Diễn biến sạt lở đáng lo ngại trên sông Cần Giuộc (Long An):

Mất ăn, mất ngủ vì sợ… “hà bá” (!)

Thứ Sáu, 19/05/2017, 09:40
Nhiều năm nay, hơn 500 hộ dân sống cặp theo sông Cần Giuộc nhất là đoạn qua địa phận thị trấn cùng tên huyện Cần Giuộc (Long An) nơm nớp lo bị “hà bá” kéo tuột xuống sông.

Lãnh đạo Phòng NN&PTNT và chính quyền địa phương lo ngại trước diễn biến sạt lở ngày càng phức tạp
Chủ tịch UBND tỉnh Long An – ông Trần Văn Cần, cho biết tốc độ sạt lở bờ sông đoạn từ rạch Trị Yên đến bến phà Cần Giuộc ngày càng cao, người dân và chính quyền địa phương đã bỏ ra nhiều công sức để chống sạt lở nhưng không mấy hiệu quả.

Rộng và sâu thêm từng ngày(!)

Chiều tối 17-5, PV Báo CAND có mặt tại khu vực nhà lồng chợ cá của chợ Cần Giuộc, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc (Long An). Chỉ cho chúng tôi dấu hiệu sạt lở nghiêm trọng có thể xảy ra khi thấy khoảng cách vách tường 2 căn nhà tại địa chỉ 66 và 68 đường Thống Chế Sỹ, khu phố 1 ngày càng cách nhau xa, một cán bộ thị trấn cho biết thêm: “Hồi trước hai vách này sát nhau, giờ thì căn nhà tại số 68 bị lôi ra hướng sông gần cả mét”.

Nhà lồng chợ cá chợ huyện Cần Giuộc giờ là mặt sông 
Bước ra chiếc cầu tạm bắc ra hướng sông gần đó, ông Nguyễn Ngọc Dũng, 63 tuổi, Trưởng khu phố 1 nói ngay cả nhà lồng chợ cá này cũng đã bị “hà bá” khai tử đến hai lần. “Lần đầu, khu vực nhà lồng chợ cá nằm tuốt ngoài đó nhưng bị sạt lở làm mất nguyên cái nhà lồng. Sau lần đó, mình bỏ tiền ra cất nhà lồng khác nhưng cách nay khoảng 6-7 năm, “hà bá” lại tới… rước đi lần nữa”, chỉ ra hướng sông vị trí cách mé nước hiện tại khoảng 25m, ông Dũng kể thêm.

Anh Lê Phát Phước, một trong những người dân có nhà, đất nằm cặp mé sông Cần Giuộc cho biết, sạt lở hoành hành liên tục nhiều năm qua khiến người dân thị trấn này mất ăn, mất ngủ bởi lo sợ bị thiệt hại tính mạng và tài sản. “Nhà tôi được hơn 300m² đất ven sông. Qua mấy năm sạt lở giờ chỉ còn khoảng 30m²”, giọng anh Phước buồn so.

Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cần Giuộc xác nhận những điều mà ông Dũng và người dân nói và cho biết thêm, cầu tàu cạnh chợ cũng bị “hà bá” lôi tuột xuống sông, ảnh hưởng đáng kể đến việc cập bến của phương tiện thủy lên xuống hàng hóa phục vụ nhu cầu mua bán của người dân. Ở khu phố 2, khu vực gần bến phà Cần Giuộc, sạt lở từng kéo xuống sông cùng lúc 8-9 căn nhà…

Hiện trường một vụ sạt lở cách nay chưa lâu. Ảnh chụp mé sông khu vực chợ Cần Giuộc 

Chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Mến, nằm cách bến phà Cần Giuộc khoảng 50m. Đứng bên thềm nhà bị sụt lún với kẽ hở có thể lọt cả bàn chân, ông Mến nói: “Đất của gia đình tôi bị lở ngoạm sâu vào tính từ bờ sông trước đây khoảng 40 - 50m. Chỗ lở sâu khoảng 20m, tàu lớn chạy vô sát đây chẳng bị vướng gì. Chúng tôi đã có tới 6-7 lần dời nhà. Hồi trước, nhà còn đơn giản, dời cũng tiện, giờ nhà bê tông, nếu lở chắc bỏ luôn”.

PV Báo CAND trò chuyện với ông Trần Văn Mến – hộ dân bị “hà bá” nuốt khá nhiều đất 

Ông Chung Văn Cái, nguyên cán bộ xã Phước Lại (hiện là nhân viên Công ty CP Dịch vụ Cần Giuộc – đơn vị khai thác bến phà Cần Giuộc) cho biết, không chỉ diễn ra ở phía bờ thị trấn Cần Giuộc, đối diện đó là xã Phước Lại và Long Hậu (cùng thuộc huyện Cần Giuộc) sạt lở vẫn xảy ra liên miên. Theo lời ông Cái, cách nay chưa lâu đã xảy ra sạt lở làm 6 căn nhà ở ấp 4, xã Long Hậu tuột xuống sông; người dân đang sống trong hàng chục căn nhà khác cạnh đó phải di tản khẩn cấp.

Từng có 33 năm công tác trong ngành nông nghiệp tại địa phương, ông Đặng Văn Công, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cần Giuộc cho biết: “Bị sạt lở liên tục, bờ sông ngày càng dang rộng ra hai bên, có nơi thêm sáu bảy chục mét, làm sông đoạn này rộng lên khoảng 160m. Lúc chưa có phà, nhiều người dân đi nhậu ban đêm, lỡ chuyến đò ngang, còn dám lội qua để về nhà. Giờ thì sông vừa rộng, lại vừa sâu chẳng mấy ai dám”.

Ông Trần Văn Mến với những cây mắm chống sạt lở

Được hỏi nguyên nhân sạt lở, chính quyền địa phương nói chưa có khảo sát, kết luận nào nhưng theo một số người dân, tình trạng sạt lở ngày càng tăng “có thể là do có sự thay đổi dòng chảy, nhất là từ khi có xây đập Trị Yên gần ngã ba sông Cần Giuộc” (!).

Cần một công trình

Ông Đặng Văn Công, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cần Giuộc cho biết, trước diễn biến của nạn sạt lở ngày càng phức tạp, nhiều năm rồi người dân và chính quyền địa phương rất quyết liệt để… chống “hà bá”. “Tuy nhiên, cuộc chống chọi ấy đã quá tầm của người dân. Bây giờ hễ thấy hiện tượng sạt lở sắp xảy ra, bà con chủ động rời khỏi nhà. Hơn 500 hộ dân đang sinh sống, kinh doanh ổn định giờ đều chung một nỗi lo nếu không có giải pháp kịp thời, chợ Cần Giuộc và nhà cửa của bà con có khi chỉ còn trong câu chuyện kể”, ông Công băn khoăn.

Khu vực bến Phà Cần Giuộc cũng là nơi diễn ra sạt lở thường xuyên

Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết tốc độ sạt lở bờ sông khu vực này (đoạn từ rạch Trị Yên đến bến phà Cần Giuộc) ngày càng cao và đây là một trong những điểm “nóng” về sạt lở của tỉnh. Người dân và chính quyền địa phương đã bỏ ra nhiều công sức để chống sạt lở nhưng không mấy hiệu quả, trong khi đó, hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy nguy cơ sạt lở lớn, gây ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân.

Chủ những căn nhà này luôn lo sợ “hà bá” 

“Căn cứ vào kết luận và khuyến nghị sau chuyến khảo sát thực tế của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 9-5 vừa qua, UBND tỉnh đã ký tờ trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí khoảng 170 tỷ đồng để tỉnh xây dựng kè nhằm chống sạt lở bờ sông, bảo vệ nhà cửa dân cư bên trong, ổn định cuộc sống cho khoảng 500 hộ dân ven sông và các công trình hạ tầng, công cộng, tôn giáo... Công trình được xây dựng hoàn thành sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho người dân thị trấn nói riêng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho cả huyện, đồng thời đảm bảo được thích ứng với biến đổi khí hậu khi nước biển dâng…”, Chủ tịch Trần Văn Cần nói thêm.

Thái Bình
.
.
.