm triển khai, đến nay 72ha tràm và gáo nước đã vươn cao hơn 2,5m và phát triển rất tốt. Diện tích rừng được phục hồi, chim muôn cũng rủ nhau về làm tổ. Mồ hôi, công sức của những chiến sĩ kiểm lâm Bù Đốp đã làm nên màu xanh của rừng.

Mở đường du lịch sinh thái

Chiếc ca-nô lại tiếp tục rẽ sóng. Ngồi trên ca-nô, ông Ách hào hứng nói: “Sự hồi sinh của rừng bán ngập Bù Đốp không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sống mà con tạo tiền đề thuận tiện mở ra con đường làm du lịch cho địa phương.

Để khai thác tốt cảnh quan thiên nhiên cũng như sự đa dạng sinh học của khu rừng bán ngập, ông Ách bắt đầu nghĩ đến việc phát triển ngành “công nghiệp không khói” theo hướng chuyên nghiệp hơn. Theo lý giải của ông Ách, bên cạnh việc đem lại nguồn lợi cho địa phương thì làm du lịch sinh thái còn là cách mượn sức cộng đồng để bảo vệ rừng. Rất may, ý tưởng của ông Ách nhận được sự ủng hộ cao của lãnh đạo huyện Bù Đốp. 

Sau khi cân đối nguồn ngân sách, UBND huyện Bù Đốp đã đầu tư 12 tỷ đồng để nâng cấp mở rộng đường và bãi cầu cho khu du lịch sinh thái trên lòng hồ thủy điện Cần Đơn. Trong đó 3 tỷ dành cho việc nâng cấp 3km đường đất đỏ thành đường nhựa từ ấp 6 đến bến du thuyền trên sông Đắk Quýt và lòng hồ thủy điện Cần Đơn. 9 tỷ đồng còn lại dành cho việc xây dựng bãi cầu để phục vụ khách tham quan ra vào bằng du thuyền.

Hiện trên ốc đảo, Hạt Kiểm lâm Bù Đốp đã cho xây dựng hàng chục ngôi nhà bằng lá, lán trại bằng lồ ô dọc lòng hồ Cần Đơn. Những khu vui chơi, nghỉ dưỡng cho du khách cũng đã được huyện Bù Đốp lên kế hoạch trình UBND tỉnh xem xét triển khai. 

Mặc dù khu du lịch sinh thái Bù Đốp vẫn còn đang trong quá trình xây dựng cơ bản, nhưng trong tương lai, nơi đây sẽ là một trong những điểm du lịch sinh thái quan trọng của tỉnh Bình Phước. 

Huyện Bù Đốp cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch mới lạ, đặc trưng, có tính hấp dẫn cao. Với đầy đủ những yếu tố tiềm năng và điều kiện đặc trưng hiếm có của mình, tin tưởng rằng những ốc đảo nhỏ trong khu rừng bán ngập Bù Đốp sẽ trở thành một địa điểm du lịch sinh thái đầy triển vọng.

Đức Trí - Diệc Quyền
.
.
.