Khẩn trương ứng phó với cơn bão mạnh nhất 10 năm qua

Thứ Năm, 14/09/2017, 16:20

Ngày 14-9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã chủ trì hội nghị trực tuyến nhằm đưa ra các giải pháp khẩn cấp ứng phó bão số 10. Bão số 10 có tên quốc tế là Doksuri đang hướng thẳng vào nước ta được đánh giá rủi ro thiên tai cấp 4, chỉ sau cấp độ thảm hoạ và là cơn bão mạnh nhất trong vòng 10 năm qua.



Kiểm đến 69.547 phương tiện với 287.359 lao động

Tại hội nghị, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tất cả các tỉnh ven biển đã kêu gọi, kiểm đếm được 69.547 phương tiện với 287.359 lao động biết được thông tin, diến biến bão. Báo cáo từ cơ quan này cho thấy, trong tọa độ nguy hiểm, có khoảng 4679 phương tiện. Hiện các phương tiện này đều đã nắm được thông tin và đang di chuyển đến nơi an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn 4 phương tiện với 38 người ở Ninh Bình và Thanh Hoá chưa nắm được thông tin và chưa liên lạc được.

Bên cạnh đó, còn khoảng 315 lồng bè với khoảng hơn 4000 phương tiện đang hoạt động tại các khu vực ven biển. Lực lượng Biên phòng hiện đã dừng tất cả các hoạt động không cần thiết, để cùng với các địa phương kêu gọi, hướng dẫn phương tiện vào nơi tránh trú an toàn. Mục tiêu là muộn nhất chiều tối nay các phương tiện phải vào nơi an toàn. Cùng với đó, đảm bảo chằng néo chắc chắn phương tiện đã vào nơi tránh trú.

Báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Phó Tư lệnh Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết. "Chúng tôi đã chỉ đạo biên phòng các tỉnh dừng tất cả các hoạt động không cần thiết, tập trung cho phòng chống bão. Tập trung thực hiện khẩn trương trong ngày hôm nay 14-9, tiếp tục kêu gọi qua máy Icom và cần thiết sẽ bắn pháo sáng để ngư dân nhận biết. Tiếp tục kiểm tra việc chằng chống tàu thuyền ở khu vực cửa sông".

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh: Nhật Bắc)

Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện nay, chỉ còn khoảng 5% diện tích lúa chưa thu hoạch, cùng với đó có khoảng 600ha cam đang chuẩn bị được thu hoạch. Do đó, nếu bão vào, đây sẽ là đối tượng chịu thiệt hại lớn nhất. Tỉnh cũng đã có các phương án đảm bảo an toàn cho hồ chứa, các đập thuỷ điện, thuỷ lợi trên địa bàn. Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo sơ tán người dân tại những vùng nguy hiểm ngay trong chiều 14-9 theo phương châm tuyệt tối tuân thủ lệnh di dời theo các kịch bản ứng phó đã được phê duyệt. 

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình thông tin, hiện còn 298 tàu chưa vào bờ, dự kiến sẽ vào trong chiều tối 14-9. Tỉnh cũng đã chỉ đạo xả bớt nước tại các hồ chứa lớn nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu. Cho đến sáng 14-9, Quảng Bình đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa.

Bám sát dự báo và cảnh báo

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu công tác dự báo tiếp tục bám sát hơn, đưa ra các cảnh báo sát với thực tiễn để tổ chức ứng phó hiệu quả với cơn bão lớn này, cố gắng cao nhất để không xảy ra thiệt hại về người và tài sản.

Đường đi của bão số 10 đang hướng thẳng vào các tỉnh Bắc Trung bộ

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, đây là cơn bão rất mạnh, nếu không ứng phó kịp thời, hiệu quả, thì thiệt hại sẽ rất lớn. Phó Thủ tướng đánh giá cao sự chủ động của các cơ quan, lực lượng chức năng, của người dân trong triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, chủ động.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải có phương án cụ thể, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước hết tập trung bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển; tiếp tục kiểm đếm, thông tin cho tàu thuyền hoạt động trên biển (bao gồm cả tàu khai thác thuỷ sản, tàu vận tải, tàu du lịch,…) biết diễn biến của bão, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển về nơi tránh trú, thoát khỏi vùng nguy hiểm.

“Phải chủ động triển khai phương án bảo đảm an toàn đối với các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên biển (bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, trang thiết bị trên các giàn khoan, các công trình thăm dò, khai thác dầu khí, phương tiện liên quan đến hoạt động của dầu khí; đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất của các lực lượng vũ trang hoạt động trên biển, các vùng biển đảo, các nhà giàn’, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với khu vực ven biển (nhất là tại các địa phương dự kiến bão sẽ đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp từ Thanh Hoá đến Quảng Trị), Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền còn hoạt động ven bờ, triển khai cấm biển, không để tàu thuyền còn hoạt động trong vùng nguy hiểm từ đêm 14-9. Cùng với đó, phải đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tại nơi tránh trú, hướng dẫn sắp xếp, neo đậu an toàn. 

Đối với khu vực vùng tâm bão có khả năng đổ bộ, có thể kéo tàu thuyền lên bờ hoặc di chuyển sâu vào đất liền để hạn chế thiệt hại tại nơi neo đậu như một số trận bão trước đây; chủ động di dời, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà nổi.

Trong đất liền, Phó Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng thu hoạch các diện tích lúa đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất. Khi cần thiết, huy động lực lượng vũ trang, thanh niên,... hỗ trợ nhân dân thu hoạch.

Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét khi mưa lớn để chủ động sơ tán, di dời đảm bảo an toàn; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các cơ quan tiếp tục tăng cường thông tin, cập nhật kịp thời diễn biến của bão và công tác chỉ đạo ứng phó, tránh chủ quan.

Đà Nẵng: Khẩn cấp cứu hộ 11 thuyền viên gặp nạn trên đường tránh bão số 10

Chiều ngày 14-9, thông tin từ Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II cho biết: Trước tình hình bão số 10 đang áp sát, tính mạng 11 thuyền viên cùng tàu cá ĐNa 90875TS đang bị đe dọa, quanh khu vực tàu bị nạn không có tàu thuyền đến hỗ trợ…Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam ngay lập tức điều động tàu SAR 412 tại Đà Nẵng đi cứu nạn khẩn cấp.

Ngay khi nhận được tin cầu cứu của tàu cá ĐNa 90875TS và 11 ngư dân, tàu SAR 412 lập tức lên đường đi cứu nạn…  

Sau nhiều giờ chạy đua với thời gian, trong điều kiện sóng gió vô cùng khắc nghiệt, tàu SAR 412 đã cứu được 11 thuyền viên và hỗ trợ lai dắt đưa tàu ĐNa90875TS cập cảng X50 - Đà Nẵng an toàn lúc 14h00 cùng ngày. Trước đó vào ngày 13-9, tàu SAR 412 cũng đã cứu 01 thuyền viên bị đau tim ở vùng biển Hoàng Sa, đưa về Đà Nẵng chữa trị kịp thời.

Hơn 250 nghìn học sinh ở Huế được nghỉ học để tránh bão số 10

Trước tình hình mưa bão số 10 đang diễn biến bất thường, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cho học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh nghỉ học. Theo đó, toàn tỉnh Thừa Thiên- Huế có khoảng 250.000 học sinh từ cấp học mầm non đến THPT tại các huyện, thị xã sẽ được nghỉ học từ chiều 14-9, ngày 15-9 và tùy theo diễn biến mưa bão, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên- Huế sẽ có kế hoạch về công tác dạy và học trong những ngày tiếp theo.

Học sinh ở tỉnh Thừa Thiên - Huế được cho nghỉ học từ chiều 14-9 để tránh mưa bão.

Ngoài ra, có khoảng 60.000 sinh viên đang theo học tại các trường cao đẳng và đại học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng được thông báo nghỉ học từ chiều 14-9. Theo dự báo, do ảnh hưởng của bão số 10, từ ngày 14 đến 16-9, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế có mưa to đến rất to, lượng mưa từ 100 đến 250mm. 

Hải phòng:  Cấm biển từ 17h ngày 14-9

Từ 17h ngày 14-9. thành phố Hải Phòng thực hiện lệnh cấm biển để phòng, chống bão số 10. Theo đó, các hoạt động giao thông vận tải đường thuỷ, vui chơi giải trí khu vực biển, đảo và ven sông phải tạm dừng. Riêng tuyến phà vượt biển bến Gót- Phù Long (từ đảo Cát Hải sang Cát Bà và ngược lại) và các tuyến phà sông cũng sẽ dừng hoạt động từ 18 giờ ngày 14-9. Cấm tất cả các tàu thuyền khai thác thủy sản, phương tiện vận tải đường thủy nội địa, phà, đò, lồng bè nuôi thủy sản đã vào nơi tránh trú hoạt động trong thời gian có bão từ 17 giờ ngày 14-9.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng đã có Công điện khẩn số 07/CĐ-CT yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, quận và thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ phòng chống bão số 10; triển khai phương án sơ tán dân ở các khu vực trũng thấp, ven sông, ven biển, các khu nhà cũ yếu, các khu du lịch biển, khu vực có nguy cơ sạt lở và trên các phương tiện đã về nơi neo đậu.

Bộ đội Biên phòng Hải Phòng phối hợp với các địa phương, đơn vị kêu gọi ngay tàu thuyền đang hoạt động trên biển khẩn trương vào nơi tránh trú an toàn, nhất là khu vực quanh đảo Bạch Long Vĩ.

Toàn thành phố đã huy động 48.585 người tham gia xung kích hộ đê, 1.198 xe ô tô các loại; 337 tàu, xuồng; 132 xe cẩu, xúc, xe thang; 169 máy phát điện; hàng nghìn m3 đất, cát, đá hộc; 806 tấn lương thực... sẵn sàng đối phó với các tình huống do bão số 10 có thể gây ra. Lực lượng Công an toàn thành phố có kế hoạch ứng trực, đảm bảo ANTT, sẵn sàng các phương tiện, tham gia phòng chống bão, cứu hộ, cứu nạn…


Yêu cầu dừng các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch ở khu vực bão số 10 đi qua

Ngày 14-9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công văn hỏa tốc yêu cầu các địa phương có biện pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch và đề xuất dừng tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tại các khu vực bị ảnh hưởng lớn của cơn bão số 10.

Công văn yêu cầu, sở Văn hóa, Thể thao, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam và Hà Nội theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, phối hợp với các cấp,các ngành sẵn sàng triển khai ứng phó với các tình huống mưa lớn gây lũ, ngập lụt, sạt lở. 

Các sở phối hợp thực hiện lệnh cấm biển, hướng dẫn tàu, thuyền neo đậu, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách, chỉ đạo, sơ tán đảm bảo an toàn cho du khách ở các khu du lịch ven biển. Các nơi đang và sắp diễn ra các chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch có tập trung đông người phải đề xuất hoãn hoạt động khi có tình huống nguy hiểm, có kế hoạch gia cố, bảo vệ các thiết chế văn hóa trên địa bàn…

Chi Linh - Hoài Thu - Anh Khoa - Ngọc Hoa-Văn Thịnh
.
.
.