Khẩn trương giải quyết bài toán sạt lở ở ĐBSCL

Thứ Sáu, 08/06/2018, 10:15
Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh Cà Mau xảy ra 23 vụ sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài hơn 600m, thiệt hại 37 căn nhà, ước tổng thiệt hại khoảng 1,35 tỷ đồng.


Cụ thể, tại huyện Đầm Dơi xảy ra 10 vụ sạt lở đất với chiều dài hơn 300m, làm thiệt hại 7 căn nhà, ước thiệt hại 646 triệu đồng; huyện Năm Căn xảy ra 13 vụ sạt lở đất với chiều dài gần 300m, làm thiệt hại 30 căn nhà, ước thiệt hại 712 triệu đồng.

Cà Mau là tỉnh có 3 mặt tiếp giáp với biển, chịu tác động rất mạnh bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, dễ bị tổn thương trước diễn biến cực đoan của thời tiết, tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển diễn biến rất phức tạp, khó lường… 

Bờ biển bị sạt lở rất nghiêm trọng, làm mất đai rừng phòng hộ ở nhiều đoạn (11 năm qua, rừng ven biển đã bị mất khoảng 8.870 ha), nguy cơ làm vỡ đê biển Tây, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đe dọa tính mạng, tài sản của hàng trăm ngàn hộ dân vùng ven biển. 

Hiện trường 5 căn nhà ở phường Thới Lợi, quận Ô Môn (TP Cần Thơ), bị sụp xuống sông vào ngày 21-5 vừa qua.

Trước tình hình sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của các hộ dân khu vực ven biển, cần phải đầu tư xây dựng khu tái định cư để di dời khẩn cấp 651 hộ, với 2.610 nhân khẩu tại khu vực cửa biển Hòn Đá Bạc, Vàm Xoáy, Rạch Gốc… vào nơi an toàn. 

Đối với sạt lở đất bờ sông, tỉnh Cà Mau hiện có 27 vị trí sạt lở, với tổng chiều dài gần 38km; trong đó, có 8 vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, với chiều dài 4.890m, liên quan đến 1.047 hộ dân sinh sống, buôn bán và sản xuất trong khu vực cần phải sớm được di dời để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân…

Không chỉ riêng Cà Mau, hiện toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 562 điểm bị sạt lở với tổng chiều dài 786km, trong đó sạt lở bờ sông 562 điểm gồm 520km; sạt lở bờ biển 49 điểm gồm 266km. Sạt lở đặc biệt nguy hiểm 40 điểm với 266km. 

Tại một số đô thị đã xảy ra sạt lở gây những thiệt hại đáng kể, như: Huyện Chợ Mới, thị xã Tân Châu, TP Long Xuyên (An Giang); thị xã Hồng Ngự, TP Sa Đéc (Đồng Tháp); thị xã Bình Minh, TP Vĩnh Long (Vĩnh Long); quận Ô Môn (Cần Thơ), tỉnh Bến Tre, Tiền Giang… 

Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện cho biết, trong 26 năm qua khuynh hướng sạt lở ở khu vực này trội hơn hẳn khuynh hướng bồi đắp. Nhất là càng về sau trong 10 năm và 5 năm gần đây nhất sạt lở gia tăng nhanh. Hiện có đến 50% chiều dài bờ biển của ĐBSCL sạt lở dữ dội, có nơi bờ biển thụt lùi hơn 50m, trung bình mỗi năm mất khoảng 500ha đất ven biển. 

Còn theo Bộ NN&PTNT, ĐBSCL có đặc điểm là đồng bằng trẻ, thuộc hạ lưu sông Mê kông, là vùng đất thấp mềm yếu khả năng chịu lực thấp và khá bằng phẳng, dễ bị xói lở do tác động của tự nhiên và nhân tạo. 

Từ đặc điểm địa hình và địa chất nêu trên, một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở ở ĐBSCL là do các nước trên thượng nguồn sông Mê kông gia tăng các hoạt động kinh tế, tập trung vào thủy điện và nông nghiệp, gây ra hệ lụy tiêu cực đối với ĐBSCL. 

Trong tương lai gần, số lượng hồ thủy điện được quy hoạch trên thượng lưu sông Mê kông sẽ là 106 công trình với tổng dung tích 106 tỷ m³. Do đó dẫn đến lượng phù sa, bùn cát về Đồng bằng sông Cửu Long suy giảm tới 42% so với trước năm 2012.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 cho các địa phương vùng ĐBSCL để xử lý các khu vực sạt lở cấp bách ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình hạ tầng thiết yếu. 

Giao Bộ NN&PTNT chủ trì, tổng hợp, đề xuất danh mục dự án cần xử lý cấp bách, mức hỗ trợ cụ thể cho từng địa phương, gửi các BộTài chính, Bộ KH&Đ; Bộ KH&ĐT chủ trì tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí cho các địa phương trong tháng 5 - 2018. 

Thủ tướng cũng đồng ý về chủ trương bổ sung 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của Chính phủ để hỗ trợ một số địa phương trong vùng tập trung khắc phục sạt lở…

Văn Đức
.
.
.