Kiếm sống dưới 'lửa trời'

Thứ Bảy, 30/05/2015, 07:24
Nắng nóng cao độ, cả miền Bắc, miền Trung như chảo rang. Trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục nhắc nhở người dân cách tránh nóng, bác sỹ khuyên người dân không nên ra ngoài nếu không thực sự cần thiết. Thế nhưng, bất chấp cái nắng chói chang rọi xuống, bất chấp hơi nóng mặt đường nhựa hầm hập hắt lên, nhiều người dân lao động vẫn phải bám đường, phơi mình giữa nhiệt độ cao để kiếm sống.

Quấn trên đầu hai chiếc khăn to sụ bên trong cái nón, khoác trên mình 2 chiếc áo để chống nắng, bà Nguyễn Thị Hoa chật vật đẩy chiếc xe chở hàng xén cao ngang ngực đi rong ruổi trên các con phố ở Hà Nội. Thi thoảng, bà lấy chai nước nhỏ bên trong xe, nhấp một ngụm nhỏ. Bà Hoa kể, ngày nóng thế này bà cũng chỉ uống hết 3 chai nước. Còn để tăng cường thêm sức khỏe, bà dùng thêm cả sữa đậu nành có quảng cáo là kèm canxi.

“Tôi già rồi, cần bổ sung canxi cho xương chắc khỏe nên tôi uống sữa đó hằng ngày”. Tôi hỏi: “Bà cao tuổi, nắng nóng thế này mà ra đường không cẩn thận cảm nắng hoặc đổ bệnh, sao bà không nghỉ bán hàng vài ngày?”. Bà Hoa giải thích: “Nghỉ bán mà ở nhà còn nóng hơn ấy chứ, ra ngoài còn có bóng cây, có gió”.

Bà Hoa quê ở xã Phú Thịnh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Bà ở trọ trong xóm trọ dành cho lao động ngoại tỉnh ở ven sông Hồng, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. Mỗi tháng chi phí trọ là 550.000 đồng.

Nhiều phụ nữ vất vả mưu sinh giữa nắng nóng trên 40 độ C.

“Đã lên Hà Nội là tôi không nghỉ” – với quyết tâm đó thì dù nắng hay mưa, cứ hơn 5h là bà đẩy xe ra đường. Sớm thì tranh thủ tìm người đi tập thể dục sáng mời mua hàng, nhất là các bà, các chị có thể mua cho cái dây buộc tóc, cái bấm móng tay hay móc chìa khóa… Trưa đến thì khách hàng là dân công sở đi ăn, gặp thì mua. Cả buổi trưa rong ruổi, khoảng hơn 13h, khi đã bớt khách thì bà Hoa đẩy xe đến phố Trần Xuân Soạn ăn cơm bụi giá rẻ 15.000đ/suất. Bà bảo: “Dù nắng nhưng ở đây vẫn còn bóng cây, chứ tôi về quê mà ra đồng làm lúa thì cũng nóng lắm”.

Hành trình một ngày của người phụ nữ đẩy xe bán giày dép rong trên phố Nguyễn Thị Lựu, 38 tuổi, quê ở Nam Trực, Nam Định là cả hàng chục tuyến phố bắt đầu từ hồ Ba Mẫu, nơi chị Lựu thuê trọ. Giữa thời tiết nắng nóng đến 40 độ C, thứ giúp chị tránh nóng và bù lượng nước trong cơ thể đã bị thoát ra ngoài chính là 4 chai nước lọc. Tất và áo dài chống nắng là những thứ không thể thiếu.

Gương mặt nhễ nhại mồ hôi, đỏ tía lên vì nắng nóng, chị kể: “Lúc 9h sáng nay tôi đẩy xe qua Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam ở phố Khâm Thiên thấy nhiệt kế báo 42 độ. Nóng quá mà vẫn phải cố đẩy xe đi bán”.

Hằng ngày, chị Lựu đẩy xe hàng từ hồ Ba Mẫu, qua Lê Duẩn, Khâm Thiên, Yết Kiêu, Trần Hưng Đạo, Dã Tượng… cho đến làng Ngũ Xã cũng là lúc mới được nghỉ trưa. Đi bộ đến mỏi nhừ chân chỉ mong mỗi ngày bán được vài đôi dép. Ăn cơm bụi xong, chị Lựu sẽ tìm một chỗ râm mát nào đó trên phố để chợp mắt rồi chiều lại tiếp tục hành trình để trở về đến nhà là khoảng 8h tối.

“Những ngày nắng nóng đến 40 độ C, nắng trên trời chiếu xuống, bức dưới mặt đường bê tông phả lên, có những ngày bước chân về đến phòng trọ mà tôi cảm giác như bị vắt kiệt sức, không nuốt nổi cả bát cơm”, chị Lựu cho biết. Bám trụ ở Hà Nội đã gần 20 năm với nghề đẩy xe bán giày dép, trải qua bốn mùa mưa nắng gió rét, người phụ nữ như già hơn tuổi thực cả chục tuổi bởi nước da đen sạm. “Ngày nào may mắn bán đắt hàng, trừ tiền ăn, thuê trọ cũng chỉ lãi được 100.000 đồng - 200.000 đồng”, chị kể. 

Cứ nói người phụ nữ là chân yếu tay mềm nhưng đi dọc các tuyến phố Hà Nội trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm này, hình ảnh những người phụ nữ bất chấp nắng nóng bươn chải mưu sinh bằng nhiều công việc khác nhau là hình ảnh khá quen thuộc.

Gánh trên vai 2 mẹt hoa quả, chị Nguyễn Thị Nga, 39 tuổi quê Kim Động, Hưng Yên cũng đã gắn bó với những con phố Hà Nội cả chục năm nay với nghề bán hoa quả rong. Mẹt hoa quả của chị nào xoài, vải, mận, dứa… chín thẫm màu dưới cái nắng gắt. Chị Nga phải lấy túi nilông buộc lại để lá và quả được tươi. Nắng nóng là thế nhưng gặp khách mua hàng nào, chị Nga cũng nở nụ cười tươi. Chị bảo, càng nắng nóng hoa quả tiêu thụ càng nhiều hơn nên dù mệt, không ngày nào chị nghỉ.

Thuê trọ với giá 15.000 đồng/ngày tại phố Tân Ấp, Long Biên, cả ngày bươn chải, mưu sinh dọc các tuyến phố, chị Nga chỉ mong mỗi ngày có thể kiếm được từ 100.000 đồng-200.000 đồng để cuối tháng gửi về quê phụ ông bà nuôi 2 con nhỏ ăn học.

11h15, trên phố Tràng Thi, bác Tiến ở Chương Mỹ, Hà Nội hơn 60 tuổi ngồi trên chiếc xe máy quay lưng về phía Bệnh viện Phụ sản Trung ương chờ khách thuê chở. Gương mặt bác cũng đỏ gay vì nắng. Bác Tiến phải chọn chỗ khuất một chút mới tránh được ánh nắng, nhưng lại ít khách. “Từ sáng đến giờ tôi mới đi được một khách 20.000 đồng”.

Giữa trưa, cậu bé Trịnh Văn Thành, quê ở xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa mặt mũi đen nhẻm tiến đến mời chúng tôi mua kẹo cao su. Dường như, nắng nóng đỉnh điểm đang khiến cho cả cây cỏ cũng phải héo rũ ra thì những người phụ nữ và kể cả trẻ em vẫn cố gắng kiên trì bám trụ trên nhiều tuyến phố tại Thủ đô Hà Nội chỉ vì một nỗi mưu sinh.

Nắng nóng kéo dài nhất kể từ 44 năm trở lại đây

Số ngày nắng nóng trong tháng 5 đã là 24 ngày, dự kiến sẽ còn tiếp tục kéo dài. Như vậy, trong chuỗi số liệu cùng kì tháng 5 kể từ năm 1971 trở lại đây, năm nay có số ngày nắng nóng kỉ lục nhất. Theo thống kê của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, kể từ năm 1971, tại các tỉnh Trung Bộ, nắng nóng nhiều nhất rơi vào các năm 1977, 1983 (20-22 ngày), 1987 (22-24 ngày), 1997 (15-17 ngày), 2005 (19-21 ngày). Những năm trên cũng là những năm xảy ra hiện tượng El Nino. Năm nay, sự tái xuất của El Nino khiến số ngày nắng nóng tăng vọt.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đợt nắng nóng lần này ở Bắc Bộ còn kéo dài đến cuối tháng, sau đó dịu khoảng 1-2 ngày và tiếp tục bùng phát trở lại vào đầu tháng 6. Trong khi đó, tại miền Trung, nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài trong 10 ngày tới và chưa có dấu hiệu suy giảm. Khả năng trong tháng 6, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ tiếp tục có số ngày nắng nóng nhiều hơn so với trung bình cả nước.

K. Vy

Minh Phương - Đức Quang
.
.
.