Lực lượng Công an tích cực phối hợp, tham gia phòng chống dịch

Thứ Ba, 28/05/2019, 08:27
Như Báo CAND đã thông tin, Cần Thơ là địa phương thứ sáu (sau Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp) của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) công bố dịch tả lợn châu Phi. Người dân nuôi lợn tại ĐBSCL đang lo lắng như ngồi trên đống lửa.


Những ngày này, tại các vùng nuôi xảy ra dịch bệnh, ngành chức năng cũng như người dân tập trung cao độ với kỳ vọng cô lập dịch, dập dịch và không để dịch lây lan ra nơi khác.

Họp khẩn trong đêm chống dịch

Ba ổ dịch tả lợn châu Phi mà ngành chức năng của TP Cần Thơ vừa phát hiện và công bố xảy ra tại các hộ chăn nuôi lợn thuộc phường Phú Thứ và phường Thường Thạnh (cùng quận Cái Răng) và phường Long Hòa (quận Bình Thủy). Tổng số lợn bị nhiễm dịch và đã buộc tiêu hủy trên 140 con.

Cũng giống như các hộ nuôi có lợn bị nhiễm dịch tại TP Cần Thơ, hộ nuôi Đinh Thanh Hồng (ngụ phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên, An Giang) cho biết, vào ngày 12-5, ông phát hiện 2 lợn nái sốt và bỏ ăn, 23 lợn con theo mẹ chết. Ban đầu, ông Hồng không báo cán bộ thú y, mà tự chôn cất mấy con lợn con và gọi thương lái đến bán lợn nái.Đến ngày 19-5, 27 con lợn còn lại tiếp tục sốt và bỏ ăn. Đến khi đó, gia đình mới báo cán bộ thú y. Chiều 21-5, ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả, ngành chức năng tiêu huỷ 27 toàn bộ đàn nuôi và thực hiện các biện pháp khẩn cấp chống dịch.

Ngay trong đêm, Ban chỉ đạo tỉnh An Giang họp khẩn, lập chốt chặn hai đầu ổ dịch, khoanh vùng bán kính 3km, tuyên truyền hộ chăn nuôi thực hiện “5 không”. Theo ngành chức năng, nguyên nhân dịch bệnh từ nguồn thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt do hộ nuôi lấy về tại quán ăn, nhà hàng.

Lực lượng chức năng Vĩnh Long tiêu hủy lợn nhiễm bệnh.

Tại Vĩnh Long, diễn biến dịch được ghi nhận mức độ phức tạp, khi ngày 20-5, tại hộ nuôi Phạm Nhựt Cường (khóm 1, phường 8, TP Vĩnh Long), phát hiện với đàn lợn nhiễm bệnh 22 con. Tối hôm sau, ổ dịch thứ 2 được phát hiện tại hộ nuôi Nguyễn Thanh Dũng (khóm 6, phường 5). Ngành chức năng Vĩnh Long khẩn trương thực hiện các biện pháp khống chế dịch.

3 ngày sau, ổ dịch mới được phát hiện tại hộ nuôi Lê Văn Ẩn (ngụ xã Bình Phước, huyện Mang Thít). Tại 3 ổ dịch, ngành chức năng tiêu huỷ trên 140 con. Theo ông Hồ Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phước (huyện Mang Thít), lực lượng chức năng tiêu hủy ngay trong vòng 24 giờ, cho tiêu độc khử trùng bán kính 3km. 

Nhiều hộ nuôi lợn tại ĐBSCL cho biết, trước đây, chỉ nghe dịch tả lợn qua phương tiện truyền thông và tuyên truyền của cán bộ thú y nên khá chủ quan.

Đến khi đàn nuôi có biểu hiện sốt, bỏ ăn và chết hàng loạt mới hoảng sợ vì dịch đến nhanh, khốc liệt và đàn nuôi chết 100%. Hộ nuôi Nguyễn Thanh Dũng cho biết, trước đây, đàn lợn của ông chủ yếu ăn thức ăn thừa. Thấy đàn nuôi phát triển bình thường nên chẳng ai nghỉ rằng dịch lại xảy ra chính nơi mình nuôi.

Ông Lê Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Long cho biết, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng thức ăn thừa chưa qua nấu chín cho đàn lợn của mình ăn, trong khi đây là một trong những nguy cơ chủ yếu dẫn đến dịch bệnh. Hơn lúc nào và hơn ai hết, người chăn nuôi phải nhận thức rõ, hiểu rõ tác hại và thiệt hại mà bệnh dịch gây ra để chủ động với ngành chức năng ngăn ngừa, chống dịch.

Tích cực phòng chống dịch, kéo giảm thiệt hại

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết, sau khi phát hiện các ổ dịch tại quận Cái Răng và Bình Thuỷ, địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo do một Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban. Hiện nay, các tỉnh giáp với Cần Thơ như: Hậu Giang là Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và Đồng Tháp đều đã có dịch.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Hiệp, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng CSGT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc, đơn vị cùng với lực lượng Cảnh sát môi trường phối hợp với ngành Thú y kiểm tra chặt chẽ các phương tiện vận chuyển gia súc qua địa bàn thành phố, đặc biệt trên tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 61, quốc lộ 91… và vùng giáp ranh, nơi có dịch để ngăn chặn dịch bệnh. Các phương tiện vận tải dưới hệ thống sông rạch đi qua địa bàn cũng bị siết chặt.

Tại Hậu Giang, nơi xảy ra dịch đầu tiên tại ĐBSCL, người nuôi đã chịu thiệt hại nặng nề. Đến nay có 12 ổ dịch được phát tại 12 hộ chăn nuôi của 5 xã thuộc huyện Vị Thủy, Châu Thành và thị xã Ngã Bảy, tổng số đàn nuôi tiêu huỷ hơn 1.000 con. Giá lợn hơi khi chưa có dịch ở mức 42.000-45.000 đồng/kg, sau đó giảm 38.000 đồng và xuống còn 32.000 đồng/kg. Sản lượng tiêu thụ giảm mạnh do ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu cho biết, tỉnh yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc bằng nhiều biện pháp từ kỹ thuật, chuyên môn cũng như hành chính tập trung dập dịch, khống chế dịch và không lan ra các địa điểm khác. Người dân tích cực hỗ trợ chính quyền trong khâu xử lý dịch bệnh, chôn lấp lợn nhiễm bệnh.

Lãnh đạo TP Cần Thơ kiểm tra công tác chống dịch trên đàn nuôi ở quận Thốt Nốt.

Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, với đặc điểm đường biên giới dài, Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các trạm kiểm soát tăng cường kiểm tra các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép và tuyên truyền người dân khu vực biên giới nâng cao nhận thức phòng, chống dịch bệnh hiện nay.

Dịch tả được phát hiện tại 4 hộ nuôi ở ấp Chiến Thắng (xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng), với tổng đàn 187 con, trong đó có 117 lợn rừng và 70 lợn nhà. Sau 4 ổ dịch tại xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng tiếp tục phát hiện 5 ổ dịch tại các hộ nuôi của xã Thông Bình, với số lợn nhiễm bệnh hơn 50 con.

Thượng tá Văn Vũ Quốc Khương, Trưởng Công an huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) cho biết, trên địa bàn có 3 chốt kiểm dịch đặt tại xã Tân Phước kiểm soát các phương tiện theo hướng giáp ranh với tỉnh Long An.

Hai chốt còn lại đặt tại xã Tân Hộ Cơ trên tuyến quốc lộ 30 và tuyến đường nông thôn liên xã. Lực lượng Công an huyện bố trí cán bộ tham gia chốt kiểm dịch, kiểm soát phương tiện vận chuyển gia súc, phun thuốc tiêu độc khử trùng, tiêu huỷ lợn nhiễm bệnh, dập dịch.

“Mầm bệnh được phát hiện tại hai xã biên giới ở Tân Hộ Cơ và Thông Bình được nhận định, do phương tiện vận chuyển gia súc từ các tỉnh phía Bắc vào và nguồn thức ăn chưa qua xử lý nhiệt. Ban đầu, dịch bệnh được phát hiện trên heo rừng lai, sau đó mới phát hiện trên lợn nuôi. Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai các biện pháp chống, dập dịch”, Thượng tá Văn Vũ Quốc Khương nói.

Tỉnh Đồng Tháp hiện đã thành lập 14 trạm, chốt kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương yêu cầu, lực lượng Công an và Bộ Chỉ huy Quân sự phối hợp với ngành Thú y lập các chốt kiểm soát trực 24/24h.

Tăng cường kiểm tra các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm bằng đừng bộ, đường thủy… Theo Chi cục Thú y vùng VII, số lợn chết và tiêu hủy khoảng 2.000 con với tổng trọng lượng phải tiêu hủy 111 tấn.

Theo ghi nhận của PV Báo CAND, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đang tích cực triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn dịch bệnh. Có hơn 70km quốc lộ 1 qua 5 huyện, thị xã, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát các phương tiện từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh, thành ĐBSCL và ngược lại, nhằm ngăn chặn triệt dịch tả có thể xâm nhập.

Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau cũng chủ động, ngăn ngừa dịch bệnh vì các tỉnh lân cận đều đã có dịch tả lợn châu Phi. Chiều 25-5, sau khi Cần Thơ công bố dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm triệu tập cuộc họp khẩn, triển khai các biện pháp ứng phó nhanh và tăng cường kiểm soát 24/24h tại các chốt kiểm dịch trên quốc lộ 53, 54 và quốc lộ 60, cửa ngõ vào Trà Vinh.


Văn Vĩnh
.
.
.