Kiến nghị sau di dời trụ sở bộ, ngành, không xây nhà cao tầng

Thứ Sáu, 29/06/2018, 09:48
UBND TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có chế tài quy định bắt buộc việc bàn giao lại quỹ đất sau khi di dời ra ngoài khu vực nội thành để TP ưu tiên xây dựng, công trình công cộng..

Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về 10 năm thực hiện giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô, liên quan đến công tác di dời các trụ sở cơ quan, hành chính Nhà nước, các trường học, bệnh viện lớn, cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện trong nội đô, UBND TP Hà Nội thông tin, đối với vấn đề di dời trụ sở các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục do các bộ, ngành chủ trì, đến nay các bộ chưa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp, cơ chế tài chính về di dời.

Trong giai đoạn vừa qua, TP Hà Nội đã tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định tại Điều 9 Luật Thủ đô như không xem xét giải quyết các trường hợp mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới các cơ sở giáo dục Đại học, giáo dục nghề nghiệp (chỉ chấp thuận một số dự án cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, chấtlượng phục vụ). 

Đồng thời thực hiện theo nhu cầu thực tiễn của các bộ, ngành, thành phố cũng đã xem xét, giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng các cơ sở bệnh viện, cơ sở giáo dục, các cơ quan, đơn vị để phục vụ di dời. Đáng nói, một số bệnh viện đã di dời nhưng lại tiếp tục sử dụng trụ sở cũ, như Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện Nội tiết Trung ương. 

Một số bệnh viện đã được duyệt quy hoạch khu đất xây dựng như Bệnh viện Mắt Trung ương (cơ sở 2 tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm); Bệnh viện Phụ sản Trung ương (cơ sở 2 tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm)... 

Tuy nhiên, toàn bộ các cơ sở bệnh viện sau khi được giới thiệu, thỏa thuận địa điểm mới vẫn tiếp tục sử dụng cơ sở cũ trong nội thành, không thực hiện bàn giao quỹ đất cho TP.

Trường Đại học Y tế công cộng sau di dời sẽ được bán, không giao lại cho TP Hà Nội.

Đối với các trường hợp cần di dời là các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp, TP đã bố trí quỹ đất khu các trường đại học tập trung tại Hòa Lạc (quy mô 279,5ha). Nhưng đến nay mới có 1 trường được giới thiệu di dời đến khu vực này là Khoa Luật, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Trường Đại học Y tế công cộng đang di dời, khu đất sau di dời tại số 138B Giảng Võ, Ba Đình đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bán chỉ định, chuyên nhượng quyền sử dụng đất. 

Còn di dời trụ sở các bộ, ngành, TP đã phối hợp giới thiệu, bố trí đất phục vụ di dời cho 9 cơ quan. Trong đó, 7 cơ sở tiếp tục giữ lại làm trụ sở hoặc bàn giao cơ quan Trung ương quản lý; 2 cơ sở đã được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất (đầu tư xây dựng dự án nhà ở, văn phòng, thương mại cao tầng), như trụ sở của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ở 42 Lý Thường Kiệt đã được Thủ tướng, UBND TP Hà Nội chấp thuận chuyển đổi chức năng (xây dựng công trình thương mại, văn phòng cao 21 tầng); hay như trụ sở cũ của Thanh tra Chính phủ tại 220 Đội Cấn, Ba Đình cũng đang được triển khai lập dự án nhà ở. 

Về công tác di dời các cơ sở công nghiệp (do UBND TP Hà Nội chủ trì), Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020 di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành.

TP hiện đang xem xét 21 dự án thuộc diện di dời nhà máy ra khỏi khu vực nội thành, với diện tích chuyển mục đích sử dụng đất là 346.000m²; trong đó diện tích xây dựng nhà ở là 141.862m²; diện tích đất trường học là 39.136m²; diện tích đất hạ tầng kỹ thuật là 150.258m²; diện tích đất thương mại, dịch vụ là 11.238m².

UBND TP Hà Nội nhận định, việc di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở sản xuất công nghiệp triển khai chậm, chưa đồng bộ. 

Quỹ đất sau di dời được sử dụng làm cơ sở 2 hoặc lập dự án đầu tư xây dựng kinh doanh, thương mại (trên cơ sở ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ), không bàn giao quỹ đất sau di dời cho TP để quản lý, khai thác sử dụng để bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho địa phương. 

Công tác di dời các cơ sở công nghiệp, sản xuất gây ô nhiễm được Hà Nội đánh giá còn chậm, manh mún do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về tài chính, cơ chế, chính sách hỗ trợ, hình thức di dời, việc bàn giao lại quỹ đất sau di dời cho thành phố. 

Các cơ sở đã thực hiện di dời chủ yếu do doanh nghiệp chủ động thực hiện. Do đó, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có chế tài quy định bắt buộc việc bàn giao lại quỹ đất sau khi di dời ra ngoài khu vực nội thành để TP ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng và kỹ thuật đô thị.

Ngọc Yến
.
.
.