Lò giết mổ trâu bò Hải Bối: Đề án “treo”, dân sống chung ô nhiễm

Thứ Sáu, 06/04/2018, 09:25
Trước tình trạng đổ phế phẩm giết mổ gia súc gây ô nhiễm môi trường ven đường thôn Cổ Điển, sau khi có phản ánh của các cơ quan truyền thông, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã tiến hành thu gom, xử lý, khử trùng tiêu độc môi trường. Tuy nhiên, theo chính quyền địa phương đây chỉ là giải pháp tạm thời, còn giải pháp lâu dài, triệt để là xây dựng khu giết mổ tập trung không biết bao giờ mới được thực hiện…

Từ nhiều năm nay, thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, huyện Đông Anh (Hà Nội) giàu lên trông thấy với nghề mổ trâu, bò. Đây cũng là nơi cung cấp một lượng lớn thịt tới các khu vực chợ đầu mối và toàn TP Hà Nội. Theo thống kê, hiện ở đây có tới 13 lò mổ tư nhân, mỗi ngày có hàng trăm con trâu, bò được giết mổ. Cũng chính vì vậy mà lượng rác thải mỗi ngày rất lớn…

Có mặt tại thôn Cổ Điển những ngày này, hiện ven đường đã được rắc vôi bội khử trùng, tuy nhiên do những đống xương phế phẩm này tồn tại đã lâu, một phần bị chảy nước và ngấm xuống đất nên mùi xú uế vẫn còn phảng phất.

Chị Nguyễn Thị Phương, người dân thôn Cổ Điển bày tỏ: “Chúng tôi vô cùng phấn khởi khi toàn bộ phế phẩm động vật tại khu vực đường ra cánh đồng của thôn đã được chính quyền địa phương thu gom và xử lý sạch sẽ. Những lo lắng trước kia được xóa bỏ, người dân chúng tôi đã yên tâm hơn mỗi khi di chuyển qua khu vực này. Hi vọng tình trạng đổ rác thải bừa bãi sẽ không còn nữa…”.

Theo ông Nguyễn Hữu Bằng, ở xóm 1, thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, người có thâm niên trên 30 năm làm nghề cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã Hải Bối có hơn chục lò giết mổ gia súc lớn, tiêu thụ khoảng 120-130 con trâu bò/ ngày, doanh thu 200-300 tỷ/tháng. Đây là một nghề giúp mang lại thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế chủ yếu cho xã.

Thế nhưng từ năm 2010 đến nay, mặc dù đã nhiều lần đề nghị nhưng địa điểm xây khu giết mổ tập trung cả lâu dài hay tạm thời đều chưa được chấp thuận do vướng vào quy hoạch.

Hiện ven đường thôn Cổ Điển đã được dọn sạch phế phẩm giết mổ gia súc và rắc vôi bột khử trùng.

“Mỗi ngày gia đình tôi giết mổ trên dưới 10 con bò nhập khẩu. Chính quyền có tới tuyên truyền, vận động tất cả các hộ làm nghề giết mổ trâu, bò ký cam kết… nhưng điều tôi cũng như các hộ dân ở đây đang vô cùng băn khoăn là không biết thực hiện thế nào các quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường trong việc giết mổ khi phế phẩm thì nhiều mà chỗ đổ không có. Không làm thì chúng tôi không có ăn, tôi và các hộ kinh doanh giết mổ khác cũng không muốn gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh…” – ông Bằng buồn bã giãi bày.

Để tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân, chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Hữu Thụ, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bối, huyện Đông Anh. Ông cho biết: Năm 2015, UBND huyện Đông Anh đã cùng với các sở, ban, ngành của thành phố tiến hành khảo sát 1 khu vực rộng 0,5ha tại khu vực xứ đồng Thượng Đoạn của Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Cổ Điển, xã Hải Bối để quy hoạch thành điểm giết mổ tập trung.

Tuy nhiên, địa điểm này bị trùng với quy hoạch phân khu đô thị N4 đã được UBND thành phố phê duyệt. Nhằm giải quyết triệt để vấn nạn ô nhiễm và cũng là tìm giải pháp, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh, UBND xã Hải Bối đã có đề nghị với thành phố xin được quy hoạch một điểm giết mổ tập trung tạm thời song đến nay vẫn chưa được chấp thuận.

Trước mắt để ngăn chặn tình trạng đổ trộm phế thải, chính quyền địa phương đã tăng cường tuần tra kiểm soát để phát hiện và xử phạt những đối tượng đổ trộm phế phẩm động vật. Đến nay đã bắt được 3 trường hợp với tổng mức xử phạt là 10,5 triệu đồng…

“Nhằm giải quyết vấn đề môi trường cho các hộ kinh doanh giết mổ, trước mắt xã Hải Bối đã tổ chức một điểm xử lý phế phẩm giết mổ trâu bò tạm thời rộng 300m2 và cách xa khu dân cư khoảng 400m. Mong muốn của chính quyền địa phương là sớm được quy hoạch điểm giết mổ tập trung để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường…” – ông Thụ bày tỏ.

Thiết nghĩ, các cơ quan ban ngành liên quan cần vào cuộc mạnh tay, đẩy mạnh việc triển khai quy hoạch điểm giết mổ công nghiệp tập trung, là giải pháp cần giải quyết sớm để kịp thời phòng ngừa trước tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề giết mổ, tránh nguy cơ tiềm ẩn là bùng phát dịch bệnh, trả lại môi trường sống trong lành cho người dân…

Thảo Vy
.
.
.