Loay hoay chuyện phân loại và xử lý rác thải

Thứ Hai, 17/12/2018, 09:36
Từ cuối tháng 11-2018 vừa qua, TP HCM đã chính thức áp dụng quy định xử phạt đến 20 triệu đồng đối với những hộ gia đình không tiến hành phân loại, lưu giữ rác thải sinh hoạt. Theo quy định này, chính quyền thành phố yêu cầu người dân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.


Rác thải phải phân loại theo 3 nhóm, gồm chất hữu cơ dễ phân hủy; rác thải có khả năng tái sử dụng và các loại rác thải còn lại. Các loại rác phải chứa trong bao bì phù hợp, trong đó túi màu xanh, màu trắng khuyến nghị dùng đựng rác hữu cơ; túi có màu sắc khác chứa chất thải còn lại. Người dân cũng có thể dán nhãn, ghi chữ trên các túi rác để phân biệt.

Để thực hiện quy định này, thành phố cũng yêu cầu đơn vị thu gom sẽ lấy rác theo ngày, xe chuyên chở sẽ phải ghi rõ thu gom chất thải hữu cơ hoặc thu gom chất thải còn lại. Các hộ gia đình, chủ nguồn thải không tự giác thực hiện phân loại rác và đổ rác theo nhóm chất thải, đơn vị thu gom sẽ nhắc nhở. Những trường hợp tái phạm nhiều lần, đơn vị thu gom sẽ thông báo cho chính quyền địa phương lập biên bản xử phạt.

Lãnh đạo TP HCM thị sát công nghệ xử lý của Nhà máy rác - điện.

Quy định rõ ràng như vậy, nhưng đến nay, nhiều người dân vẫn chưa hề hay biết đến việc xử phạt này hoặc cũng không biết phải phân loại rác thải như thế nào, bỏ rác ở đâu… Bà Nguyễn Minh Tú, một người dân ở phường Hiệp Thành, quận 12 cho biết, bà có nghe báo chí thông tin về quy định này nhưng cho đến nay, vẫn chưa được địa phương tuyên truyền hay hướng dẫn gì về cách phân loại, lưu trữ rác cũng như ngày giờ bỏ từng loại rác. 

“Hiện việc bỏ các loại rác của gia đình tôi và những người dân xung quanh vẫn diễn ra như mọi khi; rác thải sinh hoạt của các hộ dân vẫn được bỏ vào những xô, thùng hoặc bao rác tự phát trước nhà; xe đến lấy rác vẫn là loại xe máy kéo theo thùng rác phía sau với các loại rác hỗn hợp được chất lên xe”, bà Tú cho biết.

Về công tác xử lý rác thải của thành phố, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố - ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, hiện trên địa bàn thành phố lượng chất thải rắn sinh hoạt thải ra mỗi ngày đã lên tới 8.900 tấn. 

Lượng rác thải này được xử lý 4 địa điểm, gồm: khu liên hợp xử lý rác Tây Bắc với 3 doanh nghiệp là Vietstar, Tâm Sinh Nghĩa và Công ty Môi trường đô thị thành phố với tổng số lượng xử lý khoảng 2.500 tấn/ngày; số rác thải còn lại được dồn về chôn lấp tại bãi rác Đa Phước bởi bãi rác này có khả năng chôn lấp tới 24 triệu tấn rác và đến nay bãi rác mới tiếp nhận trên 13 triệu tấn. 

Chưa nhắc đến đơn giá xử lý rác thải ở bãi rác Đa Phước cao hơn 3 bãi xử lý rác thải còn lại, việc dồn hơn 2/3 lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày trên địa bàn về bãi rác Đa Phước để “chôn lấp hợp vệ sinh” đã để lại một loạt hệ lụy cho môi trường là ô nhiễm nguồn nước và không khí. 

Đề cập đến vấn đề xử lý rác thải của thành phố, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND thành phố cũng đã phải thừa nhận, thành phố mới xử lý bằng cách đốt được 30%, còn lại là chôn lấp. Do đó thành phố đã yêu cầu các đơn vị xử lý rác thải phải nhanh chóng chuyển sang biện pháp đốt rác, giảm tỉ lệ chôn lấp. Bởi công nghệ chôn lấp dù có hợp vệ sinh, dù tiên tiến đến đâu thì cũng sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

TP Hồ Chí Minh đã đặt mục tiêu đến 2020 phải giảm tỉ lệ chôn lấp xuống dưới 50%. Tại kỳ họp HĐND vào đầu tháng 12 vừa qua, lãnh đạo thành phố thừa nhận thành phố chậm triển khai áp dụng các giải pháp xử lý rác thải tiên tiến; những giải pháp không cần phải tốn công thực hiện phân loại rác tại nguồn hoặc phân loại rác sau khi thu gom như đốt rác để phát điện, ủ rác để sản xuất phân bón hữu cơ… thay thế cho công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tốn kém hiện tại.

Về những công nghệ xử lý rác thải hiện đại, ngoài chôn lấp hợp vệ sinh tại thành phố, trong những năm qua, thành phố vẫn loay hoay tìm kiếm công nghệ “ngoại” và các nhà đầu tư nước ngoài. 

Trong khi đó, vào giữa năm 2017, trong ngày khánh thành Nhà máy điện - rác Gò Cát, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố thông tin, trước thời điểm thành phố đóng cửa bãi rác Gò Cát, từ năm 2001, Nhà máy điện - rác Gò Cát được Hà Lan hỗ trợ xây dựng và đến năm 2005 nhà máy này đã hoàn thành, đưa vào vận hành bằng công nghệ thu khí mê tan từ bãi rác Gò Cát đã đóng cửa để phát điện. Nhà máy được Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư hệ thống hạ tầng lưới điện để hoà vào lưới điện quốc gia với giá bán điện vào năm 2017 là 7,28 cent/kw.

Từ kết quả trên, Công ty Môi trường đô thị thành phố đã phối hợp cùng Công ty TNHH Thủy Lực - Máy tiếp tục thực hiện đề án “Xây dựng nhà máy điện - rác Gò Cát” nhằm biến lượng chất thải rắn công nghiệp rất lớn tại đây thành điện năng. Khác với dự án điện - rác do Hà Lan tài trợ trước đó, dự án xây dựng nhà máy điện - rác của 2 DN trên sử dụng hoàn toàn công nghệ nội địa do Công ty TNHH Thủy Lực - Máy nghiên cứu, chế tạo. Sau một thời gian ngắn xây lắp, tháng 4-2017, dự án đã được đưa vào vận hành để sản xuất điện, hòa lưới điện quốc gia ngay sau đó.

Thị sát nhà máy ngay sau khi đưa vào vận hành, Chủ tịch UBND thành phố - ông Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo Sở TN&MT thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập hội đồng khoa học để đánh giá hiệu quả công nghệ điện - rác trên. Đồng thời tiếp tục cho phép 2 doanh nghiệp lập đề án xử lý điện - rác từ rác thải sinh hoạt với công suất chuyển hoá 1.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày thành 20MW điện.

Tiêu thụ lượng rác thải nhất định để sản xuất điện, các nhà máy vẫn đảm bảo chi phí để hoạt động, điều này cho thấy công nghệ rác - điện “nội” vẫn rẻ hơn rất nhiều so với việc chôn lấp vốn đã không hợp vệ sinh, lại còn tiêu tốn diện tích đất không nhỏ. Nhưng đến nay, đã sau hơn một năm vẫn chưa có thêm nhà máy rác - điện nào hiện hữu. Ách tắc này có phần  nguyên nhân từ sự thiếu quyết liệt của chính quyền thành phố.

ĐỨC THẮNG
.
.
.