Lỗi chủ quan gây ra sự cố thủy điện khiến 2 người chết và mất tích

Thứ Năm, 30/11/2017, 08:23
Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng kết quả giám định, đánh giá nguyên nhân sự cố thủy điện Sông Bung 2 – nơi đã xảy ra sự cố vỡ hầm dẫn dòng vào tháng 9-2016 khiến 1 công nhân tử vong và 1 người khác mất tích.

Theo miêu tả sự cố tại báo cáo này, từ đầu tháng 9 cho đến ngày 13-9, thời điểm sự cố xảy ra, trong hầm dẫn dòng của thủy điện sông Bung đã có hiện tượng rò rỉ nước về phía hạ lưu.

Tư vấn, nhà thầu thi công, nhà thầu cung cấp thiết bị đã tích cực khắc phục rò rỉ, nhưng đến ngày 13-9, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4, khu vực công trình có mưa lớn và lũ kéo dài trên khu vực hồ chứa khiến nước dâng lên nhanh. Lúc đó, các đơn vị liên quan đã đắp đê quai hạ lưu để chuẩn bị đổ bê tông nút hầm dẫn dòng thì phát hiện tình trạng nước chảy từ hầm ra khá lớn, gây ngập hạ lưu.

Chủ đầu tư đã chủ động phá dỡ đê quai để thoát nước. Sau đó, có tiếng nổ lớn và luồng khí mạnh thoát từ cửa ra hạ lưu đường hầm dẫn dòng, kèm theo lượng nước lớn thoát ra, cuốn theo một số thiết bị thi công, một số ôtô con và 2 công nhân vận hành máy đào mất tích.

Ngoài ra, theo báo cáo của địa phương, có 2 ngôi nhà bị cuốn trôi toàn bộ, 1 ngôi nhà bị đổ sập. Tổng kết thiệt hại sự cố, có 1 công nhân tử vong, 1 công nhân mất tích, đến nay vẫn chưa có thông tin; thiệt hại về vật chất khoảng 40 tỷ đồng, không kể thiệt hại do chậm phát điện. Do sự cố hầm dẫn dòng này, tiến độ phát điện của dự án bị chậm lại 1 năm.

Kết luận nguyên nhân dẫn đến sự cố, Bộ Công Thương đánh giá, nguyên nhân chủ yếu là do công tác thiết kế. Kết cấu tháp van hầm dẫn dòng là kết cấu chịu lực quan trọng, phức tạp, nhưng tư vấn thiết kế không thực hiện tính toán kết cấu ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật. Ở giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công, tư vấn thiết kế có tính toán nhưng phương pháp tính toán chưa phù hợp nên vẫn thiếu cốt thép chịu lực trụ pin tháp van hầm dẫn dòng. Đối với bê tông hầm dẫn dòng, trên bề mặt một số vị trí thấy xốp, rỗ…

Trên cơ sở các kết quả tính toán, tư vấn kiểm định đã loại bỏ các nguyên nhân khách quan (mưa, lũ, tích nước hồ muộn so với tiến độ...), đi đến kết luận sự cố công trình là do nguyên nhân chủ quan, trong đó nguyên nhân trực tiếp là do chất lượng thiết kế và thi công công trình hầm dẫn dòng không đạt yêu cầu.

Về trách nhiệm của chủ đầu tư (EVN và GENCO2), Bộ Công Thương xác định, EVN chịu trách nhiệm với chức năng là chủ đầu tư về xây dựng và quản lý chất lượng xây dựng công trình; EVN GENCO2 chịu trách nhiệm với chức năng là chủ đầu tư giai đoạn đóng cổng, tích nước. 

Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án thủy điện Sông Bung 2 ngoài chức năng là đại diện chủ đầu tư còn đảm nhận nhiệm vụ tư vấn giám sát xây dựng công trình hầm dẫn dòng thi công, quản lý chất lượng thi công xây dựng hầm dẫn dòng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo thiết kế, đã không phát hiện những sai sót, bất hợp lý về thiết kế để kịp thời điều chỉnh hoặc yêu cầu tư vấn thiết kế điều chỉnh; nghiệm thu công tác thi công bê tông cốt thép trụ pin hầm dẫn dòng khi chưa đảm bảo yêu cầu thiết kế.

Bộ Công Thương cho rằng, sự cố đã gây dư luận không tốt trong xã hội liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình thủy điện nói riêng và ngành điện nói chung.

Ngoài việc đòi bồi thường thiệt hại theo hợp đồng với nhà thầu, EVN được yêu cầu tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân, tổ chức có liên quan, đề xuất hình thức kỷ luật là thi hành kỷ luật theo quy định, báo cáo Bộ Công Thương và Thủ tướng. 

Bộ Công Thương cũng điểm mặt trách nhiệm của các nhà thầu tư vấn. Trong đó, liên danh nhà thầu thiết kế PECC3 và Viện Thiế kế Côn Minh Trung Quốc (KHIDI) phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về chất lượng thiết kế xây dựng công trình…

Vũ Hân
.
.
.