Làm thế nào để bù nước cho trẻ trong những ngày nắng nóng?

Thứ Ba, 19/05/2020, 21:43
Nắng nóng đang diễn ra tại khu vực TP Hồ Chí Minh, nhiều bà mẹ còn tự ý mua thuốc Oresol pha loãng cho con trẻ uống để bù nước cho con khi lên lớp là rất nguy hiểm theo phân tích của các Chuyên gia dinh dưỡng.


Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ (BS) CKII Dương Thị Kim Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện (BV) Thống Nhất đã cho biết những thông tin trên.

Trưa 19-5, ghi nhận trên nhiều tuyến đường của khu vực TP Hồ Chí Minh, tại các xe bán nước mía, xe bán nước giải khát các loại đều bán chạy, kịp thời phục vụ cho nhu cầu của người đi đường khi mà thời tiết đang bước vào những ngày nắng nóng đều 37-38 độ C. Từ nước giải nhiệt, nước mát gan thải độc, nước từ nguồn tự nhiên, nước đóng chai của các công ty … đều đắt hàng. Nhất là tại các quán bán nước mía. Luôn tấp nập khách.

Tại khu vực đường Nguyễn Oanh, Gò Vấp TP Hồ Chí Minh, các xe bán nước cam vắt nguyên chất, xe nước mía di động, nước trà tắc “vỉa hè” đều đông khách. Nước cam có giá từ 10-15.000 đồng/ly, nước mía có giá bình dân 15.000 đồng/ly khổng lồ, khách mua hài lòng vì vừa hợp khẩu vị, vừa hợp nhu cầu. 

Nhiều chỗ chủ xe nước mía còn làm sẵn cho vào bịch, vào ly. Khách tới tuỳ nhu cầu mua loại 10 hay 15.000 đồng mà đã có sẵn, không phải đợi chờ. Nhiều chủ xe nước mía tại khu vực đường Phạm Ngũ Lão, phường 15, quận Gò Vấp còn sáng kiến làm nước mía sầu riêng rất được khách ưa chuộng.

Một chủ xe nước mía tại đây cho biết, mấy ngày nắng nóng, có ngày chị bán được hơn 100 lượt khách. Trong đó, theo chị cho biết, có nhiều người ngay từ sáng sớm đi làm ghé vào đã mua hẳn một ca lớn mang đi tới cơ quan để uống cả ngày.

Nói về nhu cầu chọn nước giải nhiệt mùa nắng thì có vô số lựa chọn khác nhau. Có người tìm tới nước mía bình dân, có người chọn cách pha sẵn nước cam đem từ nhà; cầu kì có người chọn cách làm nước quả mơ ngâm, …lại có người sử dụng thuốc cho đỡ công đoạn phải pha phách. Tìm hiểu được biết, nhiều chị em công sở đã chọn việc dùng viên sủi bù nước mua ở tiệm thuốc tây. Cái cách này thì quả thật rất tiện lợi vì chỉ cần pha vào nước, ngày uống 2-3 viên là thấy người …“khỏe re”, không có cảm giác khát nước, mệt mỏi dù có phải đi nhiều ngoài nắng.
Nước mía, nước cam ép để giải nhiệt được người dân TP Hồ Chí Minh chọn sử dụng nhiều trong những ngày nắng nóng hiện nay

Đứng chờ đón con tại cổng trường Mầm non Anh Đào-phường 17, Gò Vấp, chị  Phương Mai ( 38 tuổi) cho biết, trời nắng nóng, mấy bữa nay chị cho con uống si rô thanh nhiệt, hoặc chai trà Dr Thanh. Mấy bữa trước con nổi mụn chị cũng ra tiệm thuốc Đông y mua thuốc giải độc, mát gan pha cho con uống. Cũng theo chị Mai, chị còn được bạn phổ biến cho cách mua oresol cho con uống vì sợ con ham chơi, ít uống nước tại trường.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, BS CKII Dương Thị Kim Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng BV Thống Nhất cho biết, việc dùng bù nước theo cảm tính là rất nguy hiểm. Theo đó, tuỳ theo đối tượng là người già, trẻ nhỏ, nhu cầu cần bù nước mùa nắng nóng có khác nhau. Ngoài ra, một đối tượng nữa cần chú ý về việc bù nước là những người làm việc trong môi trường nắng nóng, ra mồ hôi nhiều;  đặc biệt với những người ăn uống kém, có các bệnh lý như tiêu chảy, sốt, nôn ói…sẽ cần phải bù nước cho cơ thể vào những ngày nắng nóng này. Nhưng, tùy theo độ tuổi, cân nặng và tính chất công việc của từng đối tượng mà cần bổ sung lượng nước khác nhau. Ở người trưởng thành cần từ 1,5-2 lít nước/ngày. Trung bình uống từ 1-1,5 lít, cùng với nước trong thức ăn. Nhưng người làm trong môi trường nắng nóng, ra mồ hôi nhiều thì cần bù thêm nước, có thể lên đến 3 lít nước/ngày.

Trong đó, có thể chọn là nước đun sôi để nguội, nước khoáng, nước uống đóng chai có nguồn gốc rõ ràng. Khi uống phải uống từ từ. Dùng nhiều lần trong ngày, hạn chế uống nước về đêm.

Về xu hướng dùng các loại nước thanh nhiệt, mát gan, giải độc, nước giải khát… BS Loan cũng cho hay, những loại nước mát này có vai trò tham gia vào các phản ứng trong cơ thể, chuyển hóa hấp thu, bài tiết các chất cho cơ thể. Các loại nước mát này có thể hỗ trợ cho các cơ quan như thận, gan để giải độc, chứ những loại nước này không có chức năng thải độc cơ thể. 

Bên cạnh các loại nước từ thiên nhiên, nước giải nhiệt tự nấu, trên thị trường hiện nay còn có nhiều loại nước đóng chai có tính năng bù nước, bù điện giải, siro bù nước... Nhưng, với loại nước đã đóng chai, ít nhiều đều có các chất bảo quản sẽ ảnh hưởng đến cơ thể. Khi dùng, phải quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng, xem thử có đường hay không. Nhất là những trẻ thừa cân béo phì, đây chính là nguồn năng lượng khiến trẻ dư cân mà phụ huynh không kiểm soát.

Về chuyện sử dụng Oresol làm công cụ bù nước cho trẻ nhỏ, cũng theo BS Loan, Oresol có nồng độ nhất định là điện giải như: Natri, Kali và có ít đường. Nhưng, Oresol chỉ dùng trong trường hợp tiêu chảy mất nước chứ không uống thường xuyên hàng ngày. Và nhất định phải có chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, nếu cho trẻ uống các loại nước có đường sẽ khiến trẻ đi tiểu nhiều, và các ông bố bà mẹ cứ nghĩ đang bù nước thì thực chất lại đang làm cho trẻ mất nước. Do vậy, phải hỏi cẩn thận các chuyên gia dinh dưỡng về các loại nước uống phù hợp  cho con mình chứ không nên tìm mua, rồi tự cho trẻ uống. Một lưu ý rằng, nếu đưa quá nhiều nước vào cơ thể một lúc cũng khiến thận quá tải, lâu ngày gây ảnh hưởng suy chức năng thận. Do đó cần tránh tình trạng bù quá nhiều nước, bù nước “vô tội vạ” sẽ gây nhiều tác hại cho cơ thể.

Huyền Nga
.
.
.