"Lời ru buồn" ở tuổi 15

Thứ Năm, 21/04/2016, 09:26
Đang học lớp 6 bỏ về nhà lấy chồng, trường trung học cơ sở mỗi năm có trên dưới 10 em bỏ học để kết hôn, những ông bố, bà mẹ tuổi 10X... đang là thực trạng đem lại nhiều hệ lụy buồn ở huyện Bảo Lâm, Cao Bằng...

Cách trung tâm thành phố Cao Bằng 186km, xóm Nà Luông, xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm hiện lên như một chấm nhỏ bé xíu giữa núi non trùng điệp. Xóm Nà Luông 100% là người dân tộc Mông, cái đói cái nghèo bao đời nay vẫn đeo đẳng bà con nơi đây. Trong đó nạn tảo hôn là một thực trạng buồn như một tập quán nơi này.

Chúng tôi tìm đến vợ chồng Hoàng Thị Mình và Vương Văn Gia. Đôi vợ chồng này đều sinh năm 2001 nhưng đã kết hôn được gần một năm. Nói là vợ chồng nhưng vì chưa đủ tuổi nên 2 người chưa đăng kí kết hôn. Mình nói cô lấy chồng năm 14 tuổi, chúng tôi hỏi Mình “sao lại lấy chồng sớm mà không đi học”, cô trả lời một cách ngượng ngùng “ Mình không biết nữa, lúc đó còn trẻ con biết gì đâu, được người ta rủ về nói là về làm vợ nên cứ về thôi”. Còn chồng của Mình là anh Vương Văn Gia chỉ học đến lớp 6 rồi nghỉ học ở nhà đi làm nương cùng gia đình.

Vợ chồng Hoàng Thị Mình, Vương Văn Gia và các con.

Được biết, trên địa bàn xã Quảng Lâm có nhiều cặp vợ chồng tuổi con nít như Mình và Gia. Thầy Đàm Mạnh Khởi, Hiệu trưởng trường phổ thông bán trú THCS Quảng Lâm chia sẻ: "Năm học 2014 - 2015, trường có 10 em bỏ học thì có đến 7 em bỏ học để lấy chồng lấy vợ. Từ đầu năm 2016 đến nay, có 6 em bỏ học về bản lấy chồng".

“Nhà trường đã tích cực đến từng nhà của các em học sinh để thuyết phục cho các em và gia đình hiểu, nhưng các em không chịu trở lại trường, đến nhiều lần có em còn dọa tự tử” - thầy Đàm Mạnh Khởi buồn rầu cho biết thêm.

Được biết tảo hôn là tập quán tồn tại từ nhiều năm nay ở Cao Bằng nói chung và các bản người dân tộc Mông nói riêng. Do cuộc sống khép kin bởi yếu tố địa lý, thanh thiếu niên ít có cơ hội giao lưu với cộng đồng, nên không có cơ hội mở mang  hiểu biết, điều kiện thụ hưởng văn hóa, giải trí ở địa bàn còn thấp nên nhiều em cứ đến tuổi dậy thì đã tính chuyện lấy chồng, lấy vợ.

Ông Hoàng Văn Tinh, Chủ tịch UBND xã Quảng Lâm cho biết: "Về mặt chủ quan, nhiều gia đình coi việc con cái lấy vợ, lấy chồng sớm là trong nhà có thêm nguồn nhân lực để lao động, nên mặc nhiên tổ chức cho con cưới tảo hôn trong khi các em chưa được trang bị kiến thức pháp luật, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản một cách đầy đủ, nhiều em đua đòi, chơi bời, thiếu kiến thức về sinh hoạt tình dục an toàn, dẫn tới có thai ngoài ý muốn và bắt buộc phải làm đám cưới để hợp thức hóa cái thai".

Ông Hoàng Văn Tinh, Chủ tịch UBND xã Quảng Lâm: Nếu chính quyền ra mức xử phạt lại sợ bà con hiểu nhầm, gây thù hằn, mất đoàn kết.

Bên cạnh đó, xuất phát từ tập tục truyền đời, cha mẹ sắp đặt lấy vợ, chồng cho con cái để gia đình có thêm nhân lực lao động. Đồng thời, do bà con hạn chế nhận thức, tâm lý ngại thay đổi, và cũng do một phần của các em cũng chưa nhận thức rõ về việc kết hôn sớm, biết việc kết hôn sớm là khó khăn và vi phạm luật nhưng do gia đình ép phải lấy vợ lấy chồng sớm để về giúp lao động.

Một điều nghịch lý ở Quảng Lâm là người con gái hay con trai nào đó ở độ tuổi 17 đến 19 tuổi mà chưa lập gia đình thì dân bản đã cho rằng người đó là xấu tính nên mới không ai lấy. Khi được hỏi thì ông Lý Sáu Páo ở xóm Tổng Chảo nói lẩm bẩm “Tuổi 17 đến 19 không đi lấy vợ lấy chồng thì đứa đấy nó xấu tính lắm, nó phải sống với bố mẹ cả đời thôi”.

Ngăn chặn nạn tảo hôn ở Quảng Lâm không dễ bởi nó đã ăn sâu bén rễ như một tập quán. "Khi cán bộ dân số địa phương đến nơi tuyên truyền, vận động thì họ lại tìm cách trốn tránh, ngăn cản với những lý do không thể hoãn cưới. Nếu chính quyền ra mức xử phạt lại sợ bà con hiểu nhầm, gây thù hằn, mất đoàn kết" - ông Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Tinh chia sẻ.

Thầy Đàm Mạnh Khởi, Hiệu trưởng trường phổ thông bán trú THCS Quảng Lâm chia sẻ: "Từ đầu năm 2016 đến nay, có 6 em bỏ học về bản lấy chồng".

Bà Hoàng Thị Đấy, cán bộ làm công tác dân số của xã Quảng Lâm nói: "Tuyên truyền, vận động thôi nhưng không dễ đâu. Vì làm căng, chúng nó lại dọa ăn lá ngón tự tử". Trong thực tế ở Quảng Lâm đã từng có em vào rừng ăn lá ngón tự tử vì gia đình, nhà trường và chính quyền không cho cưới!? Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, cơ thể phát triển chưa hoàn thiện nhưng nhiều em gái ở Quảng Lâm đã mang thai, sinh con dẫn đến tình trạng thai suy dinh dưỡng, đẻ non kéo theo nhiều bệnh tật khác cho cả mẹ và con. Cái vòng luẩn quẩn này không biết bao giờ mới có lối ra...

Thanh Tầm – Văn Tu
.
.
.