Làm giàu từ chậu quýt hồng

Chủ Nhật, 08/02/2015, 09:54
Từ một thợ sửa chữa điện tử lành nghề, ông Lưu Văn Ràng (Tư Ràng) bỗng dưng chuyển sang làm nông dân thứ thiệt ở tuổi 63. Từ cây quýt hồng Lai Vung, loại trái cây nổi tiếng của tỉnh Đồng Tháp, qua nhiều năm mày mò sáng tạo, lão nông Tư Ràng cho ra thị thường sản phẩm độc đáo: quýt chậu chơi Tết. Những chậu quýt hồng trĩu quả, vàng óng được thương lái vào tận vườn thu mua, mang lại nguồn thu lớn mỗi mùa Tết.
Hằng năm, dịp cận Tết Nguyên đán, nhà vườn Lai Vung cung cấp ra thị trường từ 30.000 đến 35.000 tấn quýt hồng. Sản phẩm trái cây thương hiệu của Đồng Tháp đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhà vườn, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Cũng từ trái quýt hồng, nhiều lão nông ở Lai Vung mày mò sáng tạo ra quýt chậu, phục vụ khách chơi Tết và tăng nguồn thu nhập từ sản phẩm truyền thống.

Kỹ sư Huỳnh Văn Tồn – Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lai Vung cho biết: “Ngoài yếu tố đẹp, độc, lạ mắt, quýt chậu còn có ý nghĩa cát tường nên rất được khách hàng ưa thích trưng trong nhà vào những ngày Tết”.

Lão nông Tư Ràng, có thể nói là người đầu tiên ở Đồng Tháp đưa sản phẩm quýt hồng Lai Vung vào chậu chơi Tết.

Trước năm 2000, ông là một thợ sửa chữa điện tử lành nghề, có cửa hàng ở thị xã Sa Đéc (nay là TP Sa Đéc). Duyên số đưa ông đến nghề nông, khi có người cấn nợ bằng vườn quýt hồng rộng 8 công (sào) đất nằm cạnh bờ kênh Cái Sơn (xã Vĩnh Thới). Vốn là dân chơi kiểng sành điệu, nhiều lần đến thăm vườn, nhìn những trái quýt hồng mọng nước nặng trĩu, vàng óng, ông mê mẩn. Vậy là bỏ nghề điện tử; thành nông dân, suốt ngày tỉ mẩn.

Chăm bẵm từng gốc quýt trong vườn, những triệu chứng của cây và áp dụng kỹ thuật hợp lý, lão nông Tư Ràng hình thành cho mình bí quyết riêng, tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm từ quýt hồng. Cứ đến mùa thu hoạch, vườn quýt của lão nông Tư Ràng lúc nào cũng rộn rã tiếng cười trúng vụ. Giá quýt dao động từ 25.000 đồng/kg, có năm đến 35.000/kg được thương lái thu mua tận vườn, giúp lão nông này bỏ túi trên nửa tỷ đồng.

Lão nông Tư Ràng bên vườn quýt hồng.

Chưa thỏa mãn với lợi nhuận từ vườn quýt hồng, ông mày mò sáng tạo ra quýt chậu, với mục đích trưng trong nhà chơi Tết. Ý tưởng đưa cây quýt hồng vào chậu không chỉ riêng lão nông Tư Ràng suy nghĩ, nhưng ông là người đầu tiên đưa sản phẩm này chào bán ra thị trường thành công và được người dân đón nhận. Năm 2004, ông làm thử 100 chậu nhưng chỉ có 40% đạt yêu cầu. Lúc đó, quýt chậu chưa được nhiều người biết đến nên ông phải nhờ bạn bè và gửi đi nhiều nơi để chào bán.

Chưa đến 30 Tết, toàn bộ số quýt chậu gửi đi đều được bán hết. Nhìn những chậu quýt sai trĩu mọng, đan xen nhau tạo ra hình khối vàng óng đặc trưng của quýt hồng Lai Vung nằm gọn trong chậu, khách đến xem ai cũng tấm tắc khen ngợi. Nhưng để quýt từ vườn chậu, từ chiết cành đến cho ra sản phẩm phải mất 18 tháng. Bỏ lứa trái đầu, đến năm thứ 2 nhà vườn mới bứng cây vào chậu và phải chăm sóc trong 9 tháng. Cây dễ bị dịch bệnh tấn công, đòi hỏi nhà vườn phải có nhiều kỹ năng phức hợp giữa tay nghề trồng quýt và kỹ năng, tư duy của người trồng kiểng… mới có thể cho ra sản phẩm độc chơi Tết.

Từ thành công này, ông mạnh dạn tiếp tục đầu tư và áp dụng kĩ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm và dần tạo thế cho những cây quýt chậu ngày càng đẹp hơn, sai trái hơn. Trung bình mỗi năm, lão nông Tư Ràng cung ứng ra thị trường trên 300 chậu quýt, đều được thương lái và khách quen mua hết. Tết năm nay, vườn quýt hồng của lão nông Tư Ràng cung cấp cho thị trường 360 chậu quýt, giá thành dao động từ 2 triệu đồng – 4 triệu đồng/chậu.

Chỉ từng chậu quýt sai trĩu quả, lão nông Tư Ràng đọc tên vanh vách từng khách hàng đã đặt trước: “Ngoài những quýt chậu được khách quen đặt mua về chơi Tết, số còn lại chỉ chờ đến ngày thương lái đến chở đi phân phối các tỉnh”. Từ một quyết định táo bạo hơn 10 năm trước cùng với cách làm sáng tạo, đến nay giúp lão nông Tư Ràng thu lợi nhuận cả tỷ đồng mỗi năm từ cây quýt hồng.                            

Văn Vĩnh
.
.
.