Gia tăng xâm hại tình dục trẻ em:

Làm gì để trẻ được sống trong môi trường an toàn?

Thứ Tư, 15/03/2017, 09:42
Chúng ta phải làm gì để bảo vệ trẻ em trước các hành vi xâm hại tình dục? Phóng viên Báo CAND đã phỏng vấn Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng về vấn đề này.

Dư luận đang bức xúc trước những vụ xâm hại tình dục trẻ em ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Vĩnh Phúc. Mới đây, Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ đã phải lên tiếng chỉ đạo xử lý vụ việc. Đối tượng xâm hại trẻ em sẽ bị nghiêm trị. Thế nhưng, trên thực tế còn có rất nhiều trẻ em bị xâm hại chưa được bảo vệ bởi sự im lặng của cả nạn nhân, gia đình và một số cơ quan chức năng.

Chúng ta phải làm gì để bảo vệ trẻ em? Phóng viên Báo CAND đã phỏng vấn Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Ông có đánh giá gì về những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng như báo chí vừa đưa tin?

Bác sỹ (BS) Nguyễn Trọng An: Những vụ việc trên gây bức xúc dư luận, và phải khẳng định những vụ việc như thế diễn ra thường xuyên. Số lượng vụ việc năm sau luôn cao hơn năm trước. Nhưng, số liệu mà các cơ quan chức năng công bố thì chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi rất nhiều vụ việc nạn nhân, gia đình bị hại chọn cách im lặng. Có trường hợp thỏa thuận, hoặc im lặng vì bị đe dọa… Những số đó không được ghi nhận trên số liệu. Điều đáng lo ngại là độ tuổi trẻ bị xâm hại rất nhỏ, đối tượng xâm hại ở các lứa tuổi, từ trẻ đến già.

Bác sỹ Nguyễn Trọng An.

PV: Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân gia tăng số vụ xâm hại tình dục trẻ em?

BS Nguyễn Trọng An: Theo tôi, có 3 nguyên nhân chính. Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ giáo dục. Giáo dục gia đình là hàng đầu, sau đó là giáo dục trong nhà trường và giáo dục xã hội. Trong gia đình, cha mẹ thiếu kỹ năng giáo dục sẽ nảy sinh nhiều nguy cơ. Tại các nhà trường hiện có xu hướng chạy theo thành tích, thiếu hẳn đội ngũ tư vấn về phòng ngừa xâm hại, giáo dục giới tính…

Sự tác động ở bên ngoài xã hội, là những tấm “gương ố”, là đầy rẫy vấn đề bạo lực… khiến người ta có cảm giác như một xã hội nhiều bất ổn. Những hiện tượng tiêu cực trên báo chí, phim ảnh phản ánh mặt trái của xã hội quá nhiều.

Nguyên nhân thứ hai là vấn đề thực thi pháp luật không nghiêm. Tại sao một kẻ bị tố cáo xâm hại tình dục trẻ em lại dám thách thức, coi thường pháp luật? Gốc rễ của nó là sự lệch chuẩn trong giáo dục gia đình, nhưng cái chính là do pháp luật không nghiêm minh.

Luật Hình sự đã quy định hành vi vi phạm pháp luật đối với vấn đề này, nhưng việc chậm trễ xử lý của các cơ quan chức năng tạo sự nghi ngờ cho người dân. Bên cạnh đó, quy định của pháp luật chưa đủ sức răn đe, chưa quy định cụ thể xâm hại tình dục là thế nào? Chưa chi tiết lời nói, hành động vuốt ve, đụng chạm… như thế nào là xâm hại tình dục…

Nguyên nhân thứ 3 là vấn đề quản lý nhà nước về văn hóa. Những hình ảnh thiếu văn hóa, hở hang, phim ảnh đồi trụy tràn lan trên Internet. Ngay cả một số nội dung quảng cáo trên truyền hình về các sản phẩm liên quan đến tình dục cũng phản cảm. Đặc biệt là việc quản lý chất gây nghiện, bia rượu còn bị bỏ ngỏ. Nguyên nhân này hỗ trợ cho những nguyên nhân gây ra hậu quả như đã nói ở trên.

PV: Vậy còn việc quản lý trẻ nhỏ của các gia đình thì sao, thưa ông?

BS Nguyễn Trọng An: Quản lý con trong gia đình là một nguyên nhân, mà xuất phát do sự nghèo khó. Vì mục đích kiếm tiền, người ta phải di cư lên thành phố, mang theo trẻ em. Bố mẹ vất vả kiếm sống nên dễ bỏ bê con cái, vô tình gửi con cho “yêu râu xanh”.

PV: Theo ông, để giải quyết nguy cơ trẻ em bị xâm hại tình dục, cần phải làm gì?

BS Nguyễn Trọng An: Phải giải quyết tất cả những nguyên nhân trên. Trong khi đó, các quy định của pháp luật còn chưa rõ ràng, dẫn đến xử lý có phần nể nang, chưa công bằng trước pháp luật. Thế nên cần phải quy định chi tiết như thế nào là xâm hại tình dục trong luật, không để tình trạng người vận dụng dễ tráo đổi khái niệm, làm mất tính nghiêm minh của pháp luật.

PV: Trong các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, điều xót xa nhất là nỗi đau cả về thể chất và tinh thần của nạn nhân, gia đình bị hại. Nếu lên tiếng, họ có thể chịu hậu quả còn đớn đau hơn bởi mặc cảm, bởi những quan niệm chưa đúng của xã hội? Thậm chí, khi đã mạnh dạn lên tiếng, sau đó nạn nhân phải chuyển đi nơi khác để ẩn mình?

BS Nguyễn Trọng An: Đó là thực tế cần phải được khắc phục ngay từ cách nhìn nhận của xã hội. Theo tôi, một trong các biện pháp để ngăn chặn tình trạng xâm hại tình dục trẻ em là các cơ quan chức năng phải có quy định bảo vệ nhân chứng, người tố cáo, khuyến khích người tố cáo. 

Bên cạnh đó, cần kiện toàn hệ thống cộng tác viên, tuyên truyền viên để thu thập thông tin, đến tận nhà có nguy cơ xảy ra vụ việc để làm công tác phòng ngừa, phát hiện sớm, tuyên truyền ngăn chặn từ xa. Đồng thời, cần có hệ thống tư vấn tâm lý học đường với đội ngũ tư vấn chính là giáo viên, tổng phụ trách… được trang bị kỹ năng giúp trẻ em nhận biết và phòng ngừa xâm hại.

PV: Hy vọng rằng các cơ quan chức năng sẽ tích cực phối hợp, xử lý vi phạm và tạo dựng một môi trường môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Xin cảm ơn ông!

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.