Điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp:

Không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp

Thứ Hai, 17/04/2017, 08:00
Dự thảo điều chỉnh mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ 1% xuống 0,5% từ quỹ lương tháng của người lao động theo điều 57 Luật Việc làm của Bộ LĐ- TBXH đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.


Việc điều chỉnh này được lý giải là do Quỹ BHTN hiện đang tồn dư một lượng tiền lớn, thêm nữa việc điều chỉnh này sẽ nâng cao được sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Quỹ tồn dư lớn do nhiều nguyên nhân

Trao đổi với PV Báo CAND, nhiều lao động cho biết, hầu như trong khoảng thời gian thất nghiệp tạm thời không mấy người đi làm thủ tục để được nhận tiền BHTN.

Anh Đoàn Hùng Tráng, đang làm việc tại KCN Bắc Thăng Long cho biết, thời điểm giữa năm 2014 sau khi nghỉ việc ở KCN Sài Đồng, anh có quãng thời gian hơn 6 tháng thất nghiệp.

Không có thu nhập và phải chạy đôn đáo để tìm việc tuy nhiên lúc đó anh cũng không làm thủ tục để được nhận BHTN. “Thú thực là lúc đó tôi cũng chưa hiểu lắm về BHTN. Chính vì không biết nên cũng không đi làm thủ tục để được hưởng chế độ này trong khi lúc đó lại rất cần tiền”, anh Tráng cho biết.

Quỹ BHTN được nhận định có nguy cơ thu không đủ chi trong tương lai gần.

Trong khi đó nhiều lao động biết được hưởng chế độ này nhưng lại ngại thủ tục nên cũng không làm hồ sơ để nhận BHTN. Anh Trần Công Ảnh, hiện đang làm việc tại một doanh nghiệp xây dựng tư nhân cho hay, năm 2015 do vướng bận việc nhà nên anh nghỉ việc ở chỗ cũ và thất nghiệp gần 1 năm.

Vậy nhưng anh cũng không đi làm thủ tục để được hưởng trợ cấp thất nghiệp vì cho rằng thủ tục sẽ rườm rà mà số tiền nhận được lại chẳng được bao nhiêu.

“Nhiều bạn bè của tôi khi làm thủ tục này vất vả quá nên khi thất nghiệp tôi cũng không muốn làm. Để được hưởng chế độ này, trong vòng 15 ngày từ khi có quyết định chấm dứt HĐLĐ thì phải nộp hồ sơ tới Trung tâm Giới thiệu việc làm của tỉnh (thuộc Sở LĐ-TBXH). Thủ tục cũng nhiêu khê lắm có người phải đi lại 2- 3 lần mới làm xong.

Mỗi khi đến ngày lĩnh tiền, phải đến trực tiếp mới được nhận. Đối với những người ở gần trung tâm còn đỡ, còn những người ở xa thì việc đi lại như vậy là rất vất vả”, anh Ảnh giải thích.

Thực tế này đúng như lý giải của Tổng LĐLĐ Việt Nam, quỹ BHTN tồn lớn nguyên nhân không phải là do số người thất nghiệp ít, mà do có rất nhiều người lao động tham gia BHTN, nhưng chưa được hưởng chế độ BHTN.

Nguyên nhân như khi mất việc làm họ không đi khai báo để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp; nhiều người lao động ở quá xa các thành phố, nơi có trung tâm giới thiệu việc làm để đăng ký thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp do ngại phải đi lại, tốn kém, mà mức trợ cấp ít…

Doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam thì lý do để điều chỉnh mức đóng theo lý giải của Bộ LĐ- TBXH là để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp là không thuyết phục.

Thực tế thì  việc giảm 0,5% mức đóng từ quỹ lương của người lao động liệu có giúp doanh nghiệp tăng được sức cạnh tranh hay không là câu hỏi rất khó trả lời vì số tiền này là rất nhỏ.

Theo ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách và Thi đua khen thưởng, Tổng LĐLĐ Việt Nam thì số tiền này chẳng thấm vào đâu để doanh nghiệp có thể nâng cao được sức cạnh tranh. Ông Điều ví dụ nếu doanh nghiệp có 1.000 lao động với mức lương bình quân là 5 triệu đồng/người/tháng  thì tổng quỹ lương của doanh nghiệp là 5 tỉ đồng/tháng.

Nếu giảm 0,5% mức đóng BHTN, mỗi tháng doanh nghiệp này cũng chỉ giảm 25 triệu đồng. Nếu doanh nghiệp có quy mô lao động dưới 100 người, thì số tiền đóng BHTN chỉ giảm dưới 2,5 triệu đồng/tháng.

“Chỉ cần làm phép tính đơn giản như thế là sẽ thấy số tiền doanh nghiệp giảm được là bao. So với chi phí của doanh nghiệp thì số tiền này chẳng thấm vào đâu. Liệu số tiền đó có nâng cao được sức cạnh tranh của doanh nghiệp hay không?”, ông Điều đặt câu hỏi.

Một vấn đề cũng được ông Điều phân tích đó là quỹ BHTN tồn dư lớn trong thời gian qua cũng không phải do tỉ lệ đóng cao, mà là do hiện nay quỹ chủ yếu mới chi trợ cấp thất nghiệp và đào tạo nghề cho lao động sau khi thất nghiệp mà chưa chi cho đào tạo, chuyển đổi nghề hoặc đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động để có việc làm ổn định và bền vững, tránh bị thất nghiệp.

Trong thời gian tới quỹ BHTN cần phải tăng cường hỗ trợ, chi cho việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... “Trong thời gian tới, khi ứng dụng CNTT vào việc quản lý lao động, khai báo thất nghiệp và chi trả trợ cấp thất nghiệp càng ngày càng hiện đại hóa, thuận tiện, khi đó người lao động có thể thực hiện việc khai báo thất nghiệp tại nhà hoặc bằng các thiết bị di động thì chi trợ cấp thất nghiệp chắc chắn sẽ tăng và đến thời điểm nhất định, quỹ BHTN hoàn toàn có nguy cơ thu không đủ chi trong tương lai gần”, ông Điều nhận định.

Có ý kiến cho rằng việc giảm một nửa trách nhiệm của doanh nghiệp đối với quỹ BHTN là bất cập, bởi như thế có nghĩa là quỹ này sẽ bị giảm đi, đồng nghĩa với việc tiền để dành thanh toán chế độ cho người lao động sẽ giảm đi.

Trong khi đó, mức đóng góp của người lao động vẫn giữ nguyên. Đời sống người lao động vốn đã khó khăn, khi thất nghiệp lại càng khó khăn hơn. Nếu muốn “gỡ khó” cho doanh nghiệp thì Nhà nước cần có những cơ chế khác như giảm thuế, giảm giá cho thuê đất, giãn thời gian miễn thuế đất…

Phan Hoạt
.
.
.