Nhà báo hiến kế để báo chí truyền thống giành lại bạn đọc

Thứ Bảy, 18/03/2017, 17:46

Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2017, ngày 18-3, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức buổi giao lưu sôi nổi với chủ đề “Báo chí truyền thông với những vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội” với sự tham gia của nhiều nhà báo, nhà quản lý báo chí, nhà quản lý các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường và các sinh viên báo chí. 


Hàng loạt các vấn đề xã hội, những vụ việc nóng bỏng trên phương tiện thông tin đại chúng gần đây đã được các nhà báo thảo luận đầy tâm huyết, trách nhiệm để tìm ra giải pháp thông tin nhanh, kịp thời, nhân văn, vừa phục vụ yêu cầu của bạn đọc, vừa góp phần xây dựng, phát triển đất nước.

Toàn cảnh cuộc giao lưu

Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Việt Nam Plus chia sẻ, làm báo tử tế hiện nay rất khó. Báo chí đang đứng trước rất nhiều thách thức, trong đó, tin giả và khó kiểm soát quảng cáo đang trở thành vấn đề nhức nhối.  Nhiều trường hợp quảng cáo vướng vào nội dung thông tin của lực lượng khủng bố, các trang khiêu dâm, chưa kể, phần lớn quảng cáo hiện nay đều rơi vào “tay” của các “ông lớn” như google, facebook…, việc thu hút quảng cáo với các cơ quan báo chí hiện nay vô cùng khó khăn. Doanh thu báo chí ngày càng giảm sút. 

Muốn có quảng cáo, báo phải có người đọc. Càng nhiều người đọc, quảng cáo càng nhiều. Thế nên, dễ hiểu vì sao  nhiều phóng viên, tòa soạn đăng tải thông tin giật gân, câu khách. Nhiều trường hợp đưa thông tin thiếu kiểm chứng, thậm chí tiếp tay cho các hoang tin dẫn đến niềm tin của độc giả bị giảm sút. Với sự nở rộ của mạng xã hội hiện nay thì niềm tin của độc giả là yếu tố quan trọng trong việc quyết định sự “sống còn” của báo chí truyền thống. Nếu thông tin báo chí luôn được kiểm định rõ ràng, chính xác, bạn đọc sẽ quay về với báo chí truyền thống...

PGS.TS Nguyễn Văn Dững – Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng nhận định, thời gian gần đây báo chí phản ánh nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận nhưng chưa có kết quả thỏa đáng. Vụ Vinatas công bố kết quả khảo sát nước mắm, hàng loạt cơ quan báo chí đưa tin và bị Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt hành chính là một điển hình. 

Nhiều nhà báo cho rằng bị oan khi bị phạt vì buổi họp báo đã được cấp phép. Cách hiểu này sai vì việc người ta công bố thông tin là một chuyện, việc nhà báo đưa tin là chuyện khác. Nhà báo khi thông tin tới cộng đồng phải qua các bước, thẩm định thông tin có đúng không, thông tin có lợi ích gì cho cộng đồng không và có thú vị với người đọc không? 

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Dững, việc xử lý vi phạm báo chí cũng cần phải thỏa đáng. Vi phạm nào đáng phạt hành chính thì phạt hành chính. Những vi phạm trục lợi, cố tình vi phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội hoặc đối tượng thông tin thì phải xử lý hình sự... 

Ngược lại, cũng cần phải đặt vấn đề với cơ quan quản lý là những vấn đề bức xúc mà báo chí nêu, các cơ quan chức năng không vào cuộc thì  Hội Nhà báo có trách nhiệm như thế nào, có chất vấn các cơ quan chức năng không, có thúc đẩy hoạt động xử lý của các cơ quan địa phương không. Đề nghị Hội Nhà báo nên làm việc với các cơ quan Trung ương để giải quyết các vấn đề bức xúc báo chí nêu. Đây là  một trong những  yếu tố quyết định niềm tin của người đọc với báo chí truyền thống, góp phần giữ vững vị trí của báo chí truyền thống trong lòng bạn đọc.

Trao đổi tại buổi giao lưu, Thượng tá Phạm Khải, Phó Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân cho rằng: “Báo chí truyền thông trong mấy năm trở lại đây, nhất là khi có mạng xã hội đã phát huy sức mạnh, tạo hiệu quả xã hội rất lớn. Vừa qua đã xảy ra một số vụ xâm hại tình dục trẻ em ở Hà Nội, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, sau khi báo chí vào cuộc, đích thân các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Nhà nước và Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt. 

Nhà báo, Thượng tá Phạm Khải, Phó Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân chia sẻ với các đại biểu tại buổi giao lưu

Sức mạnh báo chí như cơn lốc, “quét đi lá vàng” là những tiêu cực xã hội, nhưng trong một số trường hợp lại làm phương hại đến “lá xanh”. Đó là vụ việc xảy ra tại trường Tiểu học Nam Trung Yên. Khi báo chí đưa vụ việc này ra ánh sáng, rõ ràng có hiệu quả, nhưng có tờ báo đã đưa kết quả khảo sát về việc nhà trường phát phiếu khảo sát có thấy ô tô vào trường trong giờ ra chơi hay không. Thực tế nhiều giáo viên không thấy và đã trả lời như vậy. Từ chuyện đó mà một số tờ báo qui tất cả giáo viên của trường không trung thực, vô đạo đức thì quả thực là quá nặng nề, trong khi, người bảo vệ là người mở cổng cho xe taxi, biết rất rõ xe vào hay không thì hầu như báo chí lại bỏ qua. 

Hoặc gần đây hơn là chiến dịch giành lại vỉa hè, lập lại trật tự đô thị, báo chí ủng hộ chủ trương này là đúng, nhưng một số tờ báo lại không đưa đầy đủ ý kiến nhận xét của lãnh đạo thành phố. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nói “năng nổ nhiệt tình, nhưng phải đúng luật”. Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng nói "quyết liệt nhưng phải nhân văn". Chúng ta phải hiểu điều các đồng chí ấy gửi gắm đằng sau câu nói ấy. 

Các đại biểu giao lưu cuối chương trình.

Ngay câu nói của Bí thư Đinh La Thăng: "Đừng để anh Hải như “ngôi sao cô đơn", nhiều báo cũng chỉ nêu một vế, còn vế nữa là "Bí thư, Chủ tịch Quận 1 cũng phải có mặt để động viên anh em, nếu có sai sót thì chấn chỉnh ngay. Đừng để dư luận bức xúc" thì lại không đưa. Các báo phải nêu đủ thế để dư luận thấy, việc "giành lại vỉa hè" vừa qua không phải tất cả chỉ có "thắng lợi", mà còn có sai lầm, vấp váp. 

“Bản thân tôi không tán thành việc đập phá bậc tam cấp ở một số hộ gia đình, bởi vỉa hè ở khu vực ấy không quá cấp thiết cho người đi bộ. Phải chăng, trong cuộc chiến giành lại vỉa hè này, chúng ta còn nhiều việc phải làm hơn thế. Ấy là tôi còn chưa hình dung, những nhà bị đập bỏ bậc tam cấp ấy họ sẽ sinh hoạt như thế nào. Hạ cốt nền xuống đâu dễ, khi mà bên dưới là bể phốt, là cống ngầm. 

Hiện đã có nhiều gia đình phản ứng, mà ý kiến họ đưa ra không phải không có lý. Ấy là mỗi lần đường phố được sửa sang, bên thi công cứ để cốt nền nâng cao lên, buộc những nhà dân làm sau phải dự phòng tôn cao nền nhà mình trước, sợ sau này đường cao hơn nền nhà, mưa to nước dềnh vào nhà. Những “tiếng kêu” của người dân trong cuộc chiến giành lại vỉa hè, báo chí cũng cần đưa tin thấu tình đạt lý”.

Trao đổi với các nhà báo, bác sĩ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ tuyên truyền giáo dục, Bộ Y tế cho rằng, thời gian qua, ngành y tế luôn nằm trong “tầm ngắm” của báo chí do chưa làm tốt công tác truyền thông và đội ngũ y bác sĩ chưa có kỹ năng ứng xử với truyền thông, báo chí. Thời gian gần đây, công tác truyền thông đã được Bộ Y tế chú ý hơn.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, Bộ rất cần những cá nhân dũng cảm chỉ ra được các sai phạm ấy và báo chí chính là một kênh thông tin hiệu quả. Nhiều vấn đề mà báo chí nêu như cận thị ở trẻ em, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho nhà trường mà gia đình cũng cần xem lại khi cho con em tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử..

Về cơ chế phối hợp thông tin giữa báo chí với các bộ, ngành, đại diện Bộ Y tế, Bộ giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đều cho rằng, các bộ, ngành luôn cần sự chung tay góp sức của các nhà báo để tuyên truyền kịp thời đến độc giả. Ngược lại, các bộ, ngành cũng mong muốn, khi báo chí đưa thông tin cũng cần có sự kiểm chứng, lấy ý kiến đa chiều và thông tin mang tính xây dựng. 


N.Hoa
.
.
.