Không tái đàn vì lo giá lợn tiếp tục giảm

Thứ Hai, 18/12/2017, 09:59
Vài tháng trở lại đây, giá lợn hơi tăng lên 40.000đ/kg nhưng sau đó lại tiếp tục giảm mạnh và chững lại ở mức 30.000đ/kg. Việc giá lợn liên tục “nhảy múa” khiến cho người nuôi không dám tái đàn, nhiều hộ đã bỏ chuồng trống. Theo đánh giá của ngành chức năng, mặc dù tổng đàn lợn ở ĐBSCL đã sụt giảm mạnh nhưng vẫn đủ cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán.

Kể từ khi có thông tin giá lợn tăng, người chăn nuôi bắt đầu nhen nhóm hy vọng sẽ tiếp tục tái đàn. Trên thực tế, tại Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và TP Cần Thơ, có thời điểm giá lợn hơi tăng lên mức trung bình 40.000 đồng/kg, thậm chí tốc độ tăng rất nhanh.

Cụ thể là tại tỉnh Hậu Giang, giá lợn hơi từ mức 21.000 - 22.000đ/kg tăng lên 40.000 - 41.000đ/kg. Tuy nhiên, người nuôi chưa kịp mừng thì giá lợn lại giảm.

Cùng “kịch bản” đó, tại các tỉnh lân cận trong khu vực, giá lợn hơi tăng lên 40.000đ/kg, sau đó giảm dần xuống còn khoảng 30.000đ/kg vào tháng 8 và chững lại trong khoảng nửa tháng.

Là người có kinh nghiệm chăn nuôi lợn hơn 20 năm, ông Nguyễn Văn Vũ (50 tuổi, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cho biết, chưa bao giờ lợn lại rớt giá đến mức thê thảm như năm nay. Từ trước Tết nguyên đán 2017, giá lợn có dấu hiệu sụt giảm mạnh, đỉnh điểm lứa lợn nuôi để bán cho thị trường Tết, thương lái không thu mua.

Nhiều hộ chăn nuôi tại Đồng bằng sông Cửu Long không tái đàn vì lo giá lợn tiếp tục giảm.

Cho đến hiện tại, giá lợn trên địa bàn chỉ còn ở mức từ 24.000 – 30.000đ/kg. Do giá lợn sụt giảm mạnh nên để tiết kiệm chi phí chăn nuôi, ông Vũ chọn giải pháp nuôi bán công nghiệp, tận dụng nguồn thức ăn thừa, phụ phẩm từ các hộ gia đình và hàng quán xung quanh, chỉ dùng một lượng thức ăn tương đối ít.

Năm nay,  ông Vũ nuôi khoảng 40 con lợn thịt và 7 con lợn mẹ. Riêng lứa lợn vừa rồi (cách nay gần 1 tháng), ông Vũ xuất chuồng gần 2 tấn lợn thịt với giá 28.000đ/kg, lỗ trên 30 triệu đồng.

Vốn dĩ ông Vũ chăn nuôi theo phương pháp tự nuôi lợn nái để sinh sản, tạo con giống, nhưng do thấy thị thường quá bấp bênh ông đã “bấm bụng” bán đi 3 con lợn mẹ và tiến hành ngưng cho đàn heo mẹ phủ nọc (phối giống).

Chỉ tay về đàn lợn đang tầm lớn (khoảng 50-70kg/con), ông Vũ buồn rầu: “Lợn cỡ này mà thương lái họ chỉ mua mạo chừng 1,5 triệu đồng/con, thế là lỗ nặng, nhưng phải bán bớt vì nếu không giảm đàn thì chi phí chăn nuôi đội lên cao, lại càng thêm lỗ. Giờ tôi không còn mặn mà với việc chăn nuôi lợn nữa, nếu có điều kiện thì nhất quyết sẽ chuyển đổi nghề”.

Theo đánh giá của ngành chức năng, đàn lợn tại nhiều tỉnh không còn nhiều, do thời gian trước đó từ tháng 7 đến đầu tháng 8 vừa qua, người chăn nuôi đã ào ạt bán ra lúc giá lợn tăng đột ngột ở mức cao. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều chủ trang trại lợn lớn ở ĐBSCL, giá lợn thời điểm cận Tết có lẽ sẽ tăng nhưng không nhiều.

Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia nhận định, số lượng lớn đàn lợn được giải phóng từ giải pháp “giải cứu” tồn được triển khai trong cả nước sau đợt giảm giá lợn hơi kéo dài từ cuối năm 2016 đến giữa năm 2017.

Điều này đồng nghĩa với việc đàn lợn tại các tỉnh cũng đã giảm hẳn. Trường hợp của anh Cao Minh Hoàng (xã Bình Ninh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long), do việc chăn nuôi lợn thua lỗ nên anh cùng người thân trong gia đình đành phải “treo chuồng”, đợi giá.

Theo tính toán của anh Hoàng thì với đàn lợn hơn 60 con, nuôi công nghiệp, đợt vừa qua gia đình anh thiệt hại gần 40 triệu đồng. “Giá lợn hơi hiện thời chỉ khoảng 2,4 triệu đồng/tạ, nhưng con giống đã tốn khoảng 1,8 triệu đồng/con. Ngoài ra, để lợn đạt được 1 tạ thịt thì tốn khoảng 7-8 bao thức ăn (loại 25kg), có giá thị trường 260.000đ/bao.Vậy chưa kể công chăm sóc hơn 3 tháng ròng và chi phí điện, nước thì mỗi con heo xuất bán người nuôi sẽ lỗ khoảng 500.000 – 1.000.0000đ/con”.

Theo anh Hoàng: “Nếu giá lợn hơi ở mức 4 – 5 triệu đồng/tạ thì may ra người chăn nuôi sẽ “dễ thở” hơn, đồng thời phải có chính sách bình ổn giá thì người dân mới an tâm sản xuất. Nếu các ngành chức năng cho rằng, cung vượt cầu nên dẫn đến tình trạng lợn giảm giá như hiện nay. Vậy, công tác thống kê, dự báo của ngành chức năng đóng vai trò gì? Giờ tôi chấp nhận treo chuồng chứ không dám tái đàn”, anh Hoàng bức xúc.

Tại tỉnh Bạc Liêu, hiện đàn lợn chỉ còn ở mức khoảng 229.000 con, giảm rất nhiều so với cùng kỳ năm 2016 (khoảng 249.000 con). Tại các tỉnh lân cận như Hậu Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, việc giảm đàn cũng rõ nét.

Ông Trương Phước Thông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu, nhận định, hiện giá lợn tại địa phương còn khoảng 27.000 - 28.000đ/kg, giảm so với vài tháng trước. Đàn lợn của tỉnh đang giảm, tuy nhiên sẽ không thiếu nguồn thịt lợn cung cấp cho thị trường dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Khảo sát một tại các địa phương ĐBSCL, một số hộ vẫn bỏ trống chuồng bởi chưa kịp tái đàn thì giá lợn hơi giảm mạnh. Chi cục Chăn nuôi và Chi cục Thú y tại các tỉnh ĐBSCL cũng khuyến cáo, trước tình hình tăng, giảm đột ngột như thế, người dân cần tỉnh táo, xác định kỹ mới đầu tư, không nên tái đàn ồ ạt.

Trần Lĩnh
.
.
.