Không để nạn nhân bị tổn thương thêm lần nữa

Chủ Nhật, 23/12/2018, 07:17
Luật sư Tạ Ngọc Vân, người chuyên tham gia bảo vệ pháp lý tại các giai đoạn tố tụng cho các trẻ em nam là nạn nhân của tội phạm xâm hại tình dục, bày tỏ: Khi tham gia bảo vệ các em, tôi hy vọng sẽ giúp các em sớm hàn gắn nỗi đau mà mình đã trải qua. Ngoài việc giúp các em đòi lại công lý, tôi cũng bảo đảm giúp các em tránh bị tổn thương một lần nữa do việc làm từ phía các cơ quan điều tra, nhà trường, báo chí và dư luận...

Tuần qua, vụ Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú Đinh Bằng My ở Phú Thọ bị bắt vì xâm hại tình dục trẻ em đã gây rúng động dư luận. Nhiều người bàng hoàng, lo lắng bởi sự việc nghiêm trọng ấy lại xảy ra trong môi trường giáo dục, ở nơi trang bị kiến thức, rèn kỹ năng làm người cho trẻ. Trước sự quan tâm đặc biệt của dư luận về vụ việc ở Phú Thọ nói riêng và vấn đề xâm hại tình dục trẻ em nói chung, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với luật sư Tạ Ngọc Vân, Đoàn luật sư TP Hà Nội, người chuyên tham gia bảo vệ pháp lý tại các giai đoạn tố tụng cho các trẻ em nam là nạn nhân của tội phạm xâm hại tình dục tại Việt Nam. 

Phóng viên (PV): Về vụ án nghiêm trọng vừa xảy ra ở Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, luật sư có cảm nhận như thế nào?


Luật sư Tạ Ngọc Vân phát biểu trong một cuộc hội thảo về chống xâm hại tình dục trẻ em.

Luật sư (LS) Tạ Ngọc Vân: Tôi thấy rất đau xót và căm phẫn khi nghi can đã lợi dụng sự ngây thơ và yếu thế của các em học sinh để thoả mãn động cơ thấp hèn của mình. Nếu các cơ quan truyền thông không lên tiếng và Công an huyện Thanh Sơn không vào cuộc ngay sau đó thì không biết bao nhiêu em sẽ còn tiếp tục trở thành nạn nhân. Theo tôi, hậu quả ở đây không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của các bị hại mà còn ảnh hưởng đến uy tín của ngành Giáo dục và hình ảnh của người thầy trong xã hội. Sẽ phải rất lâu nữa mới có thể khắc phục được những thiệt hại mà nghi can gây ra cho các em và khôi phục được hình ảnh tốt đẹp về nhà trường, thầy cô đối với xã hội.

PV: Trong vụ việc này, nạn nhân bị xâm hại là các học sinh nam. Những năm trước, có lẽ nhiều người sẽ không tin đây là sự thật. Vậy trẻ em thuộc đối tượng nào dễ bị xâm hại và trở thành nạn nhân trong các tình huống nào?

LS Tạ Ngọc Vân: Hầu hết trẻ em bị lạm dụng bởi những người mình quen biết. Qua sự việc này, chúng ta có thể thấy trẻ em nam và nữ đều có nguy cơ bị lạm dụng và có thể bị lạm dụng ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, các em ở nhóm dễ bị tổn thương thường có nguy cơ bị lạm dụng cao hơn, ví dụ: Trẻ đường phố, trẻ em sinh sống học tập và làm việc xa nhà, trẻ em khuyết tật…

PV: Tôi được biết, luật sư đã từng phát hiện, giúp đỡ  nhiều trẻ em nam bị xâm hại tình dục. Tiếp xúc nhiều với các nạn nhân, luật sư có thể đánh giá hậu quả của hành vi này đối với các nạn nhân?

LS Tạ Ngọc Vân: Hậu quả của hành vi xâm hại tình dục không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm mà còn tác động lâu dài tới tâm lý, tinh thần của các em. Tôi đã trực tiếp tham gia bảo vệ nhiều nạn nhân của tội phạm xâm hại tình dục trong nhiều năm, tôi thấy không chỉ riêng các em nữ mà đặc biệt là các em nam bị tổn thương ghê gớm. Trước đó các em là những đứa trẻ vui vẻ, hoạt bát thì sau khi bị xâm hại, các em có tâm lý chán nản, phẫn uất, có em thì đòi tự tử. Nhiều em bỏ bê học hành và rẽ sang một con đường hoàn toàn mới như phá phách, sử dụng ma tuý, đánh nhau… Thậm chí có những em có biểu hiện lệch lạc hoàn toàn về giới tính. Điều này ảnh hưởng đến quá trình phát triển bình thường của các em.

PV: Có quan điểm cho rằng, các học sinh bị xâm hại tình dục trong Trường phổ thông nội trú ở Phú Thọ là do các em không có kỹ năng đối phó, xử lý tình huống để bảo vệ mình. Thế nhưng lại có ý cho rằng không thể đổ lỗi như vậy, ngay cả các thầy cô biết việc cũng không dám lên tiếng, thậm chí là có dấu hiệu đồng loã với hành vi phạm tội. Luật sư đánh giá nguyên nhân dẫn đến hành vi diễn ra trong thời gian dài ở môi trường này?

LS Tạ Ngọc Vân: Tôi chưa thực sự có thời gian để tìm hiểu nguyên nhân của tội phạm trong vụ án này. Điều này còn tuỳ thuộc vào kết quả của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rất rõ nguyên nhân trực tiếp là nghi can đã không vượt qua được những dục vọng thấp hèn của mình, dùng chính quyền lực và vai trò của mình để ép hoặc dụ dỗ các em để thoả mãn những nhu cầu đó. Vụ việc xảy ra trong thời gian dài và một số giáo viên cũng biết việc Hiệu trưởng gọi các em lên phòng. Theo tôi, chúng ta cần phải điều tra xem tại sao thầy cô gọi các em lên phòng thầy hiệu trưởng mà không có câu hỏi hay thắc mắc gì?

PV: Thực tế cho thấy để phát hiện và xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em thường rất khó khăn, luật sư có thể lý giải vấn đề này?

LS Tạ Ngọc Vân: Đúng vậy, điển hình như vụ đối tượng Nguyễn Quang Chung ở Nam Giang, Quảng Nam xâm hại tình dục 3 học sinh (đã bị TAND tỉnh Quảng Nam xử phạt 24 năm tù giam về tội Hiếp dâm và Dâm ô trẻ em), vụ đối tượng Nguyễn Khắc Thuỷ ở TP Vũng Tàu hay 9 vụ trẻ em nam bị xâm hại ở Hà Nội mà tôi tham gia… Trên thực tế, những vụ án xâm hại trẻ em khó bị phát hiện, hoặc phát hiện được nhưng không được giải quyết, hoặc giải quyết không khách quan. Bởi lẽ, trước hết là tâm lý e ngại, xấu hổ, không muốn tố cáo hoặc nạn nhân bị đe dọa không dám tố cáo…

Những người xâm hại các em là người quen, địa điểm xảy ra ở những nơi không ai ngờ tới. Các em là nạn nhân thì sợ hãi, không dám đứng ra tố cáo. Khi tố cáo thì sự việc xảy ra trong thời gian dài dẫn đến thu thập chứng cứ khó khăn. Một phần do không để lại dấu vết thân thể, mẫu vật, truy nguyên, một phần do các em cũng không nhớ cụ thể và chi tiết… Đây là một trong những lý do chính khiến các vụ xâm hại trẻ em khó bị phát hiện.

PV: Theo luật sư, hành lang pháp lý hiện đã đầy đủ và đủ mạnh để xử lý tội phạm này chưa?

LS Tạ Ngọc Vân: Hiện nay Bộ luật Hình sự đã quy định rất rõ và chi tiết về việc xử lý những hành vi liên quan đến xâm hại sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm cho trẻ em. Đặc biệt là những hành vi liên quan đến tấn công tình dục. Ví dụ, Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực từ 1-1-2018 đã có quy định về “hành vi quan hệ tình dục khác” để điều chỉnh hành vi quan hệ giữa những người cùng giới với nhau.

Tuy nhiên, khung hình phạt hiện nay thì quá rộng, với mức khởi điểm thấp, từ 3-10 năm tù nếu phạm tội ở Khoản 2 Điều 145, từ 6 tháng đến 3 năm nếu phạm tội ở Khoản 1 Điều 146 hoặc từ 3-7 năm ở Khoản 2. Như vậy, về lý thuyết đối tượng có hành vi xâm hại nhiều trẻ em vẫn có thể được hưởng án treo… Điều này là không công bằng và không đảm bảo tính răn đe.

PV: Theo luật sư, cần phải làm gì để ngăn ngừa loại tội phạm này?

LS Tạ Ngọc Vân: Theo tôi, phải xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm. Một phần để trừng trị kẻ phạm tội, đồng thời răn đe những đối tượng có ý định phạm tội. Mặt khác, các cơ quan quản lý giáo dục cần có một bộ quy tắc tiếp xúc trong trường học và hướng dẫn cho các em học sinh, thầy cô hiểu được những quy tắc đó. Ví dụ, khi nào được tiếp xúc riêng với các em học sinh, tiếp xúc ở đâu, với ai… Đồng thời, cần có phòng gặp riêng với giáo viên và học sinh tại trường. Phòng này vừa đảm bảo nhiều ánh sáng, có cửa kính, nhiều người qua lại nhưng vẫn đảm bảo được tính riêng tư…

PV: Được biết luật sư đã nhận trợ giúp pháp lý miễn phí cho các nạn nhân trong vụ việc xảy ra ở Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn, Phú Thọ. Vậy luật sư kỳ vọng sẽ làm được những gì cho các nạn nhân?

LS Tạ Ngọc Vân: Khi tham gia bảo vệ các em, tôi hy vọng sẽ giúp các em sớm hàn gắn nỗi đau mà mình đã trải qua. Ngoài việc giúp các em đòi lại công lý, tôi cũng bảo đảm giúp các em tránh bị tổn thương một lần nữa do việc làm từ phía các cơ quan điều tra, nhà trường, báo chí và dư luận. Tôi sẽ cố gắng hết sức với đạo đức và kỹ năng của người luật sư để giúp các em, và sẽ bảo vệ các em đến cùng.

PV: Xin cảm ơn luật sư!

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.