Mạng xã hội sẽ là “đích ngắm” mới của tội phạm trong năm 2015

Chủ Nhật, 01/02/2015, 10:47
Theo Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50), Bộ Công an, Việt Nam có khoảng 25 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm gần 1/3 dân số. Với lượng người sử dụng khổng lồ như vậy, đây sẽ còn là "mảnh đất màu mỡ" để tội phạm mạng thực hiện các hành vi phạm tội trong năm 2015.

Thượng tá Lê Xuân Minh, Trưởng phòng II, Cục C50 cho biết: Trong năm 2014, trên mạng xã hội Facebook tại Việt Nam đã xuất hiện một số hình thức lừa đảo, chiếm đoạt nick của hacker bằng cách tung ra những hình ảnh, ứng dụng chứa mã độc...; hoặc lợi dụng tính năng thay đổi tiêu đề của link chia sẻ, kẻ lừa đảo đã đánh vào sự tò mò, đưa ra những nội dung hấp dẫn để dụ dỗ người dùng bấm vào.

Khi người dùng bấm vào đường link sẽ báo lỗi truy cập và đề nghị nhập lại tài khoản Facebook, hoặc phải cài thêm plugin để xem. Và ngay sau khi cài đặt thành công, máy tính của người dùng sẽ bị nhiễm virus và tài khoản Facebook có thể bị chiếm đoạt.

Thủ đoạn cướp nick Facebook, giả mạo người thân nhờ mua thẻ cào điện thoại hay lừa trúng thưởng, chuyển tiền tuy không mới nhưng vẫn có nhiều người mắc bẫy. Trong năm 2014, với các thủ đoạn này, đã có nạn nhân bị chiếm đoạt với số tiền lên tới trên 300 triệu đồng.

Thông báo khách hàng may mắn lọt vào danh sách trúng thưởng -một thủ đoạn lừa đảo mới trên mạng xã hội đầu năm 2015.

“Năm 2015, các thủ đoạn lừa đảo trên các mạng xã hội sẽ tiếp tục gia tăng khi mà số người dùng mạng xã hội tại Việt Nam đã gần tiệm cận con số 30 triệu người”- Thượng tá Lê Xuân Minh cảnh báo.

Cũng theo Thượng tá Lê Xuân Minh, trong năm 2015, tình hình mất an toàn an ninh thông tin sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp khi tại Việt Nam đã xuất hiện một số loại virus siêu đa hình, khi lây nhiễm có thể tự động biến đổi để tránh sự phát hiện của các phần mềm diệt virus; nhiều phần mềm gián điệp hoạt động ngầm được điều khiển từ xa có khả năng quét, tìm và khai thác các lỗ hổng bảo mật.

Các phần mềm này có khả năng lấy cắp mọi thông tin lưu trong máy tính, phá hủy dữ liệu, ghi âm thanh, lấy thông tin mật khẩu, thông tin cá nhân, chụp ảnh màn hình hoặc tự động bật webcam… và gửi tất cả dữ liệu thu được cho hacker qua thư điện tử. Đặc biệt, hiện môi trường mạng đang tràn lan các phần mềm, ứng dụng miễn phí, chưa qua kiểm duyệt của các cơ quan chức năng. Khi người sử dụng kích hoạt vào các đường link tải về, mã độc “nhúng” trong các phần mềm, ứng dụng này sẽ tự động lây lan vào máy tính. Khi máy tính bị nhiễm mã độc, mỗi máy tính trên sẽ bị huy động vào hệ thống máy tính ma (botnet).

Với hệ thống mạng mà hơn 36 triệu người sử dụng, chiếm 1/3 dân số và 20 triệu người sử dụng điện thoại thông minh kết nối mạng thì kẻ tấn công có thể huy động hệ thống trên với sức mạnh khổng lồ để tiến hành các cuộc tấn công mạng quy mô toàn cầu mà người sử dụng không hề hay biết.

“Năm 2015, tội phạm mạng cũng sẽ phát triển theo chiều hướng nguy hiểm. Thay vì tấn công vào người sử dụng máy tính nhằm trộm cắp thông tin cá nhân, tội phạm mạng sẽ chuyển hướng tấn công vào các ngân hàng bằng cách phát triển những phần mềm độc hại mới mà mục tiêu của chúng là tấn công vào hệ thống thanh toán, các máy ATM, các lỗ hổng bảo mật xuất hiện dẫn đến các cuộc tấn công mạng xảy ra trong tương lai”- Thượng tá Lê Xuân Minh chia sẻ.

Huyền Thanh
.
.
.