Làng biển Mỹ Quang Nam mong ước một bờ kè chắn sóng

Chủ Nhật, 24/11/2019, 08:08
60 hộ gia đình sinh sống ven biển thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, huyện Tuy An (Phú Yên) nằm trong tầm nguy hiểm của triều cường, nên người dân mong muốn xây dựng bờ kè chắn sóng dài khoảng 200m ở khu vực này.

Đến làng biển Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, huyện Tuy An (Phú Yên) buổi sáng giữa tháng 11-2019, khi tiết trời dịu mát, những đợt sóng dữ trên biển đã tạm lắng, nhưng trong lòng người dân nơi này luôn thường trực nỗi lo triều cường xâm thực “nuốt” dần đất đai, gây sạt lở, hư hỏng nhiều căn nhà, đe dọa an toàn tính mạng con người.

Hướng dẫn tôi đi xem hiện trạng xâm thực, sạt lở do triều cường, ông Phạm Diệp, một ngư dân ở làng biển Mỹ Quang Nam, xã An Chấn chia sẻ: “Gần chục năm về trước, nhà ở của người dân ở đây cách mép biển không xa, phía trước khu dân cư còn có con đường làng thoáng mát. Thế nhưng khi mật độ triều cường ngày một tăng cao, mỗi mùa bão lũ, nhiều đợt sóng gió dữ dội xô bờ đã nuốt mất con đường làng, lấn sâu vào khu dân cư...”.

Theo nhiều ngư dân địa phương, từ nhiều đời nay, người dân ở đây đầu tư tàu cá, thiết bị kỹ thuật, ngư cụ hành nghề đánh bắt, chế biến hải sản để mưu sinh nên không thể di dời đến nơi khác sinh sống, mà phải bám trụ làng biển nơi này. 

Để bảo vệ đất đai, tài sản ở nơi cư trú và tính mạng con người, mỗi năm, chủ nhân những căn nhà phía trước làng biển phải tự đầu tư hàng chục triệu đồng để xây bờ kè đá chẻ, bê tông hoặc lắp đặt các ống bê tông chắn giữ nền móng căn nhà từ bên ngoài. Thế nhưng, những “biện pháp kỹ thuật” đó chỉ đủ sức chống chọi thiên tai được một vài năm thì bị hư hỏng, nứt gãy, đổ nát do triều cường xâm thực.

Dấu tích một bờ kè, tường rào chắn sóng trước nhà người dân xã An Chấn, huyện Tuy An bị triều cường đánh sập vỡ.

Chỉ tay về phía hiện trường ngổn ngang mảnh vỡ bê tông, ông Phạm Diệp cho biết, gia đình ông đã đầu tư xây lắp bờ kè phía trước căn nhà với tổng chi phí gần 60 triệu đồng. Thế nhưng chỉ sau một mùa bão lũ, những đợt triều cường đã đánh vỡ, khiến cho mọi người trong nhà phập phồng nỗi lo bất an khi bão lũ, triều cường. 

Bà Phan Thị Ngà, nhà cùng xóm với ông Diệp cho biết, bờ kè phía trước nhà của bà được xây lắp ít nhất 5 lần rồi. Tuy nhiên  xây xong chưa kịp mừng thì triều cường đánh sập. “Chính vì vậy mà hai năm nay, mỗi khi đất trời nổi cơn giông gió, biển động mạnh, triều cường xuất hiện, gia đình tôi cùng nhiều người dân ở đây sơ tán đến nhà người thân để tạm trú”, bà Ngà kể. 

Gần đây nhất, khi cơn bão số 5 (Matmo) ập vào địa bàn Nam Trung Bộ trong đêm 30-10, triều cường đã gây sạt lở hư hỏng đường công vụ thi công xây dựng công trình ở Mỹ Quang Bắc và một số căn nhà người dân.

Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết, với chiều dài gần 3.000m, tuyến biển An Chấn nằm phía trước địa phận hai thôn Mỹ Quang Bắc, Mỹ Quang Nam. Những năm gần đây, triều cường xâm thực nghiêm trọng, nên giữa năm nay UBND tỉnh Phú Yên đầu tư 30 tỷ đồng xây dựng bờ kè chắn sóng dài hơn 350m ở thôn Mỹ Quang Bắc, dự kiến công trình hoàn thành vào cuối năm 2019. 

Trong khi đó hơn 60 hộ gia đình sinh sống ven biển thôn Mỹ Quang Nam cũng nằm trong tầm nguy hiểm của triều cường, nên người dân mong muốn xây dựng bờ kè chắn sóng dài khoảng 200m ở khu vực này, kết nối với bờ kè đã đầu tư xây lắp là cần thiết. UBND huyện Tuy An sẽ kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên xem xét, đầu tư.

Theo ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, từ thực tế diễn biến phức tạp những mùa bão lũ gần đây cùng với kết quả khảo sát thực tế tại hiện trường và dự báo trong thời gian tới, UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản kiến nghị Trung ương hỗ trợ 20 tỷ đồng để xây dựng bờ kè chắn sóng khoảng 200m ở làng biển Mỹ Quang Nam kết nối với bờ kè chắn sóng đã xây dựng ở làng biển Mỹ Quang Bắc, tạo thành vành đai bê tông bảo vệ ổn định đời sống hàng trăm gia đình ven biển xã An Chấn.

Hữu Toàn
.
.
.