Trước thực trạng hạn, mặn lịch sử tại Đồng bằng sông cửu long: Vừa dồn sức “chữa cháy”, vừa thực hiện giải pháp mang tính chiến lược

Kỳ 2: Sống chung với hạn mặn

Thứ Bảy, 05/03/2016, 08:06
Biến đổi khí hậu, hạn mặn diễn ra gay gắt, người dân vùng ĐBSCL đang nghĩ đến phương cách “sống chung với hạn mặn”, giống như hơn chục năm trước, vùng thượng nguồn sông Cửu Long thực hiện phương cách “sống chung với lũ”. 


Theo khuyến cáo của các chuyên gia, về lâu dài, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sử dụng giống có hiệu quả là một trong những giải pháp phi công trình, mang tính cấp thiết.

ĐBSCL với khoảng 4 triệu ha lúa gieo sạ mỗi năm, chiếm 55% diện tích của cả nước. Đây là vùng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo (chiếm trên 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước). Đợt hạn mặn lịch sử đã gây ra nhiều có khăn và thách thức chưa từng có.

Nhiều người dân ở xã Viên An (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) phải thức trắng đêm canh nước trên kênh để tưới cho rau màu.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), vụ đông xuân 2015-2016, diện tích lúa bị có nguy cơ bị xâm nhập mặn và hạn hán của 8 tỉnh ven biển ĐBSCL (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang) là 339.234ha, chiếm 21% diện tích xuống giống của toàn vùng ĐBSCL. Các tỉnh bị ảnh hưởng nặng là Sóc Trăng (30.000ha); Hậu Giang (17.500ha); Kiên Giang (15.000ha); Long An (13.370ha); Tiền Giang (10.101ha)… Riêng diện tích bị hạn mặn trên chân đất lúa tôm bị ảnh hưởng của Kiên Giang là 57.899ha; Cà Mau là 18.404ha và Bạc Liêu là 5.781ha.

Theo nhiều chuyên gia, về khách quan, quy mô sản xuất của ĐBSCL còn nhỏ lẻ, chuỗi giá trị qua nhiều trung gian, thiếu liên kết, chi phí sản xuất còn cao, tỷ lệ thất thoát cao, chế biến chưa tối ưu, chất lượng gạo và khả năng cạnh tranh của ngành lúa gạo Việt Nam còn thấp. Đặc biệt lượng giống gieo sạ của các tỉnh vùng ĐBSCL còn quá cao (150kg hạt giống/ha), có nơi 200kg hạt giống lúa/ha, tỷ lệ sử dụng giống lúa có phẩm cấp (xác nhận) của vùng ĐBSCL còn thấp.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, giải pháp cấp thiết cần thực hiện là phải khắc phục ngay những hạn chế về cơ cấu mùa vụ, giống không hợp lý. Các tỉnh cần chọn 3-5 giống lúa chủ lực, áp dụng quy trình canh tác “3 giảm 3 tăng” (giảm giống gieo sạ, thuốc trừ sâu bệnh, lượng phân đạm; tăng năng suất lúa, chất lượng lúa gạo, hiệu quả kinh tế); “1 phải 5 giảm” (phải sử dụng giống lúa xác nhận; giảm lượng giống gieo sạ, lượng thuốc bảo vệ thực vật, lượng phân đạm, lượng nước, giảm thất thoát sau thu hoạch), hướng dẫn kỹ thuật gieo sạ giảm lượng giống.

Bên cạnh đó, Viện Lúa ĐBSCL cần tăng cường sản xuất, quản lý giống siêu nguyên chủng, chủ động trong sản xuất và cung cấp cho địa phương, phấn đấu đến năm 2020 giảm lượng giống còn 80kg/ha và sử dụng giống lúa xác nhận trên 75%. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tính toán rằng nếu toàn vùng gieo sạ còn 80kg/ha sẽ tiết kiệm được khoảng 300.000 tấn lúa giống/năm, tương đương khoảng 4.500 tỉ đồng.

Cục Trồng trọt cũng kiến nghị, các địa phương cần tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống của các vụ hè thu và mùa 2016 thật hợp lý, né tránh hạn, mặn, tập trung, nhanh và gọn. Các tỉnh ven biển ĐBSCL cần ưu tiên cho sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn.

Cục Trồng trọt đề nghị vùng ĐBSCL cần bố trí lại cơ cấu cây trồng phù hợp; đa dạng hóa và phát triển các cây trồng có khả năng thích ứng với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn; quy hoạch, bố trí lại vườn cây ăn trái, cây công nghiệp hoặc chuyển đổi cây trồng là biện pháp hữu hiệu, linh hoạt, áp dụng nhanh, ít tốn kém mà người dân có thể tham gia; hoàn chỉnh hệ thống đê bao ngăn mặn dọc theo sông lớn, xây dựng các cống ngăn mặn tại các điểm trọng yếu của vùng chuyên canh cây ăn trái; tạo thay đổi cơ bản về nguồn nước ngọt trong bán đảo Cà Mau; nghiên cứu giải pháp kênh trục dẫn ngọt; bổ sung thêm các cống dọc theo các cửa sông nơi mặn 4g/l đã vượt qua.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐH Cần Thơ, diễn biến khắc nghiệt do biến đổi khí hậu quá nhanh, việc bơm tưới cũng gặp khó khăn khi nước kiệt, sẽ cứu được lúa nhưng không hiệu quả. Những nỗ lực của các địa phương chỉ mới bước đầu ứng phó với rủi ro thời tiết ở tầm ngắn hạn (3 - 5 năm).

Về lâu dài, ở tầm trung hạn (5-10 năm) và dài hạn (trên 10- 30 năm), ĐBSCL rất cần có kế hoạch và hành động ứng phó mang tính đột phá. “Đã đến lúc phải quyết định chọn cây trồng thích ứng điều kiện thiếu nước. Một số vùng trồng lúa không hiệu quả nên thu hẹp diện tích, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý” - PGS.TS Tuấn cho hay.

Văn Vĩnh
.
.
.