Kỳ cuối: Tìm sinh kế mới cho người dân vùng lũ

Chủ Nhật, 18/09/2016, 08:40
Chỉ tính riêng 2 tỉnh Đồng Tháp và An Giang, các chương trình khai thác mùa nước nổi (mùa lũ) từng mang về giá trị khoảng 5.000 tỷ đồng/mùa. Nhưng nay nước lũ không về, những sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho người dân vùng lũ cũng ít dần… Đâu là lời giải cho bài toán sinh kế cho người dân vùng lũ?

Cứ đầu mùa lũ, bà con các tỉnh đầu nguồn lại gom góp, vay mượn tiền để chuẩn bị cho “canh bạc” với con nước. Nếu như ở những mùa lũ trước, chạy dọc theo ấp Phú Nhơn (xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang) sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh những chiếc lọp tôm, lọp cua chất đầy 2 bên đường, để những chủ ghe đến mua, chuẩn bị cho mùa đánh bắt. Nhưng nay, cả ấp chỉ còn một vài hộ sản xuất để tự sử dụng. 

Ông Nguyễn Ngọc Hường (chuyên làm nghề đan lọp tôm, cua) giọng trầm buồn cho biết: “Mấy năm trước, vào thời điểm này tôi bán được cả ngàn cái lọp. Nhưng năm nay, đến giờ này chỉ bán được hơn trăm cái lọp cua, còn lọp tôm thì chẳng bán được vì lũ không về. Gia đình tôi giờ là “số hiếm” còn bám nghề này, nhưng bấp bênh quá các chú ơi”.

Số liệu thống kê của UBND phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên (An Giang), hiện làng nghề lưỡi câu nổi tiếng một thời chỉ còn 67 hộ. Trong khi đó, những năm trước là trên 100 hộ, tập trung nhiều nhất là khóm Tây Khánh 8 và Tây Khánh 2. Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Thu (người có nhiều năm làm nghề sản xuất lưỡi câu ở phường Mỹ Hòa). 

Các làng nghề sản xuất ngư cụ đìu hiu, ế ẩm vì lũ không về.

Ông Thu thở dài: “Nếu như trước đây, cứ đầu tháng 4 AL là nhà nhà làm lưỡi câu, nhộn nhịp như cái chợ. Tiếng dập lưỡi câu, tiếng cười nói vui vẻ vang cả xóm vì được mùa thu nhập. Riêng gia đình tôi phải huy động gần 10 lao động mới có đủ lượng lưỡi câu cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, năm nay nhu cầu tiêu thụ ít nên gia đình chỉ còn 3 lao động. Hồi trước sản xuất ra bao nhiêu là thương lái đến tận nhà lấy hết bấy nhiêu, còn giờ phải giao tận nơi. Năm rồi mỗi ngày còn sản xuất được 40.000 lưỡi nhưng năm nay còn gần một nửa”.

Theo ông Thu, những cơ sở lớn nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Việc người dân còn làm là do không có điều kiện chuyển đổi, một số khác thì đã lên Bình Dương để kiếm sống do không còn vốn. Tương tự, làng lưới Thơm Rơm, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) nổi tiếng vùng ĐBSCL với trên 30 hộ, cơ sở chuyên sản xuất lưới, thu hút gần 1.000 lao động đang rơi vào cảnh chợ chiều. Những tay lưới được treo lững lờ “đợi khách”. 

Ông Nguyễn Thiện Bé (chủ một tiệm lưới), than thở: “Nước lũ năm nay không về, bà con sống theo mùa lũ cũng bỏ nghề khai thác thủy sản gần hết, làng lưới chở nên ế ẩm. Các cơ sở đan lưới chỉ hoạt động cầm chừng, chủ yếu là các lao động lớn tuổi còn trụ với nghề, các thợ đan lưới trẻ tuổi đã phải chuyển sang công việc khác kiếm sống hoặc một số khác đã đi làm thuê ở các khu công nghiệp, khu chế xuất”.

Ông Hồ Bửu Thọ (52 tuổi) với trên 30 năm làm thợ đóng ghe ở thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang), nhớ lại: “Trước, nơi đây có trên 50 cơ sở chuyên nghề đóng ghe, xuồng, huy động hàng trăm thợ mộc làm việc tất bật cả ngày đêm để cung cấp cho thị trường các tỉnh khu vực ĐBSCL. Nhưng đến nay, chỉ còn 2 cơ sở với chưa đầy 20 thợ bám nghề. Nếu tình trạng này kéo dài có thể các cơ sở đóng ghe, thuyền không thể trụ được”.

Thực tế, từ năm 2012 đến nay, “ĐBSCL gần như không có mùa nước nổi. Một số người dân vùng lũ đã chuyển đổi nghề, không còn “bám lũ” như trước đây nữa. 

Ông Đỗ Văn Luôn (56 tuổi, ngụ huyện An Phú, An Giang), cho biết: “Trước đây, cứ mong đến mùa lũ là tôi lại cùng vợ con xuống ghe đi đánh bắt thuỷ sản. Nhưng giờ đây khi lũ không về, tôi tận dụng sàn nhà của mình để nuôi 50 con trăn thịt, giúp cải thiện kinh tế gia đình”. 

Ông Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Phú Hội, huyện An Phú (An Giang) cho biết; “Toàn xã có trên 300 hộ dân sống bằng nghề câu lưới mùa lũ trên tổng số 3.000 hộ. Nhiều năm nay, khi lũ không về, xã kiến nghị cấp trên mở thêm các lớp đào tạo nghề tại địa phương để bà con có nghề sinh sống, không bám vào lũ nữa”.

Nhiều người dân vùng lũ đã chuyển nghề hoặc đi làm ăn xa.

Theo ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, 2 năm qua, do tình hình nước lũ từ thượng nguồn đổ về chậm và thấp so với nhiều năm trước nên ngành chức năng đã hỗ trợ nông dân chuyển đổi vật nuôi, cây trồng cho phù hợp. 

Theo đó, triển khai mô hình nuôi lươn, nuôi cá thác lác cườm, cá lóc trong bể lót bạt để từng bước giảm dần diện tích nuôi cá tra trong ao đất hoặc nuôi trong các lồng bè dưới sông. 

Hiện An Giang đã giảm dần diện tích trồng lúa vụ 3 ở một số vùng để chuyển sang trồng bắp lấy trái non xuất khẩu hoặc cây mè. Riêng đối với vùng đất núi luôn chịu cảnh khô hạn thì tập trung trồng khoai mì để làm thức ăn chăn nuôi, qua đó chủ động được nguồn nước tưới tiêu. Còn tại Đồng Tháp, tỉnh cũng đang triển khai dự án nâng cao sinh kế, cải thiện đời sống người dân vùng lũ tại các huyện như Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình và thị xã Hồng Ngự. 

Theo đó, phạm vi thực hiện dự án trên 22.300 ha, tổng mức đầu tư hơn 755 tỉ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới và ngân sách địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, dự án sẽ chuyển từ sản xuất lúa vụ 3 sang các hình thức sản xuất khác mang lại hiệu quả cao hơn như: nuôi trữ cá thiên nhiên, khai thác cây thủy sinh, nuôi cá đồng, tôm càng xanh… đảm bảo trữ và thoát lũ chính vụ.

GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, cho biết: Từ thập niên 1990, các đập thủy điện Trung Quốc lần lượt đi vào hoạt động đã để lại những hậu quả, như: trầm tích bị các đập giữ lại, chế độ thủy văn bị xáo trộn, đặc biệt lượng nước sông chảy về đồng bằng giảm.

Những hiện tượng này chắc chắn sẽ mạnh hơn khi toàn bộ 14 đập thủy điện của Trung Quốc đi vào hoạt động (trước năm 2020) và nhất là khi có 11 đập thủy điện chính được xây dựng và đi vào hoạt động trên dòng sông Mê Kông. Điều đó khiến cho dòng chảy tự nhiên bị ngắt khoảng bởi một chuỗi đập.

Đồng thời, lượng nước ngọt từ thượng nguồn về giảm, lượng nước chảy qua biên giới có khả năng không còn như trước vì phía Campuchia làm thủy nông tăng vụ sát biên giới Việt Nam. Điều này khiến mức thủy cấp sẽ tụt thấp, khả năng xì phèn ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên có thể xảy ra.

Theo đó, để ứng phó với BĐKH ở vùng ĐBSCL, cần phải xây dựng một cơ chế sử dụng nguồn nước chung của 6 nước trong lưu vực sông Mê Kông với tinh thần hợp tác cùng phát triển; các Bộ, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, cùng các nhà khoa học phải phát hiện, theo dõi, đánh giá tác động của các dự án khai thác nguồn nước ở thượng nguồn; tiến hành rà soát lại quy hoạch tổng thể bằng cách tiết kiệm nước ngọt, chung sống với hạn mặn, khai thác nước lợ và nước mặn như một tài nguyên; chú trọng vấn đề đổi mới thể chế và xác định cơ chế phối hợp; tập trung liên kết chuỗi, liên kết vùng, phát triển kinh tế vùng.

Nhóm PV ĐBSCL
.
.
.