Khan nguồn cung, người đổi tiền bị 'chặt chém'

Thứ Tư, 11/02/2015, 09:03
Trong những ngày giáp Tết Ất Mùi, hoạt động đổi tiền lẻ tại các cổng đền, chùa, phủ ở Hà Nội không còn nhộn nhịp công khai như trước, tuy nhiên đằng sau những quầy bán hàng mã, viết sớ, khách hàng cần bao nhiêu cũng có thể đổi được, tuỳ theo từng mệnh giá tiền có giá đổi khác nhau, tiền mới mệnh giá càng thấp giá đổi càng cao.

Cần bao nhiêu cũng có…

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm nay, cơ quan này không phát hành thêm tiền mới có mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống.

Điều đáng nói đây cũng là những mệnh giá mà người dân hay dùng để đi lễ chùa đầu năm. Vì vậy, với quy định này, những quầy hàng đổi tiền lẻ mới lại càng có dịp “chặt chém” khách hàng.

Có mặt tại chùa Quán Sứ những ngày giáp Tết Ất Mùi mới thấy sự tấp nập, nhộn nhạo chuyện đổi tiền lẻ để vào lễ chùa.

Những sạp, hàng cọc tiền lẻ được bày công khai, la liệt chung với vàng hương như những mặt hàng trao đổi. Người bán hàng ngang nhiên chèo kéo, mời mọc khách đổi tiền.

Những người cho đổi tiền chính là các tiểu thương bán hoa quả, vàng mã hai bên cổng chùa. Họ có sẵn nhiều mệnh giá tiền lẻ từ 500 đồng đến 20.000 đồng, mỗi lần khách hàng đổi 100 ngàn đồng chỉ được nhận lại từ 80-85 ngàn đồng tiền lẻ.

Khách hàng có nhu cầu đổi bao nhiêu tiền, với mệnh giá nào cũng có, thậm chí là vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, những người đổi tiền ở đây chỉ đồng ý đổi từ 100 ngàn đồng trở lên bởi họ “chê” 50 ngàn thì ít quá, không bõ đếm?!

Vừa đếm tiền cho khách bà chủ sạp hàng vừa nói: “Trên sạp chỉ là bày cho có hàng thôi. Khách đổi ít thì chẳng sao, chứ đổi nhiều thì phải giấu kỹ trong này, lỡ Công an đi tuần tra, thu giữ và phạt tiền thì mất cả chì lẫn chài”.

Cận Tết, dịch vụ đổi tiền lẻ tại các cổng chùa không công khai nhưng khách hàng có nhu cầu bao nhiêu cũng đáp ứng được.

Trong khi đó, tại lối vào phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ), hơn chục quầy đổi tiền lẻ vẫn được bày ra công khai, xen kẽ với các dịch vụ viết sớ, bán đồ lễ. Dù vậy, lượng tiền bày trong tủ không nhiều.

Với lý do ngân hàng siết nguồn cung tiền lẻ nên phí đổi đã tăng lên khoảng 30% đối với mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng; thậm chí lên đến 60% với tiền mệnh giá nhỏ hơn.

Nhiều quầy cho biết không còn tiền mệnh giá 1.000 đồng, nếu khách cần phải báo trước và giá đổi sẽ đắt.

Một người bán đồ lễ ngay cạnh cổng phủ cho biết, đổi tiền mới mệnh giá 500đ thì 100 nghìn được 1 cọc 50 nghìn; còn tiền 500đ đã qua sử dụng có mức đổi 100 nghìn được 70 nghìn.

Tại phố Đinh Lễ ở Hà Nội lâu nay hoạt động đổi tiền vẫn tấp nập thì mấy ngày gần đây dường như kín đáo hơn.

Những phụ nữ hành nghề đổi tiền không đứng túm tụm như trước mà tản ra khắp các góc khuất. Đặc biệt, họ rất cảnh giác với người lạ và ống kính máy ảnh.

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi một người đổi tiền tại đây thì chị cho biết năm nay không có mệnh giá nhỏ, chỉ có từ 5.000 trở lên, giá đổi thay đổi từng ngày tuỳ theo mệnh giá và đổi nhiều hay ít, khách đổi nhiều báo trước tiền sẽ mang đến tận nơi.

Giá trong ngày đổi tiền theo seri (tiền chưa qua sử dụng) thì giá chung là “10 ăn 8”, tiền đã qua tay là “10 ăn 9”.

Thay đổi nhận thức người dân về cách ứng xử với tiền lẻ

Theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch trái pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng.

Nhiều người kỳ vọng rằng mức phạt này sẽ khiến cho dịch vụ đổi tiền lẻ cũng như thói quen dùng tiền lẻ đi lễ chùa của người dân sẽ được hạn chế.

Song, với thực tế hiện nay, dường như quy định mới chỉ đủ khiến cho hoạt động đổi tiền bớt công khai, và nâng cao “nghiệp vụ” lén lút của họ mà thôi.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho rằng tiền lẻ, tiền mới dịp Tết được chia làm 2 loại: một loại dùng để mừng tuổi và loại khác dùng để đi đền, chùa.

“Thực ra, nhu cầu đổi tiền mới nhân dịp Tết để dành mừng tuổi cho con trẻ là một truyền thống văn hóa từ lâu đời. Chính NHNN cũng luôn có kế hoạch cung ứng tiền mới trong dịp này để đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân.

Tuy nhiên, vì nhu cầu thì vô cùng, mà lượng tiền lẻ đã qua sử dụng trong lưu thông vẫn còn nhiều nên không thể năm nào cũng phát hành lượng tiền mới quá lớn.

Riêng với tiền lẻ đi lễ chùa, đây là thói quen không đúng với văn hóa, tín ngưỡng, và việc dùng tiền vào hình thức này là sai mục đích sử dụng của đồng tiền, méo mó giá trị của đồng tiền là điều không nên”, ông Tú nói.

Tuy nhiên, ông Tú cho biết, dù đã có quy định xử phạt, song để thay đổi một thói quen trong cuộc sống là điều không hề dễ.

Hướng của NHNN và các cơ quan chức năng cũng chủ yếu là tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi từ quan niệm đến hành động, chứ không đặt cao mục đích xử phạt.

Việc đổi tiền lẻ có chiết khấu là vi phạm quy định của pháp luật. Hơn nữa theo nhiều chuyên gia văn hóa, hiện nay phong cách tiêu tiền, đối xử với đồng tiền lẻ của một bộ phận người dân đang thiếu tích cực.

Trong khi chúng ta là nước nghèo, việc tôn trọng giá trị cũng như hình ảnh của đồng tiền, từ những đồng tiền lẻ cần phải được nâng cao.

Hơn nữa, không phải cứ mang tiền lẻ đặt hết các ban thờ trong đình, chùa mới là có tâm. Quan trọng là phải chuẩn bị được tâm thế khi đi lễ chùa. Tốt nhất là đặt tiền lẻ vào hòm công đức với thái độ cung kính, nghiêm túc.

Được biết, NHNN đang phối hợp cùng các cơ quan gồm Công an, Quản lý thị trường, Thanh tra NHNN, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch... kiểm tra, giám sát quyết liệt hơn để xử phạt nghiêm những đối tượng có hành vi đổi tiền.

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có công văn số 71/BVHTTDL-VHCS gửi tới các địa phương, chỉ đạo việc tiếp tục tăng cường quản lý, chấn chỉnh việc lưu thông, sử dụng đồng tiền Việt Nam có mệnh giá nhỏ trên địa bàn, đặc biệt là tại các công trình tín ngưỡng, lễ hội.

Thuý Hiệp - Hoàng Hoà
.
.
.