Cảnh báo nguy cơ lũ cục bộ và lụt từ Quảng Bình đến Phú Yên

Thứ Tư, 12/12/2018, 19:24
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên sẽ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, nguy cơ cao xảy ra lũ cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi và ngập lụt vùng trũng ở các đô thị từ Quảng Bình đến Phú Yên. 


Chiều 12-12, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) đã có công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Phú Yên cùng các Bộ, ngành liên quan. Công điện nêu rõ, trong những ngày vừa qua, các tỉnh khu vực Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, đặc biệt một số nơi có mưa đến 1.000mm/đợt gây ngập lụt trên diện rộng; mực nước các sông Trung Trung Bộ dâng cao, nhiều hồ chứa đã đầy nước.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên 300 - 400mm/đợt, có nơi trên 500mm; khả năng xuất hiện một đợt lũ diện, đỉnh lũ các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam ở mức BĐ1- BĐ2; các sông từ Quảng Ngãi đến Phú Yên ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi và ngập lụt vùng trũng ở các đô thị từ Quảng Bình đến Phú Yên. 

Mưa lũ sẽ tiếp tục có nguy cơ xảy ra tại miền Trung trong những ngày tới.

Nhằm chủ động ứng phó với mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn công trình hồ chứa, đê điều, hạn chế tối đa thiệt hại về người, cơ sở hạ tầng, sản xuất, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu các tỉnh, TP rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với thiên tai trên địa bàn, đảm bảo an toàn các công trình đê điều, hồ đập; kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ của các hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du; sẵn sàng vận hành công trình tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra, đề phòng ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp; lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Sẵn sàng phương án sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn. Các địa phương cần chú trọng việc dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm… để sẵn sàng ứng phó với các tình huống, nhất là ngập lụt kéo dài.

Các địa phương cần sẵn sàng phương án sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn.

Về phía Bộ Công thương, Ban Chỉ đạo Chỉ đạo Trung ương về PCTT yêu cầu đề nghị Tập đoàn điện lực Việt Nam tăng cường lực lượng thường trực, chỉ đạo chủ đập tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho công trình. Chỉ đạo các địa phương và các đơn vị trực thuộc sẵn sàng cung cấp đồ dùng, nhu yếu phẩm thiết yếu, điều tiết thị trường tránh tình trạng thiếu hàng hóa hoặc bị tăng giá. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị liên quan, tổ chức các đoàn công tác phối hợp với các cơ quan chức năng của các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát các hồ chứa thủy lợi, đặc biệt đối với các vị trí đã xảy ra các sự cố, các hồ chứa nhỏ có nguy cơ mất an toàn, hồ chứa đã tích đầy nước. 

Tính đến chiều ngày 12-12, tại các tỉnh miền Trung, mưa lũ đã làm 13 người chết, hơn 33.500 căn nhà bị ngập (Nghệ An: 730 nhà; Quảng Nam 17.600 nhà; Đà Nẵng 2.551 nhà; Quảng Ngãi 1.141 nhà; Bình Định 10.090 nhà; Quảng Trị: 680 nhà). Số hộ phải di dời khẩn cấp: 5.994 hộ (Quảng Nam: 5.991 hộ; Quảng Ngãi: 3 hộ). Đã có hơn 9.000 ha lúa bị thiệt hại; 53.351m kênh mương bị sạt lở, hư hỏng. Về Thủy sản: Diện tích nuôi thủy sản bị ngập, thiệt hại: 768 ha (Quảng Trị: 269 ha, Nghệ An: 322ha; Quảng Nam: 178ha).


             


NY
.
.
.