Quanh dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở đoạn sông Hậu:

Không khẩn trương sẽ “xóa sổ” xã Châu Phong

Thứ Bảy, 27/01/2018, 09:07
Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng xảy ra liên tiếp, ảnh hưởng đến đời sống người dân quanh khu vực, khả năng chia cắt giao thông, UBND tỉnh An Giang quyết định phê duyệt Dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở đoạn sông Hậu, thuộc xã Châu Phong, thị xã Tân Châu và xã Vĩnh Trường, xã Đa Phước, huyện An Phú. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện thì người dân ở xã Vĩnh Trường kiên quyết phản đối vì lo ngại việc nạo vét sẽ gây sạt lở.

Ông Trần Đặng Đức, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, trước khi thực hiện dự án, Sở đã phối hợp cùng UBND các xã tổ chức họp dân lấy ý kiến tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án. Kết quả người dân đồng tình thực hiện dự án. Thế nhưng, khi triển khai dự án, lo sợ nạo vét cát sẽ làm bờ Vĩnh Trường sạt lở nên nhiều người dân phản đối.

Đỉnh điểm của sự việc, vào ngày 16-1, hàng chục hộ dân ở ấp Vĩnh Nghĩa, xã Vĩnh Trường, kéo nhau ra giữa sông để phản ứng với xáng cạp đang hút cát. Tại buổi đối thoại ngày 25-1 do Sở TN&MT phối hợp UBND huyện An Phú, UBND thị xã Tân Châu và Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (đơn vị tư vấn) cùng các cơ quan liên quan tổ chức, người dân cho rằng, khu vực Vĩnh Trường là đất bãi bồi nhiều năm nay.

Bà con vùng này đa số nghèo, mỗi người chỉ có một nền nhà sinh sống ven sông Hậu và tận dụng đất ven bồi để canh tác. Nếu nạo vét khả năng gây sạt lở khu vực này. Bà con yêu cầu chính quyền rút ngay những xáng cạp đang đậu giữa sông Hậu và cho rằng dự án thực hiện 2 năm là quá dài.

Bà Phạm Thị Chi (47 tuổi, ấp Vĩnh Nghĩa) nói, nếu triển khai dự án này thì 80 hộ dân trong khu vực sẽ có nguy cơ sạt lở và sụp nhà xuống sông Hậu bất cứ lúc nào, vì nơi này là đất bùn pha cát được bồi lấp nhiều năm qua.

Giải đáp thắc mắc trên, ông Hồ Văn Quý, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT khẳng định, dự án có lợi cho người dân. “Hiện bờ xã Vĩnh Trường đã bồi lấp 3/4 dòng sông rồi. Nếu không nạo vét chỉnh trị dòng chảy và làm bờ kè bên xã Châu Phong thì dòng nước xoáy hằng năm sẽ ăn sâu vào bờ xã Châu Phong và thậm chí có thể xóa sổ cả xã này. Còn việc nạo vét sẽ được thực hiện cách đường bờ hai bên sông Hậu 60-100m.

Nghiên cứu cho thấy, khu vực này mỗi năm bồi lắng khoảng 92 tấn, sau nạo vét lần này thì 7-10 năm sau khu vực này sẽ tiếp tục bồi lắng nữa. Việc sạt lở như bà con lo lắng là không thể xảy ra. Nếu trong quá trình thực hiện có xảy ra sự cố, Sở sẽ đề nghị dừng ngay dự án”, ông Quý phân tích và cam kết.

Người dân xã Vĩnh Trường cho rằng nếu nạo vét sẽ gây sạt lở.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, hiện tại bờ xã Châu Phong sạt lở nghiêm trọng nhiều năm qua, ăn sâu vào đất liền khoảng 25m/năm. Nếu không nạo vét chỉnh trị dòng chảy ra giữa sông Hậu thì nguy cơ sạt lở vẫn tiếp tục tái diễn, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (đơn vị tư vấn khảo sát, nghiên cứu và đề xuất phương án nạo vét), nếu không thực hiện nạo vét bờ xã Vĩnh Trường, dòng nước xoáy từ ngã ba sông Vĩnh Trường chảy dài xuống tận phà Châu Giang sẽ xoáy vào đường bờ Châu Phong gây sạt lở, uy hiếp đến 3.400ha lúa 3 vụ.

Thậm chí, sạt lở liên tiếp nhiều năm liền khả năng xóa sổ xã Châu Phong. Nạo vét khu vực trên sẽ tạo cân bằng cho địa hình đáy sông, hướng dòng chảy chính điều chỉnh về hướng giữa dòng và ra xa bờ Châu Phong khoảng 25m, giảm áp lực nước lên đường bờ xã Châu Phong khoảng 30% so hiện tại, đảm bảo mục tiêu chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở đường bờ xã Châu Phong, bảo vệ tuyến dân cư đường lộ Long An - Châu Phong.

Theo phê duyệt, dự án được thực hiện trong 2 năm. Chiều dài đoạn nạo vét là 1,4km, rộng 130-180m và sâu 11m. Tổng trữ lượng cát thu được ước khoảng 700.000m3, chủ yếu là cát bùn.

Trần Lĩnh
.
.
.