Sau Tết, khổ vì thiếu người giúp việc

Thứ Hai, 25/02/2019, 07:59
Ngày Tết đã qua, nhịp sống đã bình thường trở lại đến hai tuần nay, nhưng nhiều gia đình ở Hà Nội sinh hoạt vẫn đang xáo trộn bởi không tìm được người giúp việc, đặc biệt là những gia đình trẻ. Nguyên nhân là người giúp việc về quê ăn Tết xong không quay lại, hoặc xin nghỉ việc...


Trong khi đó, để có thể tìm được người giúp việc phù hợp thời điểm này lại không dễ bởi nhu cầu tăng quá cao.

Trước khi về nghỉ Tết, người giúp việc nhà chị Nguyễn Thu Trang (ngõ Gốc Đề, phố Minh Khai, Hà Nội) hẹn qua Rằm sẽ lên làm tiếp do ở quê đầu năm nhiều việc. Con lớn học lớp 2, con nhỏ mới chưa đầy 2 tuổi nên gia đình chị lâu nay phụ thuộc rất nhiều vào người giúp việc. Thế nhưng qua Rằm, chị gọi điện mấy lần chỉ thấy người giúp việc hứa sẽ lên rồi sau đó đột ngột gọi lại xin nghỉ việc.

Rơi vào cảnh còn khó hơn, chị Nguyễn Thị Dung (KĐT Định Công, Hoàng Mai) chia sẻ, vợ chồng chị mấy ngày nay cũng đang phải cuống cuồng tìm các mối để kiếm người giúp việc. Lý do là chị Dung chuẩn bị sinh em bé thứ hai.

Giúp việc nhà chị đã làm được gần một năm, cũng hứa là sẽ làm việc lâu dài. “Sau Tết, cô giúp việc vẫn lên làm như đúng hẹn vào ngày mùng 8, nhưng đùng một cái tuần sau báo nghỉ việc, lấy lý do là về quê không làm ở trên này nữa. Không biết cô ấy có về quê thật không hay là đi làm chỗ khác. Mình chuẩn bị sinh em bé, lại sinh mổ mà không có người giúp việc thì không thể lo được”.

Nhiều gia đình ở Hà Nội cuộc sống đảo lộn sau Tết vì phụ thuộc vào người giúp việc.

Tìm hiểu qua một số trung tâm dịch vụ, nguyên nhân dẫn đến việc ra Giêng khó tìm giúp việc là người giúp việc nhà thường có tâm lý muốn nhảy việc. Ông Nguyễn Viết Trận, Trưởng phòng chăm sóc nhân viên - Công ty cổ phần Phát triển dịch vụ Nhà sạch HMC cho biết, ra Tết lao động phổ thông thường có thói quen thường nghỉ Tết dài đến quá Rằm mới quay trở lại làm việc.

Thứ hai, sau Tết giúp việc rất khan hiếm, vì thế nhân viên thường xem chỗ nào trả lương cao hơn thì lại chuyển.

“Thực tế, sau Tết thì tình trạng khan hiếm càng trầm trọng hơn. Nhiều người làm họ cố gắng làm hết năm để lấy lương, thưởng rồi nghỉ. Nhiều người thì lại chọn năm mới đi làm ở một chỗ khác với mức lương cao hơn”. Sau Tết các trung tâm môi giới việc làm luôn tấp bật khi nhu cầu tăng cao bất ngờ. Nhu cầu cao, trong khi lao động giúp việc khan hiếm nên tiền lương thường rất cao.

Tại trung tâm của Công ty HMC với trang web jupviec.vn có ngày nhận được đến 600 cuộc gọi tìm người giúp việc. Tuy nhiên lượng người giúp việc tìm đến ứng tuyển cũng rất hạn chế không thể đáp ứng kịp”, ông Trận cho hay.

Ở góc độ khác, ông Trần Tất Tuân, Giám đốc Công ty Cung ứng dịch vụ chăm sóc gia đình lý giải, người giúp việc gia đình ngày càng khan hiếm là do hiện nay những người còn trẻ, khỏe chủ yếu đi giúp việc theo giờ chứ ít người đi làm theo tháng. Chính vì vậy, tình trạng khan hiếm giúp việc là điều dễ hiểu.

Nhiều người cũng từng đi làm theo tháng nhưng vì áp lực khi sống với chủ nhà nên không còn mặn mà với công việc. Một số người được làm trong những gia đình giàu có mức lương cao nên nhiều người nghĩ công việc giúp việc lương đã cao lên.

“Nếu đi giúp việc theo tháng với mức lương 6 triệu thì mỗi giờ đi quét dọn, lau nhà cũng được trả 60- 80 nghìn đồng. Nhiều khi chủ còn cho thêm nữa, tính ra, nếu chịu làm một ngày có thể thu nhập 500- 700 nghìn đồng. Ai chịu khó làm còn có thể được đến 1 triệu đồng. Làm theo giờ vừa thoải mái vừa đỡ phải gò bó vì sống chung với chủ nhà”, ông Tuân lý giải

Theo Luật Lao động, giúp việc gia đình được coi là một nghề, do đó người sử dụng lao động và người lao động phải ký kết hợp đồng lao động để có sự ràng buộc. Tuy nhiên, thực tế hiện nay hầu hết các gia đình và người giúp việc mới chỉ dừng lại ở “hợp đồng miệng” nên thiếu tính ràng buộc và tiềm ẩn nhiều hệ lụy cho cả hai bên khi xảy ra sự cố. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc giúp việc đòi tăng lương hay sẵn sàng nhảy việc khi được trả lương cao hơn.

Minh Ngọc
.
.
.