Rớt nước mắt với bữa cơm công nhân

Thứ Sáu, 07/04/2017, 09:00
Liên tiếp từ đầu năm 2017 đến nay, các vụ ngộ độc tập thể của công nhân ở các khu công nghiệp liên tục xảy ra. Theo đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN) thì tới đây, sau Tháng Công nhân, Tổng LĐLĐVN sẽ thanh tra toàn diện các bếp ăn tập thể cho công nhân. Đồng thời, theo Tổng LĐLĐVN thì bữa ăn giữa ca sẽ thành một quy định bắt buộc trong dự thảo thỏa ước giữa doanh nghiệp, tổ chức công đoàn và người lao động đang được xây dựng. 


Vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn ở các khu công nghiệp mới nhất vừa xảy ra ngày 1-4 tại KCN Nam Cấm, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Theo đó, sau giờ ăn trưa khoảng 30 phút ngày 1- 4, nhiều công nhân Nhà máy BSE đã phải nhập viện vì ngộc độc. Vụ ngộ độc tập thể đã khiến khoảng 44 công nhân phải nhập viện trong tình trạng nôn mửa, đau bụng...

Một số công nhân cho biết, trưa 1- 4, họ ăn cơm có thịt xào, canh cải cúc, đậu phụ. Một số công nhân khác cho biết thêm, khi ăn thì hết cơm họ có ăn thêm bánh mỳ. 

Trước đó chưa lâu, ngày 8-3, 74 bệnh nhân đã phải nhập viện Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy, Tiền Giang vì ngộc độc thực phẩm. Tất cả bệnh nhân đều là công nhân Công ty TNHH May mặc Eecotank chuyên may gia công hàng xuất khẩu tọa lạc tại xã Nhị Quí, thị xã Cai Lậy. Các công nhân nhập viện trong tình trạng nôn ói, chóng mặt, đau bụng, khó thở, tê tay, chân, tiêu phân lỏng...

Theo các công nhân, sau khi ăn bữa trưa với các món canh chua, gà kho, đậu đũa xào... nhiều người lần lượt bị các triệu chứng như trên nên công ty đã đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Số lượng, chất lượng bữa ăn cho công nhân phải được giám sát chặt chẽ.

Theo Tổng LĐLĐVN, trước tình hình ngộ độc thực phẩm của công nhân tại các khu công nghiệp, lần đầu tiên LĐLĐVN đã có nghị quyết về bữa ăn giữa ca cho công nhân. Tính đến cuối năm 2016, qua thống kê của 79/83 đầu mối của Tổng LĐLĐVN thì đã có hơn 25.000 doanh nghiệp đã có công đoàn cơ sở, tổ chức bữa ăn giữa ca cho người lao động.

 Tổng LĐLĐVN cho biết, trong quy định của pháp luật hiện nay bữa ăn giữa ca là không bắt buộc, do đó Tổng LĐLĐ đã yêu cầu các tổ chức công đoàn cơ sở đưa bữa ăn giữa ca vào thỏa ước hoặc có thỏa thuận với người sử dụng lao động để có bữa ăn giữa ca cho công nhân với ít nhất 15.000 đồng/người.

Qua giám sát của Tổng LĐLĐVN thì nhiều doanh nghiệp thực hiện rất tốt với bữa ăn thậm chí đến 40.000 - 50.000 đồng/người cho công nhân. Thế nhưng tại các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI thì bữa ăn giữa ca cho công nhân chỉ khoảng 12.000 đồng/người.

“Giá trị bữa ăn thấp, mà họ còn thuê các công ty dịch vụ nữa thì bữa ăn giữa ca giá trị 12.000 đồng, thực chất bữa ăn chỉ khoảng 9.000 đồng. Với giá cả như hiện nay, thì rõ ràng các công ty dịch vụ kia họ phải mua thực phẩm ôi thiu, cá chết…

Đó là nguyên nhân tăng những vụ ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp”, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐVN gay gắt nói. Cũng theo ông Mai Đức Chính, Tổng LĐLĐVN đã yêu cầu các công đoàn cơ sở phải giám sát chặt chẽ bữa ăn giữa ca cho công nhân, để công nhân, người lao động được hưởng thực chất số tiền bữa ăn ca đó.

“Công đoàn cơ sở ngoài việc thương lượng điều chỉnh tiền ăn, còn phải giám sát làm sao để người lao động được hưởng thực chất số tiền đó chứ không phải là xà xẻo qua hoa hồng này khác. Tôi được biết, cũng có một bộ phận quản lý doanh nghiệp câu kết để được hưởng hoa hồng từ bữa ăn ca này. Do đó, công đoàn cơ sở phải giám sát chặt chẽ số lượng, chất lượng bữa ăn”, ông Chính cho biết.

Theo Tổng LĐLĐ VN thì bữa ăn giữa ca đang được xây dựng thành quy định bắt buộc như tiền lương và được đưa vào nội dung thỏa ước. “Bữa ăn giữa ca, tăng ca mà chỉ lèo tèo vài cọng rau muống, mấy miếng đậu phụ thì làm sao cứ đòi hỏi công nhân có sức để tăng năng suất. Ăn như thế thì làm sao mà đủ sức khỏe”, ông Chính nói.

 Trước việc thời gian gần đây liên tiếp có những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, Tổng LĐLĐVN cho biết sẽ tăng cường giám sát về bữa ăn ca này. Theo kế hoạch, sau Tháng Công nhân, Tổng LĐLĐVN sẽ phối hợp cùng Bộ Y tế, MTTQVN, Thanh tra Chính Phủ, Bộ NN&PTNT sẽ thành lập một đoàn giám sát cấp Trung ương sẽ đi giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm trong một số siêu thị, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nấu suất ăn công nghiệp, và ở các bếp ăn tập thể có đông công nhân lao động.

Phan Hoạt
.
.
.